Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Hàng chục khách hàng "sập bẫy" tại dự án chung cư 28A Lê Trọng Tấn

(Dân trí) - Cùng đóng tiền mua căn hộ ở 28A Lê Trọng Tấn, Hà Đông, nhưng đến nay chỉ khách hàng ký hợp đồng với Công ty thủy lợi Hà Tây được bàn giao căn hộ, trong khi 35 khách hàng của Công ty Phát triển nhà và hạ tầng.

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến báo Dân trí, đại diện 35 khách hàng đang “mắc kẹt” tại dự án nhà ở và cho thuê số 28A Lê Trọng Tấn, Hà Đông, TP Hà Nội phản ánh: Các khách hàng ký hợp đồng thông qua Công ty Phát triển nhà và Hạ tầng (Vinacominland) đã hoàn thành 95% nghĩa vụ tài chính, nhưng đến nay chưa được bàn giao nhà do những mâu thuẫn kéo dài từ năm 2011 giữa Vinacominland và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tây (gọi tắt cả Công ty thủy lợi Hà Tây). Để bảo vệ quyền lợi, 35 khách hàng đã nhiều lần yêu cầu Vinacominland thực hiện nghiêm túc cam kết nhưng chỉ nhận được câu trả lời vô trách nhiệm.
 
Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Vinacominland và Công ty thủy lợi Hà Tây
 
Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Vinacominland và Công ty thủy lợi Hà Tây
Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Vinacominland và Công ty thủy lợi Hà Tây

Dự án nhà ở và cho thuê tại số 28A Lê Trọng Tấn, Hà Đông do Vinacominland hợp tác với Công ty thủy lợi Hà Tây xây dựng và bán lại cho khách hàng theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HĐHTKD - 2009 ngày 25/5/2009. Dựa trên thỏa thuận hợp tác nói trên, tháng 7/2009, Vinacominland tiến hành ký Hợp đồng huy động vốn với 35 khách hàng.

Theo hợp đồng, khách hàng góp vốn làm 5 đợt, tính từ năm 2009 đến tháng 11/2011, khách hàng của Vinacominland đều góp vốn 4 đợt với tổng giá trị lên đến 95% chi phí căn hộ. Giá tiền ghi trên hợp đồng là 10,5 triệu đồng/m2, nhưng trên thực tế hầu hết khách hàng phải mua lại với giá 13,5 triệu - 18,5 triệu/m2. Chính vì vậy, tổng số tiền khách hàng bỏ ra để mua 35 căn hộ tại tòa nhà 28A Lê Trọng Tấn đã phát sinh lên hơn 50 tỷ đồng, thay vì 40 tỷ đồng theo khung giá gốc.

Sau 36 tháng thi công, tháng 9/2012, dự án nhà ở và cho thuê tại số 28A Lê Trọng Tấn, Hà Đông đã hoàn thành, Công ty thủy lợi Hà Tây đã đưa vào khai thác sử dụng 22 tầng/27 tầng. 5 tầng còn chủ đầu tư kiên quyết không bàn giao cho các khách hàng của Vinacominland, do những tranh chấp liên quan tiền sử dụng đất và thuế VAT giữa Vinacominland và Công ty thủy lợi Hà Tây chưa được giải quyết dứt điểm.
 
Yêu cầu bàn giao nhà của khách hàng đưa ra với Vinacominland 
Yêu cầu bàn giao nhà của khách hàng đưa ra với Vinacominland 

Vinacominland không có nhà bàn giao cho khách hàng đúng tiến độ, nhưng đến tháng 10/2012, Vinacominland mới thông báo sự việc khi khách hàng gây sức ép. Trong buổi làm việc, Vinacominland soạn sẵn nội dung biên bản với2 phương án: Một là kiện Công ty thủy lợi Hà tây ra Tòa án. Hai là sẽ thương thảo với Công ty thủy lợi Hà Tây, chấp nhận hỗ trợ một phần chi phí do giá vật tư tăng và đề nghị khách hàng đóng góp thêm 500.000đ - 622.433đ/m2 để chủ đầu tư làm thủ tục chuyển sang hợp đồng mua bán và bàn giao căn hộ.

Trước đề nghị vô lý Vinacominland đưa ra, đông đảo khách hàng đã bày tỏ thái độ phản ứng dữ dội. Theo ý kiến của ban đại diện khách hàng, họ ký hợp đồng góp vốn mua nhà với Vinacominland chứ không ký với Công ty thủy lợi Hà Tây nên đương nhiên không có trách nhiệm với chủ đầu tư. Nếu Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Vinacominland và Công ty thủy lợi Hà Tây có vướng mắc thì 2 doanh nghiệp phải tự tự giải quyết chứ không liên quan đến khách hàng.

Từ cuối năm 2012 đến nay, 35 khách hàng đã nhiều lần gửi văn bản và trực tiếp đến trụ sở Vinacominland yêu cầu Giám đốc Đặng Quốc Hùng làm việc trực tiếp để giải quyết vụ việc, nhưng không nhận được thái độ hợp tác. Sau nhiều lần hối thúc, đến ngày 22/3/2013 Vinacominland mới triệu tập họp khách hàng ông Trần Tùng Lâm Phó Giám đốc chủ trì, thay vì Giám đốc Đặng Quốc Hùng.
 
35 khách hàng vẫn sống vất vưởng dù tòa nhà đã đưa vào sử dụng 22/27 tầng
35 khách hàng vẫn sống vất vưởng dù tòa nhà đã đưa vào sử dụng 22/27 tầng

Do không nhận được văn bản phúc đáp từ Vinacominland, đại diện khách hàng nhiều lần yêu cầu ông Đặng Quốc Hùng trực tiếp làm rõ sự việc. Ngày 8/5/2013, ông Đặng Quốc Hùng đã làm việc trực tiếp với khách hàng nhưng không đưa ra được giải pháp bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

Trong lúc Vinacominland “đánh võng” trách nhiệm, 35 khách hàng chủ yếu là các công nhân, viên chức, bộ đội nghỉ hưu, người dân lam lũ làm ăn vẫn phải sống cảnh vất vưởng thuê nhà. Để có số tiền góp vốn với Vinacominland, phần lớn khách hàng phải đi vay mượn lãi suất cao, bán tài sản. Số tiền mỗi khách hàng bỏ ra mua 1 căn hộ đều từ 1,5 - 2 tỷ đồng, nếu tính theo lãi suất Ngân hàng thì khách hàng phải chịu thiệt hại hàng chục triệu đồng/tháng, đó còn chưa kể đến việc phải vay mượn chi trả 5 - 7 triệu đồng thuê nhà hàng tháng.

Để thoát khỏi cảnh túng quẫn, bí bách về nơi ăn ở, 35 khách hàng đang bị “mắc kẹt” khẩn cấp yêu cầu Ban lãnh đạo Vinacominland sớm có giải pháp phối hợp tích cực, kiên quyết, hiệu quả với Công ty thủy lợi Hà Tây để khẩn trương bàn giao nhà cho khách hàng, đồng thời có trách nhiệm đền bù thiệt hại kinh tế do việc chậm giao nhà.

Trên thực tế, số tiền khách hàng góp vốn cho Vinacominland đều đã được chuyển cho Công ty thủy lợi Hà tây thi công 35 căn hộ nói trên nên Công ty thủy lợi Hà Tây cũng phải có trách nhiệm phối hợp giải quyết vì lợi ích chung của khách hàng.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương