Hai cấp toà tuyên án ngược nhau, ngân hàng khiếu nại vì mất không tiền tỷ

(Dân trí) - Liên quan đến vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán thép” giữa Công ty Đông Nam Á và Công ty Đại Lộc, ngân hàng Agribank chi nhánh Bách Khoa là đơn vị nhận bảo lãnh thanh toán cho Công ty Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau khi Agribank Bách Khoa hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh, Công ty Đại Lộc vẫn tiếp tục yêu cầu ngân hàng phải liên đới chịu trách nhiệm trả nốt số nợ còn lại cho Công ty Đông Nam Á. Yêu cầu này của Công ty Đại Lộc đã không được Tòa sơ thẩm chấp nhận. Tuy nhiên, phán quyết ngược lại của Tòa phúc thẩm lại gây ngỡ ngàng dư luận.

Đơn khiếu nại của Công ty TNHH Một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (Ngân hàng Agribank) gửi đến báo Dân trí cho biết: “Liên quan đến vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán thép” giữa Công ty Đông Nam Á (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội) và Công ty Đại Lộc (trụ sở tại Thái Nguyên), Ngân hàng Agribank chi nhánh Bách Khoa (Agribank Bách Khoa) là đơn vị nhận bảo lãnh thanh toán cho Công ty Đông Nam Á trong hợp đồng mua bán thép. Tuy nhiên, sau khi Agribank Bách Khoa hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh theo đúng cam kết bảo lãnh, Công ty Đại Lộc vẫn tiếp tục yêu cầu Agribank Bách Khoa phải liên đới chịu trách nhiệm trả nốt số nợ còn lại cho Công ty Đông Nam Á mà số nợ này nằm ngoài phạm vi bảo lãnh của Ngân hàng. Yêu cầu vô lý này của Công ty Đại Lộc đã không được Tòa sơ thẩm chấp nhận. Tuy nhiên, phán quyết ngược lại của Tòa phúc thẩm lại gây ngỡ ngàng cho toàn dư luận và cũng gây thiệt hại cho ngân hàng cả chục tỷ đồng”.

Hai cấp toà tuyên án ngược nhau, ngân hàng khiếu nại vì mất không tiền tỷ - 1
Hai cấp toà tuyên án ngược nhau, ngân hàng khiếu nại vì mất không tiền tỷ - 2

Bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội bị Ngân hàng Agribank phản ứng.

Bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội bị Ngân hàng Agribank phản ứng.

Theo Đơn khiếu nại, nội dung cụ thể của sự việc như sau: Ngày 25/07/2011, Công ty Đông Nam Á và Công ty Đại Lộc cùng nhau ký Hợp đồng mua bán thép số 001ĐNA/DL, giá trị của hợp đồng là 18.146.000.000 VNĐ. Cùng ngày, công ty Đông Nam Á gửi đơn đề nghị bảo lãnh số 250711/CV đến Ngân hàng Agribank Bách Khoa với nội dung: Đề nghị Agribank Bách Khoa bảo lãnh thanh toán mua hàng cho công ty Đông Nam Á theo Hợp đồng mua bán thép số 001ĐNA/DL ký với Công ty Đại Lộc.

Ngày 26/7/2011, đồng ý với đơn đề nghị bảo lãnh trên, Agribank Bách Khoa và Công ty Đông Nam Á đã cùng nhau ký Hợp đồng cấp bảo lãnh số 1401 VBS110700267. Giá trị bảo lãnh là 18.146.000.000 VNĐ. Thời hạn bảo lãnh từ 26/07/2011-31/12/2011. Sau khi ký hợp đồng bảo lãnh, Agribank Bách Khoa có gửi thông báo bảo lãnh cho bên Đại Lộc thông báo về nội dung của hợp đồng bảo lãnh. Cùng ngày 26/7/2011, sau khi ký Hợp đồng mua bán thép, bên Đại Lộc có thông báo cho Đông Nam Á là chỉ cung cấp được số lượng hàng tối đa tương đương giá trị 13.743.000.000 VNĐ nên 2 bên cùng nhau ký Phụ lục của Hợp đồng mua bán số 001 ĐNA/DL, nội dung là giảm giá trị của HĐ gốc xuống còn 13.743.000.000 VNĐ.

Ngày 23/08/2011, công ty Đông Nam Á gửi cho Agribank Bách Khoa văn bản số 03-230811/KT-ĐNA v/v đề nghị ngân hàng giảm giá trị bảo lãnh thanh toán. Cùng ngày, Công ty Đông Nam Á & Ngân hàng cùng nhau ký Phụ lục Hợp đồng bảo lãnh số 01/PL/NHNoBK-DNA, nội dung là giảm trừ số tiền bảo lãnh xuống còn 13.743.000.000 VNĐ. Ngay sau đó, Ngân hàng có gửi thông báo cho bên Đại Lộc về việc giảm trừ số tiền bảo lãnh theo phụ lục Hợp đồng bảo lãnh.


Phụ lục hợp đồng ghi rõ số tiền là 13.743.000.000 VNĐ.

Phụ lục hợp đồng ghi rõ số tiền là 13.743.000.000 VNĐ.

Đến thời hạn thanh toán của Hợp đồng kinh tế số 001ĐNA/DL, bên Công ty Đông Nam Á không thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo hợp đồng, phía Ngân hàng đã gửi thông báo đến hạn thanh toán cho Công ty Đông Nam Á. Do phía Công ty Đông Nam Á mất khả năng chi trả nên Agribank Bách Khoa đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho Đại Lộc số tiền 13.743.000.000 VNĐ. Việc thanh toán được thực hiện làm 03 đợt vào các ngày 3/11/2011, 9/11/2011 và 30/12/2011.

“Dù đã Ngân hàng thanh toán hết 13.743.000.000 VNĐ tiền nợ của Đông Nam Á cho bên Đại Lộc (theo đúng phụ lục Hợp đồng bảo lãnh) nhưng phía Đại Lộc vẫn nhiều lần gửi thông báo yêu cầu Ngân hàng thanh toán nốt số nợ còn lại. Trên thực tế công ty Đại Lộc giao hàng cho công ty Đông Nam Á giá trị hàng lớn hơn 13.743.000.000 VNĐ. Hiện tại công ty Đông Nam Á vẫn còn nợ phía Đại Lộc số tiền gốc 4.220.955.458 VNĐ và số lãi phát sinh. Tuy nhiên số nợ này của công ty Đông Nam Á nằm ngoài phạm vi bảo lãnh của Ngân hàng”, đơn khiếu nại cho biết.

Công ty Đại Lộc đã khởi kiện ra TAND quận Đống Đa yêu cầu công ty Đông Nam Á và Ngân hàng Agribank phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ gốc 4.220.955.458 VNĐ và số lãi phát sinh cho công ty Đại Lộc. Bản án sơ thẩm số 14/2015/KDTMST ngày 18/12/2015 của TAND quận Đống Đa xét xử vụ án trên đã quyết định chấp nhận yêu cầu đòi thanh toán tiền hàng của công ty Đại Lộc đòi công ty Đông Nam Á (thanh toán nợ gốc 4.220.955.458 đồng, nợ lãi 4.582.405.758 đồng). Đồng thời TAND quận Đống Đa cũng bác yêu cầu của công ty Đại Lộc đòi Ngân hàng Agirbank liên đới với công ty Đông Nam Á phải thanh toán tiền hàng cho công ty Đại Lộc. Sau đó công ty Đại Lộc đã kháng cáo một phần bản án với yêu cầu bị Tòa án sơ thẩm bác bỏ.

Hai cấp toà tuyên án ngược nhau, ngân hàng khiếu nại vì mất không tiền tỷ - 5

Việc giảm giá trị bảo lãnh từ hơn 18 tỷ đồng xuống gần 14 tỷ đồng có trong nhiều văn bản.

Việc giảm giá trị bảo lãnh từ hơn 18 tỷ đồng xuống gần 14 tỷ đồng có trong nhiều văn bản.

Tuy nhiên, bản án phúc thẩm số 11/2016/KDTM-PT ngày 26 và 27 tháng 1 năm 2016 của TAND thành phố Hà Nội xét xử vụ án trên đã quyết định chấp nhận yêu cầu đòi thanh toán tiền hàng của công ty Đại Lộc đòi công ty Đông Nam Á (thanh toán nợ gốc 4.220.955.458 đồng, nợ lãi tính đến 11/9/2015 là 3.723.204.678 đồng). Đồng thời yêu cầu Ngân hàng Agribank có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, tiếp tục thanh toán cho công ty Đại Lộc số tiền nợ gốc 4.220.955.458 đồng và số lãi chậm thanh toán trên số nợ gốc là 3.723.204.678 đồng.

Bên cạnh đó, Tòa phúc thẩm đã xác định việc Công ty Đại Lộc có hay không nhận được Thư giảm trừ số tiền bảo lãnh để làm căn cứ cho việc sửa đổi bảo lãnh trên của Ngân hàng là hợp pháp hay không thì không thể chỉ căn cứ vào lời khai và sự phủ nhận từ bên phía Công ty Đại Lộc là không nhận được thư giảm trừ bảo lãnh từ Ngân hàng mà sau đó phải có quá trình điều tra cụ thể và chi tiết bởi vấn đề này liên quan đến thiệt hại kinh tế rất lớn cho các bên.

Ngân hàng Agribank cho rằng: “TAND thành phố Hà Nội đã ra một phán quyết bất ngờ, trái ngược hoàn toàn với phán quyết của Tòa sơ thẩm và không hề căn cứ vào thực tế khách quan cũng như hồ sơ vụ việc. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, bên cạnh đó còn gây thiệt hại về kinh tế hàng chục tỷ đồng cho ngân hàng”.

Ngân hàng Agribank cho biết đã cùng đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng gửi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu các cơ quan xem xét lại bản án phúc thẩm nói trên theo trình tự giám đốc thẩm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế