Đắk Nông:

Dòng sông "nổi giận", người dân kinh hãi "bỏ của chạy lấy người"!

(Dân trí) - Ít nhất 15ha đất đã bị dòng sông cuốn trôi khiến nhiều nông dân phải bỏ nhà, bỏ ruộng vườn đi nơi khác sống. Tình trạng diễn ra nhiều năm nay kể từ khi một công ty được phép đến đây khai thác cát.

Nông dân bỏ nhà, bỏ rẫy vì bờ sông sạt lở nghiêm trọng

Từ đầu năm 2017 tới nay, hai bên bờ sông Krông Nô (đoạn qua xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô) bị sạt lở nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân, chỉ trong vòng 5 tháng, con sông này đã ăn sâu vào đất sản xuất của họ hàng chục mét, trong khi đó, thống kê của UBND xã Nâm N’Đir cũng cho biết, tình trạng sạt lở đã làm ít nhất 15ha đất nông nghiệp của xã này bị “nuốt chửng”.

“Bỏ của chạy lấy người”

Năm 2000, ông Đỗ Sơn Lâm (ngụ thôn Quảng Hà) tới xã Nâm N’Đir mua đất, làm ăn. Khi đó, mảnh đất của gia đình ông cách bờ sông hơn 50 m, lòng sông cũng chỉ rộng khoảng 10 m. Thế nhưng đến nay, mặc dù đã di chuyển vào sâu bên trong 4 lần, ngôi nhà mà gia đình ông đang ở chỉ cách lòng sông chưa đầy nửa mét, cây cối, hoa màu và hàng nghìn mét khối đất, cát của gia đình đều bị dòng nước cuốn trôi.


Đang ngủ thì đất cát đổ ụp xuống dòng nước, dòng sông chỉ cách móng nhà ông Dũng chưa đầy 1 gang tay

Đang ngủ thì đất cát đổ ụp xuống dòng nước, dòng sông chỉ cách móng nhà ông Dũng chưa đầy 1 gang tay

Ông Lâm cho biết, cuối tháng 5, sau khi cán bộ địa chính đến đo đạc diện tích đất thì so với diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, gia đình ông đã bị mất hơn 1ha. Dòng sông biến dạng mạnh, nhiều đoạn ăn sâu gần hết diện tích đất của gia đình, lấn cả sang đất nhà hàng xóm.

Chỉ tay về vị trí đất vừa bị sạt lở, ông Lâm bức xúc, toàn bộ diện tích ngô, bí đỏ và khoai lang sắp cho thu hoạch đều lần lượt rơi xuống dòng nước. Riêng gia đình ông sau 4 lần chuyển nhà thì đến nay cũng phải bỏ đi chỗ khác sinh sống. “Mặc dù đất đai, nhà cửa ở đây nhưng để đảm bảo tính mạng cho người thân, chúng tôi phải chuyển lên gần xã ở trọ. Vốn là nông dân, bây giờ tài sản đều bị mất hết nên chúng tôi chưa biết xoay xở sao ?”, nông dân này cho hay.

Mặc dù chuyển nhà 4 lần nhưng bờ sông đã ăn sát đến căn nhà của ông Lâm
Mặc dù chuyển nhà 4 lần nhưng bờ sông đã ăn sát đến căn nhà của ông Lâm

Tương tự ông Lâm, từ đầu tháng 6/2017, gia đình ông Bùi Văn Dũng (ngụ thôn Quảng Hà) cũng phải ôm hết đồ đạc để chuyển ra ở trọ, bỏ lại căn nhà mà gia đình ông đã gắn bó hơn 6 năm nay.

Vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ sạt lở diễn ra hồi đầu tuần, người đàn ông 50 tuổi chia sẻ: “Mỗi ngày con sông này đều dịch chuyển vào sát nhà chúng tôi. Trước đây nhà có 3 sào đất để trồng cây ngắn ngày, nhưng bây giờ đã mất sạch. Nguy hiểm nhất là việc sạt lở chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Đêm rồi, cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng đất đổ ụp xuống, cả vợ chồng, con cái chỉ biết chạy vội ra ngoài. Đến sáng hôm sau chúng tôi mới dám quay trở về nhà để thu dọn đồ đạc rời đi. Hiện bờ sông đã ăn sát đến móng nhà của gia đình, tuy nhiên do không thuê được người đến dỡ nên đành xác định mất trắng căn nhà gỗ”.

Ông Dũng cho biết thêm, trước đây hai bên bờ sông Krông Nô rất kiên cố, cứ một bên lở, một bên bồi. Tuy nhiên, những năm gần đây, bờ sông ở khu vực này liên tục bị sạt lở cả hai bên, có những năm sạt lở tới 10m chiều ngang khiến cho đường vành đai bị mất, nhiều hộ dân mất toàn bộ đất sản xuất ven sông.


Sạt lở khiến hơn 15 ha đất nông nghiệp bị nuốt chửng

Sạt lở khiến hơn 15 ha đất nông nghiệp bị nuốt chửng

Cách nhà ông Dũng không xa, gia đình bà Phan Thị Hường (ngụ thôn Nam Thanh) cũng có “mất ăn mất ngủ” vì sông Krông Nô. Nhà bà Hường nằm ngay cạnh bãi tập kết cát khai thác, tuy tình trạng sạt lở không nghiêm trọng nhưng việc tàu thuyền, xà lan hút cát chạy ầm ầm từ lúc nửa đêm đến rạng sáng buộc vợ chồng bà phải gửi con ở nhờ nhà người thân.

“Cứ từ 21h đêm đến 7h sáng hôm sau hàng chục tàu thuyền, xà lan lại thi nhau hoạt động. Ban ngày họ sợ có người đến kiểm tra nên cho máy móc nghỉ hoặc di chuyển đến chỗ khác neo đậu, đến đêm thì tập trung đến đây hút cát. Lúc này mọi người đang ngủ thì phải tỉnh giấc vì tiếng máy móc khiến chúng tôi không sao ngủ được”, bà Hường bức xúc.

“Nguyên nhân do khai thác cát”

Ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Đir cho biết, ngày 30/5, chính quyền địa phương đã họp và nghe báo cáo tình hình sạt lở diễn ra hai bên bờ sông Krông Nô. Theo ông Cường, toàn xã có khoảng 9km đường bờ sông, tuy nhiên có khoảng 2km đoạn qua hai thôn Quảng Hà và Nam Thanh bị sạt lở nghiêm trọng, nếu tình trạng này không được khắc phục thì toàn bộ hệ thống đê phòng hộ mới làm năm 2015 (hiện chỉ cách lòng sông 3-5m) sẽ bị mất trắng.


Một công trình của người dân bị “ăn” gần hết phần móng

Một công trình của người dân bị “ăn” gần hết phần móng

“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ dòng sông là do hoạt động khai thác cát của Công ty Phú Bình. Theo đề án, Công ty Phú Bình phải khai thác từ thượng nguồn xuống, nhưng Công ty này lại làm từ hạ nguồn ngược lên theo lối khai thác tận thu, mỗi vị trí hút sâu cả 4-5 mét (quy định chỉ có 3m), tạo thành những bậc thang dưới lòng sông. Hơn nữa, trong giấy phép khai thác, cơ quan chức năng chỉ cho phép công ty này đưa 4 tàu đến làm việc, nhưng từ hơn 1 tháng nay, lúc nào cũng có khoảng hơn 20 chiếc tàu công suất lớn hoạt động liên tục ngày đêm đoạn sông trên”, chủ tịch xã Nâm N’Đir khẳng định.

Theo ông Cường, xã đã nhiều lần mời đại diện Công ty này lên làm việc và tổ chức đối thoại với người dân. Công ty này ban đầu cũng thừa nhận hành vi của mình, nhưng sau đó lại một mực phủ nhận, quy trách nhiệm cho nhà máy thủy điện Buôn Tua Sarh xả nước làm sạt lở đất.

Theo UBND xã Nâm N’Đir nguyên nhân là do việc khai thác kiểu tận thu cát trên sông
Theo UBND xã Nâm N’Đir nguyên nhân là do việc khai thác kiểu tận thu cát trên sông

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Cao Trí, Phó trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Krông Nô cho biết: Đơn vị này đã nắm được thông tin về tình trạng sạt lở đất đồng thời tham mưu cho UBND huyện kiến nghị Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông có biện pháp giải quyết triệt để. Ngày 12/6 sắp tới, Sở sẽ về kiểm tra thực địa để đưa ra kết luận cuối cùng, nếu Công ty Phú Bình vi phạm, sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép hoạt động và buộc bồi thường cho người dân.

Dương Phong