Bạn đọc viết:
Hà Nội: Việc cấm xe tải trọng trên 1 tấn là chủ trương đúng đắn
(Dân trí)- Trong tiến trình phát triển của thủ đô, việc thành phố có các chủ trương chính sách về giao thông cho phù hợp với từng thời điểm, với sự phát triển của thành phố là hết sức cần thiết.
Nếu cấm cả loại xe tải nhỏ nhất có trọng tải dưới 1 tấn hoạt động trong thành phố thì người dân thủ đô, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh sẽ vận chuyển hàng hoá bằng cách nào? Mọi sinh hoạt, phân phối, lưu thông hàng hoá thiết yếu trong nội đô sẽ bị ngưng trệ, trong khi nhu cầu mua sắm, kinh doanh, vận chuyển của nhân dân là không thể thiếu và là một thực tế quan trọng trong đời sống xã hội, nó quan trọng không kém nhu cầu vận chuyển hành khách, nhu cầu đi lại của người dân thủ đô.
Sẽ không có ai vào lúc nửa đêm còn có thể thức để bán chiếc bàn thờ tổ tiên, chiếc máy giặt hoặc chiếc bàn học cho con trẻ và vận chuyển nó đến nhà khách hàng, và lúc này người mua hàng cũng đã chìm vào giấc ngủ sau một ngày lao động vất vả.
Không có xe tải nhỏ thì người dân và các doanh nghiệp kinh doanh sẽ buộc phải vận chuyển bằng xe máy hoặc xe thô sơ ba bánh, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Sẽ thật nguy hiểm vì đây là cơ hội cho các loại xe thô sơ bùng phát trở lại do nhu cầu lưu thông hàng hóa là thiết yếu, có thể ví như mạch máu cần được tuần hoàn để nuôi sống “cơ thể” thành phố vậy.
Việc cấm này sẽ gây xáo trộn lớn đối với đời sống xã hội, tạo nên sự bất an cho nhân dân thủ đô và còn là vấn đề việc làm của hàng vạn người lao động.
Hơn nữa, vào các giờ cao điểm giao thông, xe tải nhỏ không phải là tác nhân gây nên tình trạng ùn tắc như các nhà quản lý vẫn nghĩ. Bằng chứng là hiện nay, trong các giờ cao điểm sáng 6 giờ – 8 giờ 30 phút , chiều 16 giờ 30 phút – 20 giờ, thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện triệt để lệnh cấm xe tải hoạt động trong thành phố từ hơn 10 năm nay!
Thực tế, tháng 1/2011, Sở GTVT Hà Nội ra quyết định cấm các loại ô tô tải có trọng lượng toàn bộ (cả xe và hàng) từ 1 tấn trở lên được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ trong nội thành. Các doanh nghiệp và người dân thủ đô đã gặp vô vàn khó khăn khi thực thi lệnh cấm này. Sản xuất, lưu thông hàng hoá đình đốn. Mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Xe ba bánh trong thành phố được dịp chạy hết công suất.
Ngay sau đó, hàng loạt các doanh nghiệp vận tải đã có kiến nghị tới UBND thành phố, Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét lại tính khả thi của quyết định trên. Báo Dân trí và một số cơ quan báo chí khác đồng loạt đưa tin và phân tích nội dung phản ánh của các doanh nghiệp.
Do không nhận được sự đồng tình của công luận và nhân dân thủ đô, sau 3 ngày thực hiện, thành phố đã điều chỉnh chỉ cấm xe tải có trọng tải trên 1 tấn thay vì cấm xe tải có trọng lượng toàn bộ (cả xe và hàng) từ 1 tấn trở lên.
Cần sử dụng đúng và rõ ràng hơn các thuật ngữ trong việc cấm xe tải
Ngày 10/2/2012, UBND TP. Hà Nội có thông báo hoả tốc gửi các sở, ngành yêu cầu thực hiện đồng bộ một số giải pháp góp phần giảm ùn tắc giao thông, trong đó giao “Sở GTVT thực hiện việc cấm phương tiện xe tải (tải trọng toàn bộ trên 1 tấn) hoạt động trong phạm vi đường vành đai 2 và một số tuyến trọng điểm từ 6 giờ sáng đến 21 giờ hàng ngày”.
Trước hết, chủ trương của thành phố hạn chế xe trọng tải trên 1 tấn hoạt động trong nội thành là hết sức đúng đắn trước tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra nghiêm trọng tại Hà Nội.
Cách sử dụng thuật ngữ “tải trọng toàn bộ trên 1 tấn” trong thông báo này là hoàn toàn khác biệt với thuật ngữ “có trọng lượng toàn bộ (cả xe và hàng) từ 1 tấn trở lên” như trong Quyết định đầu 2011 của Sở GTVT Hà Nội, bởi cụm từ “tải trọng toàn bộ” trong Luật Giao thông đường bộ được sử dụng để chỉ trọng lượng hàng hoá được phép chở của xe.
Điều đó được hiểu, Thông báo ngày 10/2/2012 cho phép các xe tải có tải trọng toàn bộ (trọng lượng hàng hóa chuyên chở) dưới 1 tấn được phép hoạt động trong thành phố, ngoại trừ giờ cao điểm sáng và chiều vẫn thực hiện cấm như đã nói ở trên.
Việc cấm xe tải trọng trên 1 tấn là chủ trương đúng đắn
Trong tiến trình phát triển của thủ đô, việc thành phố có các chủ trương chính sách về giao thông cho phù hợp với từng thời điểm, với sự phát triển của thành phố là hết sức cần thiết. Vấn đề sẽ trở nên quan trọng khi mỗi chủ trương, chính sách của thành phố ban hành có đảm bảo hài hoà giữa sự phát triển và các quyền lợi của xã hội, cộng đồng, đặc biệt khi các quyết định đó có ảnh hưởng to lớn đến đời sống của nhân dân và người lao động.