Hà Nội: Sắp xét xử vụ mất xe máy tại nhà hàng My Way
(Dân trí)- TAND quận Cầu Giấy dự kiến sẽ tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với vụ án mất xe máy tại nhà hàng My Way vào ngày 10/5 tới. Giá trị tài sản của vụ việc không lớn nhưng đây là một vụ án thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Nguyên đơn đang yếu thế?
Tiếp tục bám sát diễn biến vụ việc, Dân Trí được anh Vũ Song Toàn, nạn nhân của chiếc xe máy bị mất tại nhà hàng My Way (24T2 Trung Hoà - Nhân Chính) cho biết: “Tôi được luật sư Trương Anh Tú và người tôi uỷ quyền thông báo rằng ngày 10/5 toà sẽ xử sơ thẩm vụ việc. Theo những gì các luật sư trao đổi thì dường như sự bất lợi lại đang thuộc về phía chúng tôi. Những tài liệu, chứng cứ có được (từ phía toà án) cho thấy họ sẽ nhằm vào điểm mấu chốt là tấm biển cảnh báo mà phía nhà hàng My Way cho rằng đã được đính trên tường để cảnh báo khách hàng lấy vé xe.
Tuy nhiên, nếu đưa ra ‘chứng cứ’ này để tranh cãi thì thật là vô lý. Tấm ảnh tôi chụp sau khi mất xe không hề thấy bóng dáng một tấm biển nào chỉ dẫn về nơi để xe, vị trí để xe hay cảnh báo phải lấy vé xe. Vị trí tôi dựng xe cũng có khoảng 5-6 chiếc xe khác để cùng nhưng đều không thấy ghi số. Vả lại, trong trường hợp có tấm biển nào đó chăng nữa thì nó cũng phải đặt ở nơi dễ quan sát, phù hợp với hướng vào và tầm nhìn của khách hàng. Nếu không thì khác gì đánh đố nhau. Thế mà nay nó lại đang được coi là chứng cứ quan trọng để họ phủ nhận trách nhiệm hay sao?”.
Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, luật sư Trương Anh Tú, người bảo vệ quyền lợi cho anh Vũ Song Toàn cho biết: “Việc có tồn tại hay không tồn tại tấm biển như bị đơn mô tả còn là một điều cần tòa án làm rõ. Tuy nhiên, nếu thực tế tồn tại tấm biển cảnh báo đó thì không hiểu tại sao trong những lời khai của phía bị đơn lại có nhiều mâu thuẫn đến vậy, có lời khai, cô nhân viên đón khách của nhà hàng thì khai tấm biển cảnh báo được nhà hàng đính trên tường từ thời điểm cô đên làm việc (tháng 10/2005), tuy nhiên lời khai của người đại diện lại cho rằng tấm biển này được nhà hàng đính từ năm 2009.
Mặt khác, trong file ghi âm của anh Toàn gửi Tòa án (đây là đoạn ghi âm anh Toàn ghi lại diễn biến sự việc sau khi mất xe) thì không hề thấy ai trong nhà hàng nhắc về sự tồn tại của tấm biển trên, điều này là không hề phù hợp tâm lý chung”.
Một vấn đề nữa, theo luật sư Tú, việc định giá 56.250.000đồng cho chiếc xe Honda/PS là một quyết định khó hiểu của Hội đồng định giá do TAND quận Cầu Giấy thành lập. Trong cả hai lần tiến hành định giá, những thành viên của Hội đồng chỉ chăm chăm căn cứ vào những tài liệu mà Tòa án gửi sang, đó là tờ khai và thông báo nộp thuế trước bạ của vợ anh Toàn, trong khi tờ khai này không thể phản ánh của chiếc xe trên thị trường đây là việc làm hết sức hời hợt, thiếu tận tâm.
Cần phải nói thêm, hội đồng định giá tài sản cũng có sự nhầm lẫm giữa thời điểm định giá chiếc xe và thời điểm tài sản bị xâm phạm khi cho rằng thời điểm định giá chiếc xe là thời điểm tháng 02/2011 (đây là thời điểm tài sản bị xâm phạm), thời điểm định giá chiếc xe phải là tháng 02/2012. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã làm không tốt trong việc điều khiển buổi định giá, khi không để các bên nêu ý kiến dẫn tới buổi định giá diễn ra như là một buổi công bố kết quả. Khi tiến hành định giá tài sản Hội đồng định giá chỉ nêu văn bản pháp luật được áp dụng cho việc định giá sau đó công bố ngay kết quả. Điều đó khiến cho phía nguyên đơn không thể hiểu được trình tự các phép tính để ra được kết quả cuối cùng.
Luật sư Trương Anh Tú cũng cho biết thêm, trong suốt quá trình diễn ra vụ án, các nhân chứng liên quan đến sự việc phía nguyên đơn cũng không một lần được toà triệu tập để lấy lời khai. “Tất nhiên, điều này không có quy định cụ thể nhưng nếu thực sự để tìm hiểu, đánh giá sự việc một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, ngõ hầu có được phán quyết cuối cùng, thì đây là việc làm không thể bỏ qua”, ông Tú nói.
“Nếu được bồi thường, sẽ dùng tất cả làm từ thiện”