Hà Nội: Tòa chấp nhận việc bán nhà không ngõ

Công lý ngỡ như đã thuộc về lẽ phải, nhưng phiên toà phúc thẩm ngày 17, 18/1/2013 của TAND TP. Hà Nội đã bác bỏ hoàn toàn phán quyết của Toà án cấp sơ thẩm, Tòa Hà Nội chấp nhận việc bán nhà không ngõ.

Hà Nội: Tòa chấp nhận việc bán nhà không ngõ
Tại phiên toà phúc thẩm, TAND Hà Nội đã cố tình "lờ đi" những điểm bất hợp lý trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Nhật, bà Loan mà phiên toà sơ thẩm đã chỉ ra
 
Vụ gia đình bà Ngô Minh Trang và ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ hộ nhà số 39 phố Chùa Bộc, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội là bị đơn "tranh chấp quyền sử dụng đất" (lối đi) do nguyên đơn là bà Nguyễn Châu Loan và ông Nguyễn Hồng Nhật khởi kiện đã gây xôn xao dư luận bởi một nghịch lý: bên bán (ông Nhật, bà Loan) đòi lại lối đi khiến bên mua (ông Tuấn, bà Trang) trở thành chủ sở hữu một ngôi nhà nhưng không có lối đi.

Tại phiên toà, bị đơn đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy sổ đỏ của nguyên đơn do UBND quận Đống Đa cấp trong đó có phần đất (lối đi) tranh chấp thể hiện nhiều sự bất hợp lý, có dấu hiệu sai luật. Tuy nhiên những bằng chứng mà bị đơn đưa ra không được TAND TP Hà Nội chấp nhận.

Bán nhà không lối đi

Nhà 35, 37 và 39 Chùa Bộc vốn nằm trên cùng một thửa đất của bà Châu Loan. Khi tách thửa đất để làm 3 nhà riêng biệt, bà Loan đã dành 1 rẻo đất có chiều rộng hơn 1m để đi vào nhà 39 và 37 ở phía trong rồi bán 2 nhà này cho người khác. Năm 1999, gia đình bà Minh Trang mua lại nhà 39 và vẫn sử dụng ngõ đi này theo hiện trạng của chủ cũ.

Đến năm 2008, sau khi cho người chở gạch đến định bịt lối đi trên, bà Loan tuyên bố, ngõ đi này là đất thuộc quyền sử dụng của mình, yêu cầu gia đình bà Trang tìm lối đi khác. Chứng minh cho yêu cầu này, bà Loan trình ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) được UBND quận Đống Đa cấp năm 2003. Sơ đồ trong Sổ đỏ thể hiện ngõ đi trước cửa nhà bà Trang nằm trong diện tích sử dụng riêng và được gọi là “sân”.

Cũng từ GCN trên, bà Loan đã khởi kiện bà Trang ra tòa để đòi quyền sử dụng, định đoạt diện tích đất gọi là “sân” nêu trên. Tuy nhiên, qua thực tế tìm hiểu cũng như qua “biên bản xem xét, định giá” của Tòa, có thể thấy GCN của bà Loan có quá nhiều sai sót so với thực tế. Bản thân nội dung GCN và Sơ đồ đi kèm cũng có nhiều “tréo ngoe” khiến hàng xóm như bà Trang cũng phải “ngã ngửa”. Bản thân UBND quận Đống Đa - Cơ quan cấp GCN cho bà Loan- cũng thừa nhận, GCN này có sai sót, yêu cầu công dân nộp lại để điều chỉnh số liệu diện tích.

Cấp sai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Nội dung GCN của bà Loan thể hiện diện tích sử dụng riêng là 120,4m2. Sơ đồ thể hiện thửa đất có chiều dài là 9,78 m, kéo dài hết “sân” phía sau nhà bà Loan. Thế nhưng “Biên bản xem xét thẩm định, định giá” do Hội đồng định giá quận Đống Đa tiến hành (có sự chứng kiến của Thẩm phán TAND quận Đống Đa, Kiểm sát viên VKSND quận Đống Đa, bà Loan và bà Trang) lập ngày 6/8/2009 lại cho thấy, ngôi nhà bà Loan hiện tại đã dài 9,78 m và diện tích 120,4m2.

Bản thân UBND quận Đống Đa tại văn bản trả lời Tòa án cũng cho biết, căn cứ vào sơ đồ đất của 3 hộ (bà Loan- nhà 35; ông Thanh- nhà 37, bà Trang – nhà 39 Chùa Bộc - PV) và Hồ sơ kỹ thuật thửa đất của bà Loan do Cty TNHH Nhà nước MTV Địa chính Hà Nội đo đạc ngày 17/7/2008 để xác định các điểm mốc giới và các kích thước còn thiếu liên quan đến thửa đất của bà Loan có chiều dọc thửa đất là 9,78m…

Nếu bà Loan đã xây nhà dài 9,78m với 120,4m2 là “hết đất” đã được cấp GCN chứ không hề “còn thừa” ngõ đi rộng 1,2m phía sau. Điều này đồng nghĩa với việc, sơ đồ tại trang 2 GCN của bà Loan đã thể hiện không đúng thực tế, không đúng diện tích ghi tại trang 1 (120,4 m2 thì sơ đồ không thể bao gồm sân và ngõ chung phía sau). Sai sót còn thể hiện ở một nội dung khác: Sơ đồ thể hiện “ngõ chung” trước cửa nhà 37 đi ra phố Chùa Bộc có diện tích khoảng 15m2 nhưng GCN lại ghi “diện tích sử dụng chung: 0m2”.

UBND quận Đống Đa đã không nhận thấy hết sự bất hợp lý và mâu thuẫn trên nên chỉ yêu cầu bà Loan nộp lại GCN để chỉnh lại số liệu liên quan đến phần ngõ đi trước của nhà ông Thanh (số 37) với quan điểm, “phần diện tích này chưa xét cấp Giấy chứng nhận vì bà Loan cho mượn làm lối đi ra đường Chùa Bộc”.

Về vấn đề này, bà Trang cho biết, “nếu UBND quận thừa nhận phần đất trước của nhà 37 là ngõ đi thì cũng phải công nhận phần đất trước của nhà tôi ở số 39 là ngõ đi vì bản chất, hai diện tích đất này giống hệt nhau- cùng là đất ngõ đi mà bà Loan dành cho các hộ phía sau khi bán đất. Chẳng ai mua 1 ngôi nhà lại không có ngõ đi cả. Nếu bà Loan bán nhà không ngõ thì hóa ra chúng tôi đã bị lừa khi bỏ ra hàng chục tỷ để mua 1 ngôi nhà mà muốn vào thì phải đi máy bay trực thăng?”.

Được biết, vào các năm 1995, 1996, 2000, 2008, bà Loan từng viết nhiều văn bản cam kết cho 2 hộ phía trong được sử dụng lối đi như hiện nay ra phố Chùa Bộc. Bà Loan cùng từng ký vào hồ sơ cấp GCN cho hai hộ phía sau thừa nhận trước 2 nhà này là “ngõ đi”. Không hiểu sao đến nay, bà Loan lại thực hiện ngược lại với cam kết của mình trước đó khiến 2 bên phải kéo nhau đến Toà?

Tòa chấp nhận việc bán nhà không ngõ?

Tại phiên toà sơ thẩm ngày 11 và 13/9/2012 của TAND quận Đống Đa, từ những phân tích và chứng cứ như đã nêu ở trên, Hội đồng xét xử TAND quận Đống Đa đã ra phán quyết buộc gia đình ông Nhật, bà Loan có nghĩa vụ để cho gia đình chị Trang, anh Tuấn được sử dụng diện tích đất ở vị trí trên để làm lối đi ra ngõ chung phố Chùa Bộc, đồng thời kiến nghị UBND quận Đống Đa điều chỉnh lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Quyết định số 2451 ngày 17/12/2003 đối với hộ gia đình bà Nguyễn Châu Loan, ông Nguyễn Hồng Nhật tại địa chỉ 35 phố Chùa Bộc đối với phần diện tích "... sân sau nhà bà Loan..." để gia đình ông Tuấn, bà Trang được sử dụng diện tích đất này làm lối đi. Công lý ngỡ như đã thuộc về lẽ phải, nhưng phiên toà phúc thẩm ngày 17, 18/1/2013 của TAND TP Hà Nội đã bác bỏ hoàn toàn phán quyết của Toà án cấp sơ thẩm, buộc gia đình ông Tuấn, bà Trang trả lại cho bà Loan, ông Nhật phần diện tích đất sau nhà 35 Chùa Bộc. Và để giải quyết cho việc nhà anh Tuấn, chị Trang sau khi bị thu hồi phần đất (lối đi) không có đường ra, TAND TP Hà Nội còn "cẩn thận hướng dẫn" gia đình anh Tuấn, chị Trang "trổ cửa tạo lối đi ra ngách số 7 ngõ 43 phố Chùa Bộc".

Có một chi tiết lưu ý, tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử nhận thấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Loan, ông Nhật do UBND quận Đống Đa cấp có nhiều điều bất hợp lý nên đã ra phán quyết đề nghị UBND quận Đống Đa điều chỉnh lại Giấy chứng nhận này. Nhưng tại phiên toà phúc thẩm, TAND Hà Nội đã cố tình "lờ đi" những điểm bất hợp lý trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Nhật, bà Loan mà phiên toà sơ thẩm đã chỉ ra, thậm chí Hội đồng xét xử toà phúc thẩm còn căn cứ theo các văn bản, quyết định, công văn cung cấp và trả lời từ UBND quận Đống Đa, cơ quan có dấu hiệu cấp sai Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho cho gia đình bà Loan, ông Nhật để làm căn cứ bác bỏ yêu cầu phản tố của gia đình bà Trang, ông Tuấn.

Trước những phán quyết đó của TAND TP Hà Nội, ngày 18/4/2013, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã có văn bản số 1241/BTP 13 gửi tới Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo Bảo vệ Pháp luật