Đắk Nông:
Dòng sông vẫn tuyệt vọng kêu cứu, nhà cửa ruộng vườn tiếp tục bị cuốn trôi!
(Dân trí) - Mặc dù UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu các đơn vị khai thác cát ngừng hoạt động tại khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở tuy nhiên theo ghi nhận tại các điểm sông xung yếu tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra. Bờ sông hiện chỉ cách tuyến đê bao và công trình thủy lợi của xã Nâm N’Đir chưa đầy 1m đe dọa đến an toàn của người dân.
Bí ẩn chiếc tàu lạ nằm chờ
Trước đó, qua bài viết “Dòng sông nổi giận, người dân kinh hãi bỏ của chạy lấy người” báo Dân trí đã phản ánh tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) diễn ra nghiêm trọng đoạn qua 2 thôn Quảng Hà - Nam Thanh (xã Nâm N’Đir).
Sau đó, tháng 9/2017 UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu các đơn vị khai thác cát ngừng hoạt động và khắc phục tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, trên đoạn sông chảy qua hai thôn này, vẫn thường xuyên có tàu bè hút cát. Tình trạng trên không chỉ khiến đất sản xuất của người dân bị sạt lở mà các công trình phục vụ dân sinh như đường giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng cũng bị đe dọa cuốn theo dòng nước, người dân vô cùng bất an và lo lắng.
Một số người dân thôn Quảng Hà cho biết, đã từ lâu trên đoạn sông này, hàng ngày đều có hàng chục chiếc tàu hút đến hoạt động không kể ngày đêm. Cho đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng kể từ khi có quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông tình trạng khai thác cát ở khu vực này vẫn không hề chấm dứt.
“Nếu ngày trước, tàu thuyền hút cát hoạt động cả hai bên bờ, thì hiện nay tàu thuyền chỉ hoạt động 1 bên bờ và khu vực giữa sông. Khoảng hai ba ngày thì có lực lượng chức năng đi kiểm tra, tuy nhiên không biết tại sao những ngày đó chỉ có một hai tàu thuyền đến khai thác và hoạt động rất quy củ. Những ngày không có người kiểm tra, cứ 7- 8 tàu thuyền lại tập trung một chỗ hút trong vòng hai tiếng đồng hồ rồi rời đi”, ông Trần Văn Xuân (ngụ thôn Quảng Hà) cho hay.
Qua tìm hiểu, sau khi UBND tỉnh Đắk Nông có yêu cầu tạm ngừng khai thác cát tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở công ty TNHH MTV Phú Bình đã chuyển địa điểm khai thác cát lên phía thượng nguồn cách đó khoảng 2km, hiện tại các tàu hút cát hoạt động tại khu vực này là của TNHH MTV Trung Thiện (tỉnh Đắk Lắk).
Ông Xuân bức xúc: “Mỗi ngày tàu thuyền đều hoạt động vào khung giờ từ 2h đêm đến 11h trưa hôm sau. Như sáng nay, khoảng 2 tiếng trước khi CSGT tỉnh Đắk Nông đến kiểm tra, chúng (tàu thuyền khai thác cát) rút hết đi rồi. Hàng ngày, trên đoạn sông trước rẫy nhà tôi luôn có 1 chiếc thuyền “chim săn” nằm lỳ ở đó, ngày nào có lực lượng chức năng đến thì tàu thuyền dưới bến cát lại không hoạt động nên không thể bắt quả tang được”.
Đến khoảng 12h trưa cùng ngày (7/12), ngay khi lực lượng chức năng đi kiểm tra tại vị trí khai thác cát khác, thì 6 chiếc thuyền hút cát lại xuất hiện ngay trước rẫy nhà ông Xuân. Sau hơn 1 tiếng hút cát, những chiếc thuyền đã đầy ắp cát rồi cùng nhau quay lại bến.
“Cho chúng tôi một đường sống !”
Theo thống kê của UBND xã Nâm N’Đir vào thời điểm tháng 6/2017 trên địa bàn xã đã có 14 ha đất sản xuất của người dân bị mất do sạt lở. Vị trí sạt lở dọc theo bờ sông Krông Nô kéo dài từ thôn Nam Ninh đến thôn Quảng Hà với 47 hộ có đất ở, đất sản xuất bị ảnh hưởng. Tình trạng sạt lở xảy ra mạnh nhất là khu vực gần trạm bơm số 5, công trình thủy lợi Đắk Rền.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại con số này đã tăng lên rất nhiều, theo ước tính của những hộ dân có đất nằm trong khu vực sạt lở thì con số thiệt hại hiện nay đã lên tới trên 20 ha.
Ông Nguyễn Văn Đông (ngụ xã Quảng Hà) lo lắng, trong thời gian qua, tổng diện tích đất bị sạt lở của nhà ông đã lên đến 6000 m2, không những vậy, các loại cây hoa màu trồng trên đất cũng trôi theo dòng nước. Với 6 sào đất tại khu vực này mỗi năm gia đình ông cũng thu nhập được khoảng 60 triệu đồng, bây giờ đất không còn nhà ông đã mất đi nguồn thu chính.
Chỉ tay xuống dòng nước mênh mông phía trước nhà, chị Đỗ Thị Thủy (ngụ thôn Nam Thanh) kể, trước đây khu vực này là nhà của ông Bùi văn Dũng nhưng chỉ trong vòng 4 tháng, hàng ngàn mét vuông đất, nhà cửa, sân vườn, hoa màu của nhà của ông Dũng đã bị sạt xuống sông. Hiện tại nhà chị Thủy cũng chỉ còn cách điểm sạt lở có vài mét, ngồi ngay trong ngôi nhà của mình nhưng chị như ngồi trên đống lửa vì biết chắc rằng ngôi nhà có thể đổ ập xuống sông bất cứ lúc nào.
Chị Thủy gay gắt: “Chúng tôi chỉ mong dừng tất cả việc khai thác cát trên đoạn sông này lại, kể cả Đắk Lắk lẫn Đắk Nông. Trên giấy phép, họ hút bên Đắk Lắk nhưng đất bên Đắk Nông lại bị sạt lở, thì bảo chúng tôi biết cầu cứu ai. Phải cho chúng tôi một con đường sống với chứ, chứ chúng tôi khổ lắm rồi”.
Cùng tâm trạng bất an, bức xúc với những hộ dân khác, ông Hà Phùng Khắc Thông (ngụ xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), nếu vẫn để khai thác cát dọc sông Krông Nô thì chỉ mấy hôm nữa cả chục ha đất sẽ bị cuốn trôi. Hơn lúc nào hết, chúng tôi đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để sớm cải thiện tình hình.
Ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Đir cho biết, hiện nay cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân sạt lở do khai thác cát và vận hành xả nước của thủy điện Buôn Tua Sar. Tại Đắk Nông, doanh nghiệp khai thác cát không còn hoạt động trên đoạn sông đó nữa mà chỉ có doanh nghiệp bên Đắk Lắk tuy nhiên địa phương không có thẩm quyền xử lý được nếu họ làm sau, mà chỉ báo cáo cho huyện. Khi huyện vào đến nơi thì tàu thuyền đã rút đi rồi.
Trong khi đó, theo một cán bộ thuộc Đội cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, rất khó để xử lý việc tàu thuyền bên Đắk Lắk khi hút cát trên sông Krông Nô. Dẫu phát hiện ra họ hút cát bên Đắk Nông, nhưng do ranh giới hai tỉnh nằm giữa sông nên khi đến thì tàu lại chạy sang địa phận của tỉnh bạn. Hơn nữa, do đội mới được thành lập, lực lượng còn mỏng nên lợi dụng cơ hội không có cán bộ, các tàu thuyền đến khai thác cát lén gây bức xúc cho bà con nông dân.
Dương Phong