Hồi âm:

Đề nghị TP. Hà Nội giải quyết dứt điểm dự án “Công viên Đống Đa”

(Dân trí) – Ông Phan Văn Minh, Vụ trưởng Vụ theo dõi khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng VPCP vừa có công văn yêu cầu UBND TP. Hà Nội giải quyết 20 vụ tố cáo, khiếu nại của công dân trên địa bàn thủ đô, trong đó có dự án “Công viên Đống Đa”.

Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP. Hà Nội
Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP. Hà Nội
 
Công văn số 4332/VPCP-KNTN của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Văn phòng Chính phủ nhận được đơn, thư của một số công dân ở thành phố Hà Nội gửi Thủ tướng Chính Phủ và Văn phòng Chính phủ.

Qua kiểm tra, nội dung các đơn, thư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố Hà Nội.

Văn phòng Chính phủ chuyển 20 đơn, thư (có danh sách kèm theo) đến UBND TP. Hà Nội để chỉ đạo kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả giải quyết.

Trong số 20 vụ việc Văn phòng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội kiểm tra, giải quyết nổi cộm là dự án “Công viên Đống Đa” mà báo Dân trí đã có loạt bài phản ánh.
Dự án đắp chiếu nhiều năm là nơi tập kết rác thải và vật liệu xây dựng

Dự án "đắp chiếu" nhiều năm là nơi tập kết rác thải và vật liệu xây dựng

Như Dân trí đã đưa tin: Nằm giữa lòng Thủ đô, dự án Công viên văn hoá, thể thao, vui chơi Đống Đa đã "treo" hàng chục năm qua và hiện chưa biết đến bao giờ mới tiếp tục được thực hiện, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên, bức xúc trong dư luận…
 
Năm 2001, sau khi có phê duyệt dự án công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa (công viên Đống Đa) rộng 7,09 ha, UBND Thành phố giao cho Ban quản lý dự án (Ban QLDA) quận Đống Đa làm chủ đầu tư dự án, thực hiện xây mới hoàn toàn. Đây là dự án với mục đích phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân khu vực và thành phố, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường và văn minh xã hội…

Thế nhưng, Ban QLDA quận Đống Đa chỉ di dời được 132 hộ, số diện tích GPMB được khoảng 2,2 ha rồi… bỏ đấy! Ngoài 132 hộ đã thực hiện GPMB từ năm 2001, trong dự án hiện nay còn có tới 800 đến 1.000 hộ dân đang sinh sống thuộc diện giải tỏa vô cùng khó khăn, bởi họ phải sống trong những căn nhà chật chội, cuộc sống luôn thiếu điện, thiếu nước.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 14/8, ông Nguyễn Văn Nam, một trong những hộ gia đình đã bị thu hồi đất khu ao Thước Thợ bức xúc nói: “Theo báo Công an TP Hồ Chí Minh đăng năm 1991-1992 đất công lấn chiếm tại sao lại được làm nhà từ 2-3 tầng... Năm 1995, thành phố có quyết định thu hồi 70.000m2 để làm công viên Đống Đa, đã cho phá dỡ 45 nóc nhà, một số cán bộ bị kỷ luật vì đất bãi rác Thành Công và đất ao Thước Thợ. Tại sao không phá dỡ hết mà lại để tồn tại và sinh sống lâu dài.  Ngay sau đó khu vực này vẫn mọc lên hàng trăm nóc nhà cấp 4, nhà xây 2 - 3 tầng kiên cố. Nếu đây là đất lấn chiếm tại sao lại cho phép xây nhà 2 – 3 tầng? Bên cạnh đó, việc cùng lúc cảnh xây dựng hàng trăm ngôi nhà lớn nhỏ, cảnh tập kết vật liệu xây dựng diễn ra rầm rộ, các cấp chính quyền, cán bộ địa chính, cán bộ Ban quản lí dự án ở đâu? Sao lại không biết việc này?

Dự án đắp chiếu nhiều năm là nơi tập kết rác thải và vật liệu xây dựng

Ông Nam bức xúc chia sẻ về cuộc sống khó khăn sau nhiều năm bàn giao đất mà chưa được hỗ trợ đúng mực
Từ lúc nào khu đất vàng giữa lòng thủ đô thành bãi rác tự phát

Từ lúc nào khu đất vàng giữa lòng thủ đô thành "bãi rác tự phát"

Những người chấp hành chủ trương như chúng tôi 11 năm nay lang thang cơ nhỡ, phải đi thuê nhà để ở,… trong khi đó dự án vẫn “treo”, chúng tôi không được hỗ trợ, đền bù theo quy định”.

Theo quan sát của chúng tôi, trong khu vực dự án hiện nay xuất hiện nhiều hộ dân đua nhau cơi nới, xây nhà cao tầng mà không thấy chính quyền địa phương ngăn chặn. Phần diện tích đã thu hồi 2,2 ha nhiều chỗ cỏ hoang mọc um tùm, là tụ điểm tiêm chích ma túy, nơi tập kết rác gây ô nhiễm môi trường…

Việc dự án kéo dài tới 11 năm mà chưa có giải pháp thực hiện làm cho cuộc sống của gần 1.000 hộ dân nơi đây đang “treo” theo với dự án “treo”, cuộc sống của gần 50/132 hộ đã bàn giao mặt bằng thì luôn bấp bênh…

Chính vì dự án 11 năm qua mới GPMB được 132/1.000 hộ và 3 tổ chức, do vậy dư luận nhân dân hoài nghi về việc thu hồi đất để làm công viên Đống Đa. Dự án hiện nay còn khoảng 1.000 hộ dân nữa thì không biết đến khi nào mới hoàn thành công tác GPMB?

Suốt 11 năm qua, gần 50 hộ dân trong số 132 hộ đã bàn giao mặt bằng, nhận được số tiền đền bù rất ít và không được tái định cư nên nhiều năm qua họ liên tục “gõ cửa” cơ quan chức năng Trung ương và Hà Nội đề nghị hỗ trợ thêm về chính sách đền bù, tái định cư, ổn định cuộc sống. Đây là nguyện vọng chính đáng cần sớm được UBND TP. Hà Nội xem xét, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bài, ảnh: Thu Hà