Hà Nội: Y án 12 năm tù cựu công an đá chết đồng nghiệp tại trụ sở
(Dân trí) - Tại phiên xử phúc thẩm ngày 25/12/2015, luật sư và gia đình Thượng úy Nguyễn Xuân Biên đề nghị khởi tố bổ sung bị cáo Chu Ngọc Linh về tội “gây rối trật tự công cộng” và tội “vu khống”. Tuy nhiên, yêu cầu trên không được chấp nhận. HĐXX tuyên y án 12 năm tù, nhưng tăng 40 triệu tiền đền bù.
Sáng ngày 25/12/2015, Tòa án cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Chu Ngọc Linh - nguyên cán bộ Công an phường Thượng Cát (Q. Bắc Từ Liêm) về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 - Bộ luật Hình sự (BLHS).
Theo cáo trạng, khoảng 16h20’ ngày 15/7/2014, bị cáo Chu Ngọc Linh (SN 1988), trú tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nguyên cán bộ Công an phường Thượng Cát (Q. Bắc Từ Liêm) đi xe máy đến trụ sở Công an phường Đức Thắng (Q. Bắc Từ Liêm) gặp Thượng úy Nguyễn Xuân Biên. Đến nơi, thấy Biên đang ngồi ăn ở chiếc ghế cạnh bàn uống nước giữa phòng ngủ, Linh tiến về phía Biên, đứng trước bàn uống nước cách Biên 1m nói, “Đưa tiền để em đưa nó, hơn 5h nó gọi em rồi”. Thấy vậy, Biên phẩy tay nói “Đi ra”. Linh tiếp tục nói “Đưa tiền cho em không”, Biên vẫn nói “Đi ra”. Ngay lập tức, Linh dùng chân phải đang đi giầy đá mạnh vào cổ bên trái khiến Biên ngửa cổ ra sau tựa vào ghế.
Sau khi xảy ra sự việc một số cán bộ Công an phường Đức Thắng chạy đến can ngăn. Lúc này, mặt anh Biên đã tím tái, người lịm đi, gọi không phản ứng nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nam Thăng Long và sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Đến 20h30’ ngày 16/7/2014, Thượng úy Nguyễn Xuân Biên tử vong. Ngày 17/7/2014, Cơ quan CSĐT, Công an TP. Hà Nội ra Quyết định Khởi tố vụ án, Khởi tố bị can đối với Chu Ngọc Linh về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 - BLHS, đồng thời ra Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Chu Ngọc Linh.
Tại phiên xét xử ngày 9/2/2015, HĐXX tuyên trả hồ sơ, đề nghị các cơ quan tố tụng điều tra lại để làm rõ tội danh của bị cáo Chu Ngọc Linh. Tuy nhiên, tại Công văn số 351/VKS-P1A ngày 2/3/2015, phúc đáp yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án TP. Hà Nội, Viện KSND Hà Nội vẫn giữ nguyên cáo trạng truy tố bị cáo Chu Ngọc Linh về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 - BLHS.
Trong thời gian này, gia đình Thượng úy Nguyễn Xuân Biên đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan bản vệ pháp luật và báo chí, đề nghị xem xét lại hành vi phạm tội của Linh, kiến nghị xem xét truy tố về tội “Giết người” theo Điều 93 - BLHS. Gia đình nạn nhân cho rằng việc chỉ khởi tố hung thủ Chu Ngọc Linh về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 -BLHS là chưa đúng tội.
Ở phiên xử ngày 25/4/2015, bị cáo chu Ngọc Linh khai có cho Thượng úy Nguyễn Xuân Biên vay tiền, nhưng anh Biên không trả đúng hẹn nên dẫn đến vụ va chạm ngày 15/7/2014, do Linh mất bình tĩnh. Tuy nhiên, bị cáo Linh không đưa ra được chứng cứ nào để chứng minh việc cho anh Biên vay tiền. Mặt khác, bị cáo Chu Ngọc Linh thừa nhận hành vi phạm tội nghiêm trọng dẫn đến cái chết của đồng nghiệp là thượng úy Nguyễn Xuân Biên. Trả lời chất vấn của luật sư tham gia bào chữa, bị cáo Linh cũng thừa nhận hành vi đến trụ sở Công an phường Đức Thắng hành hung dẫn đến cái chết của thượng úy Biên là hành vi gây rối trật tự công cộng.
Sau khi xem xét chứng cứ liên quan, lắng nghe quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, quan điểm của các luật sư tham gia bào chữa, HĐXX tuyên xử 12 năm tù giam đối với bị cáo Chu Ngọc Linh về tội danh “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 - BLHS. Buộc bị cáo Linh bồi thường tổn thất về tinh thần, tiền mai táng phí, cấp dưỡng nuôi hai con nhỏ của thượng úy Nguyễn Xuân Biên đến năm 18 tuổi, với tổng số tiền bồi thường là 528 triệu đồng. Cho rằng bản án sơ thẩm đưa ra chưa đúng người, đúng tội, ông Nguyễn Xuân Bách, bố nạn nhân Nguyễn Xuân Biên đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 25/12/2015, luật sư bào chữa và gia đình Thượng úy Nguyễn Xuân Biên tái đề nghị cần xét xử bị cáo Chu Ngọc Linh về tội “Giết người” theo Điều 93 - BLHS, đồng thời đề nghị khởi tố bổ sung đối với bị cáo Linh tội “Gây rối trật tự nơi công cộng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 245 - BLHS và tội “Vu khống” theo Điều 122 - BLHS. Tuy nhiên, HĐXX đã không chấp thuận đề nghị của luật sư bào chữa và gia đình vì cho rằng không có chứng cứ để xem xét.
Đối với bị cáo Chu Ngọc Linh, tại phiên xử phúc thẩm bị cáo Linh đưa ra nhiều lời khai không thống nhất, có biểu hiện quanh co, chối tội. Tuy nhiên, bị cáo Linh vẫn được xem là đã thành khẩn khai báo để được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo Điều 46 - BLHS. Sau phần nghị án, HĐXX Tòa án cấp cao tại Hà Nội tuyên xử 12 năm tù giam đối với bị cáo Chu Ngọc Linh về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 - BLHS. Buộc bị cáo Linh bồi thường tổn thất về tinh thần, tiền mai táng phí, cấp dưỡng nuôi hai con nhỏ của thượng úy Nguyễn Xuân Biên đến năm 18 tuổi, với tổng số tiền bồi thường là 568 triệu đồng (tăng 40 triệu đồng so với án sơ thẩm).
Phát biểu sau phiên tòa phúc thẩm, luật sư Hoàng Văn Doãn (Đoàn LSTP Hà Nội) không giấu nổi bức xúc, luật sư Doãn cho biết: “Bị cáo Chu Ngọc Linh được đào tạo bài bản nghiệp vụ võ thuật trong trường Công an, nhưng lại sử dụng đòn hạ thủ vốn chỉ áp dụng khi truy bắt tội phạm nguy hiểm để hành hung đồng nghiệp đến tử vong đã thể hiện tính chất côn đồ. Hành vi đến trụ sở Công an phường Đức Thắng, vốn phải là nơi pháp luật tôn nghiêm nhất để hành hung dẫn đến cái chết của Thượng úy Biên tại trụ sở công an phường Đức Thắng đủ yếu tố cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 245 - BLHS.
Trong quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Chu Ngọc Linh nhiều lần khai không thống nhất việc cho nạn nhân vay tiền, không thống nhất về số tiền cho vay, nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc cho nạn nhân Nguyễn Xuân Biên vay tiền đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vu khống” theo Điều 122 - BLHS. Tuy nhiên, đáng tiếc là HĐXX lại không xem xét kiến nghị của luật sư bào chữa và gia đình. Trong quá trình điều tra, bị cáo Chu Ngọc Linh không thành khẩn khai báo khi có những lời khai không đồng nhất, điều này thể hiện qua các bút lục ghi trong hồ sơ vụ án nên việc áp dụng cho bị cáo Linh được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo mục P, khoản 1, Điều 46 - BLHS là không thuyết phục. Việc HĐXX cho bị cáo Linh được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, Điều 146 - BLHS chỉ vì gia đình bị cáo Linh đưa ra được một giấy khen của UBND xã là không thỏa đáng, có dấu hiệu bao che cho tội phạm.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, luật sư sẽ tiếp tục đề nghị TAND tối cao, Viện KSND tối cao xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm cần phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bị cáo Chu Ngọc Linh về tội “Gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vu khống”...”.
Sau phiên xử phúc thẩm, ông Nguyễn Xuân Bách, bố của Thượng úy Nguyễn Xuân Biên cũng cho biết sẽ tiếp tục có đơn khiếu nại gửi đến TAND tối cao và Viện KSND tối cao đề nghị xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương