Bài 7:

Hàng trăm ha đất cấm bị “xẻ thịt”: Công trình vi phạm 10 năm chưa xử lý!

Trung Kiên

(Dân trí) - Thanh tra trong 3 năm, huyện Củ Chi có khoảng 700 trường hợp xây dựng không phép, sai phép. Có những công trình “khủng” ngang nhiên xây dựng kéo dài hơn 10 năm nhưng chưa xử lý dứt điểm

“Điểm danh” hàng loạt vi phạm

Hàng trăm ha đất cấm bị “xẻ thịt”: Công trình vi phạm 10 năm chưa xử lý! - 1

Nhiều công trình xây dựng "mọc" lên trên đất nông nghiệp tại huyện Củ Chi.

Thanh tra TP.HCM đã có thông báo kết luận thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi từ năm 2016 đến 11/2019. Thanh tra TP.HCM xác định, UBND huyện Củ Chi và một số cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện có những vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng cần chấn chỉnh khắc, khắc phục ngay.

Về quản lý đất đai, theo Thanh tra TP.HCM, UBND huyện Củ Chi chưa đảm bảo thời hạn, thẩm định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp huyện, chưa khảo sát nhu cầu SDĐ của hộ gia đình, các nhân theo quy định. UBND huyện tự ý điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu mục đích SDĐ nông nghiệp sang đất ở từ xã này sang xã khác nhưng không thông qua HĐND huyện trước khi trình UBND TP phê duyệt là không đúng quy định.

Hàng trăm ha đất cấm bị “xẻ thịt”: Công trình vi phạm 10 năm chưa xử lý! - 2

UBND huyện tự ý điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu mục đích SDĐ nông nghiệp sang đất ở từ xã này sang xã khác nhưng không thông qua HĐND huyện.

Bên cạnh đó, bản đồ quy hoạch xây dựng, đồ án quy hoạch của UBND huyện Củ Chi chưa đảm bảo tính thống nhất, liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch SDĐ với quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác trên địa bàn. Thậm chí, các quy hoạch còn bị chồng lấn lên nhau. Cụ thể, quy hoạch chi tiết 1/2000 chồng lấn quy hoạch phân khu 1/5000 ở các xã ven sông Sài Gòn (xã An Phú, Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây).

Về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Thanh tra TP.HCM cũng chỉ rõ, UBND huyện Củ Chi có vi phạm trong lĩnh vực này khi tham mưu cho UBND TP áp dụng chính sách hỗ trợ các trường hợp chịu ảnh hưởng trong dự án đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn tại xã Tân Thông Hội.

Đối với chuyển đổi mục đích SDĐ, UBND huyện Củ Chi có hành vi vi phạm về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn không phù hợp quy hoạch, kế hoạch SDĐ đối với 221 trường hợp.

Hàng trăm ha đất cấm bị “xẻ thịt”: Công trình vi phạm 10 năm chưa xử lý! - 3

Hàng chục công trình có dấu hiệu vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.

Theo báo cáo ban hành vào tháng 5/2020 của Chi cục thuế huyện Củ Chi, 151 hồ sơ đã được chuyển mục đích SDĐ sang đất ở thì số tiền phải nộp là hơn 71 tỷ đồng. Trong đó 121/151 trường hợp đã nộp gần 57,1 tỷ đồng. Hiện 30 trường hợp vẫn nợ thuế gần 14,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhiều trường hợp không đủ điều kiện tách thửa, không thuộc diện khó khăn, không thuộc người địa phương…, nhưng có phê duyệt của lãnh đạo UBND huyện thì các phòng, ban liên quan vẫn thực hiện tham mưu giải quyết cho tách thửa dưới chuẩn. Bên cạnh đó, công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra đất đai xử lý vi phạm…, Thanh tra TP.HCM đề phát hiện vi phạm tại huyện Củ Chi.

Vi phạm xây dựng hơn 10 năm mới bị… phát hiện!

Hàng trăm ha đất cấm bị “xẻ thịt”: Công trình vi phạm 10 năm chưa xử lý! - 4

Những khu dân cư tự phát, vi phạm xây dựng tiềm ẩn rủi ro xảy ra tranh chấp dân sự, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng (GPXD), xử lý vi phạm xây dựng, Thanh tra TP.HCM xác định, UBND huyện Củ Chi cấp phép chưa đảm bảo về điều kiện xây dựng tại các khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm khu dân cư, quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị không đúng. Cấp phép xây dựng thiếu hồ sơ năng lực của đơn vụ tư vấn thiết kế…

Cấp GPXD để hình thành “nhà 3 chung” tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để không lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở, không thực hiện đúng quy định pháp luật…, dẫn đến hậu quả phức tạp do người mua nhà ở sẽ không đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, có thể phát sinh tranh chấp dân sự, phát sinh các vấn đề phức tạp khác trong công tác quản lý Nhà nước tại địa phương.

Đáng chú ý, huyện Củ Chi còn buông lỏng quản lý, để nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng, công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. 

Hàng trăm ha đất cấm bị “xẻ thịt”: Công trình vi phạm 10 năm chưa xử lý! - 5

UBND xã Bình Mỹ đã buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều công trình "khủng" vi phạm xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại.

Điển hình là công trình tại xã Bình Mỹ. Trong quá trình xây dựng theo GPXD được cấp, bà Nguyễn Thị Chung Ly tự xây dựng không phép thêm 14 hạng mục công trình với tổng diện tích gần 11.000m2. Quá trình xây dựng liên tục, kéo dài nhưng UBND xã Bình Mỹ, UBND huyện Củ Chi, Đội Thanh tra địa bàn đã buông lỏng quản lý dẫn đến công trình vi phạm đưa vào sử dụng, hiện có 20 đơn vị đang thuê hoạt động.

Công trình của ông Thái Tăng Phước (xã Nhuận Đức) đã xây dựng 18 hạng mục sử dụng vào mục đích tín ngưỡng thì chỉ có 1 công trình có GPXD theo quy định nhưng quá trình xây dựng sai phép và các công trình còn lại đều xây dựng trên đất nông nghiệp với diện tích gần 1.400m2. Thời điểm ông Phước xây dựng liên tục từ năm 10 năm, nhưng gần đây mới bị lập biên bản vi phạm, xử phạt. 

Hàng trăm ha đất cấm bị “xẻ thịt”: Công trình vi phạm 10 năm chưa xử lý! - 6

Các dãy nhà mọc lên chủ yếu ở các ấp 6, 7, 8 của xã Bình Mỹ, có vị trí nằm sâu và cách xã đường chính.

Một công trình “khủng” xây dựng 13 hạng mục không phép trên đất nông nghiệp tại xã An Phú là của bà Võ Thị Mỹ Tiên. Quá trình xử lý vi phạm xây dựng, UBND xã An Phú nhiều lần có sai sót trong quá trình lập biên bản vi phạm, ký quyết định xử phạt, cưỡng chế tháo dỡ dẫn đến tình trạng thu hồi, huỷ bỏ các quyết định là nguyên nhân dự vào đó bà Tiên chây ì, kéo dài thời gian xử lý vi phạm.

Ngoài ra còn hàng loạt công trình vi phạm xây dựng khác vẫn tồn tại trên địa bàn huyện Củ Chi. Điều đáng nói, những công trình này có quy mô “khủng”, thi công kéo dài nhiều năm nhưng không được phát hiện kịp thời. Như vậy có sự chậm trễ trong xử lý các công trình vi phạm, thể hiện sự buông lỏng quản lý dẫn đến công trình vi phạm đưa vào sử dụng. 

Hàng trăm ha đất cấm bị “xẻ thịt”: Công trình vi phạm 10 năm chưa xử lý! - 7

Để nhiều công trình xi phạm xây dựng tồn tại trách nhiệm thuộc về lãnh đạo UBND huyện và các phòng ban liên quan.

“Để xảy ra các thiếu sót, vi phạm về quản lý đất đai nêu trên, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành thuộc về Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách địa chính – xây dựng, trách nhiệm trực tiếp thuộc về lãnh đạo các đơn vị gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thanh tra, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND các xã Bình Mỹ, Thái Mỹ, Tân Thạnh Đông, Tân Thông Hội và các đơn vị, cá nhân có liên quan tại thời kỳ phát sinh vụ việc”, Thanh tra TP.HCM nêu rõ.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm