Bình Định:

Hai bờ "lở loét", sông Kôn nổi giận, người dân kinh hãi!

(Dân trí) - Tình trạng xâm thực, sạt lở đất canh tác ở khối Hòa Lạc dọc sông Kôn đoạn chảy qua xã Bình Tường và thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) đang ở mức báo động. Nhiều hộ dân nơi đây bức xúc vì đất sản xuất bị mất đất sản xuất.

Tình trạng xâm thực, sạt lở đất canh tác ở khối Hòa Lạc dọc sông Kôn đoạn chảy qua xã Bình Tường và thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) đang ở mức báo động. Nhiều hộ dân nơi đây bức xúc vì đất sản xuất bị mất đất sản xuất.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do hoạt động khai thác cát của Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc (trụ sở ở tỉnh Ninh Bình - gọi tắt là Cty Phú Lộc) trên lưu vực sông Kôn đã làm thay đổi dòng chảy, gây ra hiện tượng sạt lở đất trên.

Hàng hecta đất canh tác bị “nuốt”

Ghi nhận tại cánh đồng Cây Me nằm dọc sông Kôn, hiện tượng sạt lở đất canh tác ở đây đang ở mức độ nghiêm trọng. Đặc biệt, ở phía bờ Nam dọc theo sông Kôn (khu vực mỏ của Cty Phúc Lộc) tình trạng xâm thực và xói lở bờ sông kéo dài cả cây số, nhiều đoạn bị khoét sâu, lấn đến trên 50m. Dọc bờ sông, nhiều vết nứt, từng mảng đất lớn đang có nguy cơ sạt lở xuống sông.

Tình trạng sạt lở đất canh tác, xâm thực do khai thác cát gây ra đang diễn ra nghiêm trọng ở khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định).
Tình trạng sạt lở đất canh tác, xâm thực do khai thác cát gây ra đang diễn ra nghiêm trọng ở khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định).

Bà Lê Thị Thu (trú ở tổ 2, khối Hòa Lạc), bức xúc: “Gia đình tui có 3 sào đất (500m2/sào), trong đó, có 2 sào được giao quyền, 1 sào nhờ khai hoang để trồng đậu phộng thì này có 2 sào bị sông “ngọm”, 1 sào còn lại cũng tiếp tục bị sạt lở. Từ trước đến nay, không có tình trạng sạt lở, xâm thực nghiêm trọng thế này. Tuy nhiên từ ngày Cty Phúc Lộc hoạt động khai thác, họ đổ đá chặn dòng ở giữa để làm dòng chảy thay đổi nên mới xảy ra sạt lở, lấn đất sản xuất. Bà con đã kiến nghị cấp có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, đánh giá tác động, thiệt hại để có biện pháp can thiệp kịp thời, song chưa được giải quyết”.

Theo ông Phạm Tấn Hợi, cán bộ địa chính - xây dựng UBND thị trấn Phú Phong, hiện tượng xâm thực, sạt lở đất canh tác ở khối Hòa Lạc dọc sông Kôn đang ở mức báo động. Ông Hợi cũng cho rằng, nguyên nhân ban đầu được xác định là do Cty Phúc Lộc sử dụng phương tiện cơ giới, dùng đá chẻ để ngăn dòng, hình thành đường vận chuyển cát. Ngoài ra, Cty tự ý sử dụng phương tiện cơ giới tự ý cải dòng chảy. Do vậy, mùa mưa lũ cuối năm 2017 đã gây ra tình trạng xâm thực, sạt lở đất canh tác.

Lại mất bò mới lo làm chuồng?

Theo thống kê sơ bộ của UBND thị trấn Phú Phong, đã có gần 4,5 ha đất canh tác có hoa màu của hơn 30 người dân ở khối Hòa Lạc bị cuốn trôi. Trong đó, có nhiều diện tích đất đã được giao quyền và đất do bà con khai hoang trước năm 1993.

Nhiều chỗ sạt lở đất xuống sông còn rất mới.
Nhiều chỗ sạt lở đất xuống sông còn rất mới.

Ngày 9/3, ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn đã có văn bản gửi UBND thị trấn Phú Phong yêu cầu kiểm tra, xác định cụ thể diện tích đất và hoa màu của người dân bị thiệt hại do việc khai thác cát của Cty Phúc Lộc gây ra tại khu vực phía Nam bãi bồi sông Kôn thuộc khối Hòa Lạc (thị trấn Phú Phong) để làm cơ sở yêu cầu công ty này bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, đề nghị công ty khẩn trương tìm giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở đất tại đây, đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống và sản xuất.

Vấn đề này, ông Hợi Phạm Tấn Hợi, cán bộ địa chính - xây dựng UBND thị trấn Phú Phong cho biết: “Địa phương đang rà soát, thống kê diện tích đất thiệt hại của từng hộ dân để tham mưu cho UBND huyện Tây Sơn đề nghị Cty đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân”.

Trong khi đó, ông Vũ Trọng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phúc Lộc, xác nhận sau khi nhận đơn kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, đơn vị đã tiến hành làm việc với UBND thị trấn Phú Phong, UBND huyện Tây Sơn cùng các ngành chức năng tiến hành kiểm tra thực tế, xác định mức độ thiệt hại.

“Hiện nay, đơn vị đang chờ địa phương tổ hợp danh sách các hộ thiệt hại để xem xét hỗ trợ, đền bù. Đồng thời, cử cán bộ khảo sát, rà soát đường vận chuyển ở giữa sông có làm thay đổi dòng chảy hay không để có hướng xử lý, khắc phục”, ông Kiên cho hay.

Nhiều diện tích đất canh tác trồng hoa màu của người dân bị hà bá nhấn chìm.
Nhiều diện tích đất canh tác trồng hoa màu của người dân bị "hà bá" nhấn chìm.

Liên quan đến vấn đề trên, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu Cty Phúc Lộc khắc phục khẩn cấp hậu quả việc khai thác cát xói lở bờ sông và xâm thực đất canh tác của dân. Đồng thời phối hợp với UBND thị trấn Phú Phong và UBND huyện Tây Sơn xác định mức độ thiệt hại để bồi thường cho dân, hoàn thành trước ngày 30/4/2018.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Cty Phúc Lộc triển khai các biện pháp chống sạt lở để đảm bảo an toàn cuộc sống và sản xuất cho người dân trong vùng. Trường hợp công ty không thực hiện, tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn theo dõi, kiểm tra đề xuất biện pháp xử lý theo quy định.

Theo thông tin, Cty Phúc Lộc được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát lần gần đây nhất là vào ngày 4/4/2017, diện tích khai thác 5,7ha với công suất khai thác 70.500m3/năm, trong thời hạn khai thác 2 năm kể từ ngày ký. Tuy nhiên đến nay, đơn vị này chưa được tỉnh ký quyết định cho thuê đất. Do vậy, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu công ty này ngừng tất cả các hoạt động khai thác cát tại đây.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm