TP.HCM - Bài 4:
Hàng trăm hecta đất cấm bị "xẻ thịt": lại "điệp khúc"phê bình, rút kinh nghiệm (?!)
(Dân trí) - Liên quan đến những sai phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, UBND huyện Bình Chánh, UBND xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B đã xử lý trách nhiệm những các nhân liên quan bằng hình thức phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Hình thức xử lý “quen thuộc”
Sau những phản ánh về việc “xẻ thịt” đất cấm để phân lô, nền, ồ ạt xây dựng nhà trái phép, UBND huyện Bình Chánh cũng đã lập hội đồng kỷ luật xử lý các cá nhân là cán bộ, công chức có liên quan.
Cụ thể, tại xã Vĩnh Lộc A, phê bình rút kinh nghiệm đối với Chủ tịch, khiển trách đối với phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A và buộc thôi việc một công chức. UBND xã Vĩnh Lộc A cũng đã tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền với hình thức phê bình rút kinh nghiệm đối với 2 cán bộ không chuyên trách (được phân công cùng với công chức địa chính xây dựng).
Huyện Bình Chánh cũng phê bình rút kinh nghiệm đối với trưởng ấp 4 và trưởng ấp 4A, riêng trưởng ấp 5A bị bãi nhiệm. Kỷ luật sa thải đối với một cán bộ không chuyên trách (được phân công cùng với công chức địa chính xây dựng).
Nhiều cán bộ xã Vĩnh Lộc A bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Tại xã Vĩnh Lộc B, Chủ tịch xã bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, Phó Chủ tịch xã bị phê bình rút kinh nghiệm. Cùng với đó, 2 công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và môi trường nhận hình thức kỷ luật phê bình rút kinh nghiệm đối với 2 công chức trật tự đô thị.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết, UBND xã đã tiến hành tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xem xét kỷ luật đối với 14 cá nhân có liên quan.
Theo đó, nhóm các bộ quản lý trật tự đô thị xã Vĩnh Lộc B gồm ông Võ Thanh Sơn (tổ trưởng); ông Ngô Xuân Trường (tổ phó); ông Dương Văn Đỗ Mộng (cán bộ); ông Hồ Văn Bảo Long (cán bộ) bị rút kinh nghiệm”.
14 cán bộ xã Vĩnh Lộc B cũng bị xử lý trách nhiệm bằng các hình thức khiển trách, phê bình, rút kinh nghiệm.
Nhóm công chức Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng và Môi trường bị hình thức xử lý phê bình rút kinh nghiệm gồm: Ông Trần Quốc Vũ; ông Đặng Minh Quý (công chức); ông Nguyễn Hoài Nam; ông Nguyễn Thanh Tân, ông Thái Văn Thắng (Cán bộ kinh tế hỗ trợ công chức Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng và Môi trường.
Ba cán bộ kinh tế (hỗ trợ Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng và Môi trường) là ông Thái Nhựt Hùng, Nguyễn Minh Tuấn và Lại Minh Triều bị hình thức xử lý rút kinh nghiệm.
Hai trưởng ấp bị hình thức phê bình rút kinh nghiệm gồm ông Châu Huỳnh Nam (trưởng ấp 3) và ông Nguyễn Ngọc Thuận (trưởng ấp 6A).
Đất cấm tiếp tục bị “xẻ thịt”?
Một khu đất tại xã Vĩnh Lộc A đang có dấu hiệu bị "xẻ thịt" dù hàng loạt cán bộ địa phương vừa bị xử lý trách nhiệm.
Với những hình thức xử lý cán bộ có liên quan đến việc buông lỏng quản để xảy ra tình trạng xây dựng nhà trái phép ồ ạt, dư luận không khỏi băn khoăn, liệu chế tài như vậy có đủ răn đe, “dẹp loạn” tình trạng “xẻ thịt” đất nông nghiệp, đất dự trữ nông nghiệp…
Đầu tháng 4/2019, có mặt tại khu vực tổ 12 ấp 1A, tổ 11 ấp 1B, ấp 2, khu vực nằm giáp ranh với đường Kênh Trung Ương chạy dài sâu vào khu vực đất rừng phòng hộ Kênh Liên Vùng xã Vĩnh Lộc A. PV Dân trí ghi nhận tình trạng san lấp, phân lô diễn ra ồ ạt. Những tấm biển cũng được UBND xã Vĩnh Lộc dựng lên để cảnh báo nhưng tình trạng “xẻ thịt” đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp vẫn diễn ra.
Biển cấm được cắm nhưng những khu vực này đang "âm ỉ" việc phân lô, nền, xây nhà trái phép.
Tương tự, tại địa bàn xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), tình trạng san lấp, phân lô trên đất nông nghiệp, xây dựng nhà trái phép cũng diễn ra ồ ạt. Hàng loạt căn nhà được “phù phép”mọc lên trên “đất cấm”.
Vấn đề xây dựng trái phép ở huyện Bình Chánh không phải là mới, song thời gian gần đây tình trạng này diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi với sự xuất hiện của những “ông trùm” phân lô và giới cò đất, đầu nậu…đang khiến quy hoạch vùng ven bị phá nát. Dù cơ quan chức năng nhiều lần chỉ đạo, xử lý tình trạng “xẻ thịt” đất cấm nhưng vì lợi nhuận “cực khủng” mà nhiều “ông trùm” vẫn tìm đủ mọi cách để phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp.
Liệu những tấm biển cấm này có ngăn chặn được tình trạng "xẻ thịt" đất nông nghiệp?
Không chỉ ở địa bàn xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đất nông nghiệp mới bị “xẻ thịt”, nhà xây lụi mới mọc lên như nấm mà tại huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng xảy ra tình trạng tương tự. Hàng trăm căn nhà được “phù phép” mọc lên giữa những cánh đồng rau muống, diện tích, mật độ xây dựng không đảm bảo nhưng nhà vẫn ngang nhiên được dựng lên, tồn tại.
Nhiều người dân chỉ cần đổ xe cát, đặt viên gạch đã bị “hỏi thăm” nhưng vì sao hàng loạt dãy nhà đồ sộ, quy mô xây dựng trên đất nông nghiệp, có dấu hiệu sai phạm vẫn tồn tại?
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin.
Trung Kiên