Hàng loạt công nhân lâm trường Sông Đà kêu cứu đòi đất!

(Dân trí) - "Là những người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi khẩn cầu các cơ quan có trách nhiệm, Công an tỉnh Hòa Bình vào cuộc điều tra làm rõ việc có hay không đất rừng và cây cối của chúng tôi đã bị lâm trường Sông Đà thời điểm năm 2002 chiếm đoạt", 11 hộ dân là công nhân Lâm trường Sông Đà bày tỏ.

Đại diện các hộ dân gồm 11 ông bà Lê Thị Vẻ, Đỗ Văn Ba, Phạm Văn Tùng, Bùi Văn Sinh, Nguyễn Thị Ly, Đỗ Văn Thuật, Bùi Thị Chinh, Nguyễn Thị Tâm, Lê Văn Sinh, Bùi Đăng Quân, Nguyễn Tiến Tý đều nguyên là công nhân trồng cây và bảo vệ rừng thuộc Đội 3, Lâm trường Sông Đà trước đây, nay đổi tên là Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sông Đà thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, những người dân này có hộ khẩu thường trú tại xóm Tráng, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Được cử làm đại điện cho 11 hộ dân là bà Lê Thị Vẻ. bà Vẻ đã viết đơn khẩn cầu đến các cơ quan có trách nhiệm ở tỉnh Hòa Bình, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình và Báo Dân trí đề nghị được giúp đỡ đòi lại quyền lợi mà 11 công nhân cho rằng bị lãnh đạo Lâm trường Sông Đà chiếm dụng từ thời điểm năm 2002 cách đây 16 năm.

Theo đơn thư cho rằng: Tháng 9/ 1991, ông Bùi Văn Tường - Giám đốc Lâm trường Sông Đà đã tiến hành quy hoạch và chia rừng cho từng cá nhân là công nhân lâm trường. Việc này đã được ông  Phạm Hồng Khôi, Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Hòa Bình phê duyệt từ năm 1991.

Hàng loạt công nhân lâm trường Sông Đà kêu cứu đòi đất! - Ảnh 1.

Hàng loạt công nhân lâm trường Sông Đà kêu cứu đòi đất.

Đến năm 1993, ông Bùi Văn Tường chuyển đi công tác khác. Ông Nguyễn Đức Sỹ lên làm giám đốc. Trong quá trình quản lý điều hành, ban giám đốc mới đã giữ lại quyển thiết kế, không giao cho các công nhân. Các hộ dân cho rằng, các công nhân được giao đất rừng phải được nhận quyển sổ thiết kế, bởi thời bấy giờ quyển sổ thiết kế được coi như là Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất của công nhân.

Thời điểm năm 1991, 11 công nhân trồng 10ha trại rừng gồm bạch đàn và cây keo, 10ha rừng này 100% là của Lâm trường Sông Đà. Công nhân chỉ bỏ công trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ.  Cùng thời điểm 1991, 11 công nhân tự bỏ công sức ra để trồng 15 ngàn cây keo ở các đường ranh giới các trại rừng (đường bao). Đến năm 2002, cây được 11 năm, đến tuổi được thu hoạch, lâm trường đã cho người khai thác mang đi để bán tất cả không hề trả tiền công sức cho công nhân.

Bên cạnh việc không trả công sức cho công nhân, năm 2005, Lâm trường áp dụng nghị định số 01CP, làm sổ giao khoán 50 năm cho các hộ công nhân, thế nhưng giám đốc thời điểm 2005, lại ký sổ giao khoán không phải là năm 2005 mà lại ký lùi lại là năm 2002. Đến năm 2006, ông Nguyễn Như Quỳnh là cán bộ lâm trường  mới đưa quyển sổ giao khoán 50 năm cho các hộ dân, thời điểm đó mỗi hộ phải nộp 200.000đ/1ha với được nhân sổ.

Tháng 9 năm 2017, ở một phiên xét sử tại Tòa án nhân dân huyện Cao Phong giải quyết tranh chấp đất rừng giữa gia đình ông Đỗ Văn Thuật với chị Vũ Thị Ánh, lúc này các hộ mới biết diện tích đất của các hộ trong sổ 50 năm ít hơn so với thực trạng đất mà các hộ đang sử dụng quản lý.

Qua tìm hiểu các hộ được biết, số diện tích đất rừng nằm ngoài sổ 50 năm của các hộ đang sử dụng lại được đứng tên những người khác, những người này các hộ công nhân không hề biết mặt.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Văn Cường - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà cho biết: Vụ việc này từ những 2000, năm 1997 Lâm trường Sông Đà giải thể chuyển sang BQL rừng phòng hộ Sông Đà quản lý. Năm 2016, tôi nhận nhiệm vụ làm Trưởng ban nên không nắm được chi tiết nội dung vụ việc.

Mặc dù là liên quan đến Lâm trường Sông Đà trước đây, thế nhưng vụ việc khiếu kiện đòi quyền lợi của 11 hộ công nhân đội 3 Lâm trường Sông Đà, vẫn được BQL rừng phòng hộ Sông Đà 2 lần tổ chức làm việc với người đại diện là bà Lê Thị Vẻ. Qua buổi làm việc, ngày 16/11/2018, BQL rừng phòng hộ Sông Đà có văn bản số 218 trả lời đơn bà Vẻ cùng 11 hộ dân. Nội dung văn bản cho ràng, các nội dung phản ánh trong đơn của 11 hộ là không đúng, bà Vẻ không cung cấp được tài liệu căn cứ làm cơ sở chứng minh Ban Giám đốc lâm trường Sông Đà thời điểm từ năm 1991 đến năm 2006 làm sai các quy định.

Trong văn bản số 218 nêu rõ "nếu các hộ không đồng ý với kết luận tại buổi làm việc của BQL Rừng phòng hộ Sông Đà với bà Lê Thị Vẻ thì có thể làm đơn gửi Tòa Hành chính để được giải quyết.

Đại diện 11 hộ công nhân, bà Lê Thị Vẻ cho biết: "Chúng tôi không đồng ý với văn bản số 218 của BQL rừng phòng hộ Sông Đà. Văn bản này thể hiện chưa đầy đủ rõ ràng, không thấu tình đạt lý. Những nội dung chúng tôi nêu trên hoàn toàn đúng sự thật. Là những người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi khẩn cầu  các cơ quan có trách nhiệm, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vào cuộc điều tra làm rõ, bảo về quyền lợi cho chúng tôi".

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Đàm Quang