Hà Nội: Kết quả việc triển khai gần 600 đội bắt chó thả rông ra sao?
(Dân trí) - Gần đây, số người bị chó cắn gây thương tích nặng, thậm chí tử vong ngày càng tăng, trong khi đó tình trạng chó thả rông không đeo rọ mõm vẫn chưa được quản lý chặt gây bức xúc dư luận.
Trung tuần tháng 7/2022, một cháu bé 8 tuổi ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước bị chó Pitbull cắn chết khiến dư luận xót xa và phẫn nộ. Liên tiếp sau đó tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã xảy ra thêm nhiều vụ việc chó dữ thả rông cắn người bị thương nặng.
Hàng loạt các vụ việc chó tấn công người khiến người dân phẫn nộ về cách quản lý vật nuôi cũng như ý thức của những người chủ chó. Đầu tháng 4 năm nay, không ít người dân thủ đô đã kì vọng vào việc TP thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã. Mô hình này đã khiến người dân các địa phương khác kỳ vọng được nhân rộng tại địa phương mình.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Phóng viên Dân trí, các đội bắt chó thả rông chỉ hoạt động rầm rộ thời gian đầu tại một số quận nội thành, sau đó dừng lại ở việc... tuyên truyền.
Cụ thể, tại khu vực cổng sau sân vận động Mỹ Đình nhiều nhà nuôi chó to, không rọ mõm, thả rông và thường xuyên đuổi theo người đi đường. Tương tự một số địa bàn phường tại quận Hà Đông, tình trạng chó to thả rông, được dắt đi dạo mà không đeo giọ mõm diễn ra hàng ngày nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng xuất hiện xử phạt.
Một lãnh đạo UBND phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai chia sẻ: "Chúng tôi mới tuyên truyền tới các tổ dân phố chứ chưa bắt, phải qua giai đoạn tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành. Phường không thể tự nhiên bắt chó nhà người khác, nhưng nếu người dân cố tình không chấp hành thì sẽ xử lý nghiêm".
Tương tự phường Thịnh Liệt, UBND phường Định Công cũng mới chỉ tuyên truyền tới người nuôi về sự nguy hiểm khi thả rông chó. Tuy nhiên theo một vị lãnh đạo phường, trường hợp người nuôi chó đã được nhắc nhở mà vẫn tiếp tục vi phạm thì mọi người có quyền thông báo cho trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố (nếu ở chung cư thì có thể đề nghị Ban quản lý khu chung cư) hoặc đề nghị trực tiếp với UBND xã, phường sở tại để được giải quyết.
"Căn cứ mức độ vi phạm mà Ủy ban phường, sẽ xử lý từ cảnh cáo đến phạt tiền và buộc người chủ vật nuôi phải có biện pháp khắc phục", một lãnh đạo UBND phường Định Công khẳng định.
Theo đó, UBND phường Định Công sẽ xử phạt người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không có rọ mõm (đối với con dữ) theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ. Người nuôi chó có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.
Đồng thời, người nuôi chó cũng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
- Nuôi chó thả rông, nơi công cộng, để chó phóng uế ra nơi công cộng gây mất vệ sinh môi trường thì bị phạt tiền từ 100-300.000đ
- Để chó gây thiệt hại về tài sản cho người khác, thì bị phạt tiền từ 500-1.000.000đ
Ngoài ra chủ nuôi chó còn phải chịu mọi chi phí khi chó thả rông, bị bắt giữ, kể cả việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó và bồi thường vật chất khi chó cắn người.
Nhiều ý kiến người dân cho rằng, việc thành lập các đội bắt chó thả rông phải được thực hiện trên toàn quốc và phải làm thật chứ đừng dừng lại ở việc hô hào, tuyên truyền nữa. Hiện nay vấn nạn chó chạy rông tấn công người và gây tai nạn đã xảy ra quá nhiều.