Hàng chục hộ dân trồng quýt mất tết vì chủ vựa trái cây quỵt nợ tại Đồng Tháp

(Dân trí) - Nhiều hộ dân trồng quýt ở huyện Lai Vung bị bà Trần Thị Minh Thùy (44 tuổi, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) chiếm giữ số tiền mua quýt hơn 3,2 tỷ đồng. Khi người dân khởi kiện ra tòa, bà con tin rằng bà Thùy sẽ bán 16 thửa đất để trả nợ. Nhưng bất ngờ, chỉ trong một ngày, bà Thùy chuyển hết 16 thửa đất cho người em ruột.

Diễn biến sự việc…

Trong số người bị nợ nhiều nhất là bà Phạm Thị Diệu Hiền (51 tuổi, ngụ ấp Thới Hòa, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Trước đây, bà Hiền đi thu mua quýt của nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Lai Vung để bán lại cho vựa trái cây Minh Thùy.

Thời gian đầu, giữa bà Hiền và bà Thùy giao dịch mua bán trả tiền bình thường để lấy lòng tin với nhau. Từ ngày 9/8 - 15/10/2017, bà Thùy nhờ bà Hiền mua quýt của nhiều nhà vườn với tổng số tiền nợ của các nhà vườn hơn 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, bà Thùy không trả mà trốn tránh việc trả tiền mua quýt cho bà Hiền đến nay.

Hàng chục hộ dân trồng quýt mất tết vì chủ vựa trái cây quỵt nợ tại Đồng Tháp - 1

Đơn của các hộ dân bị bà Trần Thị Minh Thùy  chiếm dụng nợ hơn hai năm qua

Hàng chục hộ dân trồng quýt mất tết vì chủ vựa trái cây quỵt nợ tại Đồng Tháp - 2

Ông Phạm Văn Hùng (thứ 3 từ trái qua) bị bà Minh Thùy chiếm dụng số tiền hơn 500 triệu đồng đã đây gia đình ông vào cảnh trắng tay; Hiện ngôi nhà sắp sập, hai con đang học đại học ông phải vay hỏi ngân hàng mới có tiền đóng học phí

Nhà vườn Phạm Văn Hùng (53 tuổi, ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung), bức xúc: “Chúng tôi đã có rất nhiều đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng, nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết. Trong khi đó, bà Thùy vẫn sống nhởn nhơ giàu sang phú quý còn nhà vườn lâm vào cảnh đường cùng, không có khả năng trả nợ ngân hàng, tiền mua thuốc trừ sâu, phân bón”.

Gần 2 năm trước, ông Hùng hy vọng bán số quýt cho bà Thùy được số tiền hơn 570 triệu đồng để xây lại căn nhà đang bị hưng hỏng, được khang trang hơn, và chăm lo cho 2 người con học đại học. Khi bà Thùy không trả số tiền hơn 570 triệu đồng đã khiến gia đình ông Hùng rơi vào cảnh khó khăn, người con trai thứ 2 đang học đại học phải dừng việc học. Năm 2017, ông Hùng phải đi vay ngân hàng số tiền 300 triệu đồng để trả nợ vật tư nông nghiệp và trồng khôi phục lại vườn quýt do bị nhiễm bệnh chết cây.

Hàng chục hộ dân trồng quýt mất tết vì chủ vựa trái cây quỵt nợ tại Đồng Tháp - 3

Nhiều hộ dân không có tiền tái sản xuất đành để cây chết

Thời điểm bà Thùy không trả nợ tiền mua quýt, nhiều nhà vườn làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lai Vung. Trong đó, có người được tòa án thụ lý vụ việc và hòa giải thành. Bà Thùy thống nhất thỏa thuận trả nợ tiền mua quýt, nhưng bà vẫn không chấp hành quyết định của tòa án và Chi Cục thi hành án dân sự (CCTHADS) huyện Lai Vung.

Đơn cử như trường hợp của ông Phạm Văn Hùng, ngày 15/6/2018, TAND huyện Lai Vung có quyết định số 45/2018/QĐST-DS về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, nêu cụ thể: “Bà Thùy đồng ý trả nợ cho ông Hùng số tiền hơn 570 triệu đồng và chịu án phí hơn 13 triệu đồng”.

Ngày 19/6/2018, CCTHADS sự huyện Lai Vung ra quyết định số 911/QĐ-CCTHADS về việc thi hành án yêu cầu bà Thùy trả cho ông Hùng tiền mua quýt còn nợ hơn 570 triệu đồng và lãi chậm thi hành án. Đến nay, bà Thùy chưa trả cho ông Hùng được trả khoản tiền nào và nhiều nhà vườn khác.

16 thửa đất chuyển nhượng trong một ngày?

Nhà vườn phản ánh việc bà Thùy có tài sản gồm 2 xe ô tô tải và 16 thửa đất trên địa bàn huyện Lai Vung, đủ khả năng trả nợ. Tuy nhiên, bà Thùy đã có dấu hiệu tẩu tán tài sản cho người khác, nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Liệu rằng bà Thùy có ai ở phía sau “chống lưng” để tẩu tán tài sản một cách “thầm lặng” như thế? Bởi vì, trường hợp của nhà vườn Phạm Văn Hùng có đơn khởi kiện bà Thùy vào ngày 9/4/2018, thời gian này 02 xe ô tô tải và 16 thừa đất vẫn do bà Thùy đứng tên.

Làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Bùi Trí – Phó Chi cục THA huyện Lai Vung cho biết, khi nhận đơn yêu cầu thi hành án của người dân, trong đó có ông Phạm Văn Hùng, cơ quan đến kiểm tra tài sản của bà Thùy để thi hành án vào 19/6/2019. Lúc này bà Thùy chỉ còn 02 xe tải và đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng. Ngay sau đó, cơ quan phối hợp với Công an tỉnh ngăn chặn kịp thời và đang làm thủ tục đưa 02 xe tải về Chi cục THA để tiến hành phát mãi, bán lấy tiền trả cho dân theo quy định pháp luật. Riêng 16 thửa đất, bà Thùy đã bán trước khi người dân có đơn đề nghị ngăn chặn.

Hàng chục hộ dân trồng quýt mất tết vì chủ vựa trái cây quỵt nợ tại Đồng Tháp - 4

Trong số các hộ dân bị bà MInh Thùy chiếm dụng vốn bà DIệu Hiền (ngồi giữa) là người khổ nhất, vì bà phải vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để trả cho các hộ dân mà bà mua quýt bán lại cho bà Minh Thùy

Theo hồ sơ, ngày 31/5/2018, bà Thùy thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 16 thửa đất do Trần Diễm Thúy (38 tuổi, ngụ ấp Tân An, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) là em ruột của bà Thùy, đứng tên.

Theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số công chứng 4561 của Phòng Công chứng số 2 tỉnh Đồng Tháp đối với 16 thửa đất là 1,4 tỷ đồng. Sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng xong, bà Thùy nộp hồ sơ chuyển nhượng tại Bộ phận một cửa huyện Lai Vung, hồ sơ được chuyển đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Lai Vung. Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện hoàn tất thủ tục chuyển nhượng cho bà Thúy trong ngày 31/5/2018.

Theo Quyết định số 118/QĐ-UBND-HC ngày 2/2/2018 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc công bố thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường thì thời hạn giải quyết đối với Chi nhánh VPĐKĐĐ là 13 ngày để kiểm tra hồ sơ thực hiện các bước như: trích đo địa chính thửa đất và tài sản gắn liền với đất hoặc trích lục bản đồ địa chính (12 ngày), đồng thời chuyển hồ sơ đến UBND xã niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất.

Hàng chục hộ dân trồng quýt mất tết vì chủ vựa trái cây quỵt nợ tại Đồng Tháp - 5

Nhiều giấy tờ trong thương vụ bà Minh Thùy chuyển nhượng 16 thửa đất cho người em ruột Diễm Thúy có nhiều điều bất thường

Hàng chục hộ dân trồng quýt mất tết vì chủ vựa trái cây quỵt nợ tại Đồng Tháp - 6

Sau khi kết thúc việc niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất UBND cấp xã xác nhận, đồng thời chuyển hồ sơ đến Chi nhánh  văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên, 16 thửa đất của bà Thùy chỉ được chuyển nhượng cho người em ruột chỉ trong 1 ngày là bất thường và phi lý.

Kiểm tra lại các giấy tờ liên quan đến việc bà Thùy chuyển nhượng 16 thửa đất cho người em ruột bà Trần Diễm Thúy có nhiều điểm bất thường, như: Ngày 31/5 bà Diễm Thúy có đơn xin xác nhận chị em ruột với bà Thùy để hưởng chính sách về thuế, tuy nhiên ngày 27/5 Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa Nguyễn Thị Yến Trang đã ký xác nhận? Ngoài ra, trong đơn lại để tên người khác, không phải tên bà Thùy?

Đến đơn bà Trần Diễm Thúy gửi đến UBND xã Phong Hòa về việc xin xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp (để nhận chuyển nhượng 16 thửa đất của bà Thùy), đơn đề ngày 31/5 nhưng lại được bà Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Yến Trang ký vào 08/5/2018? Như vậy, Phó chủ tịch UBND xã Phong Hòa ký trước thời gian bà Diễm Thúy gửi đơn đến 23 ngày?

Hàng chục hộ dân trồng quýt mất tết vì chủ vựa trái cây quỵt nợ tại Đồng Tháp - 7

Các hộ dân cho rằng bà Thùy có dấu hiệu tẩu tán tài sản và có cán bộ tiếp tay trong vụ này?

Ông Trần Bá Minh – Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Lai Vung, phụ trách khiếu nại, tố cáo của công dân cho biết: “Vụ việc này, lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban trực tiếp gặp gỡ người dân nắm bắt sự việc và có văn bản kiến nghị UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các ngành liên quan để làm sáng tỏ bức xúc của dân về việc có hay không cán bộ nào đó tiếp tay cho bà Thùy để tẩu tán tài sản (16 thửa đất) để không trả nợ cho người dân. Và đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra Sở TN –MT tiến hành kiểm tra, thanh tra lại việc chuyển nhượng 16 thửa đất từ bà Thùy sang người em ruột có đúng quy định pháp luật hay không, vì đây là mấu chốt của vấn đề. Một khi hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Thùy và bà Diễm Thúy bị tuyên vô hiệu thì người dân có cơ may được bà Thùy trả nợ”.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm