Tính mạng con người không thể trông chờ vào sự "tử tế" của chó Pitbull!
(Dân trí) - Gần 3 năm nuôi chó pitbull, anh Hiệp đã phải trả cái giá không hề nhẹ. Anh cho rằng tính mạng con người không thể trông chờ vào sự tử tế của loài thú hung dữ này...
Giống như những người thích nuôi dòng chó pitbull, anh Duy Hiệp (Hà Đông, Hà Nội) bị vẻ đẹp "hùng dũng", đức tính trung thành tuyệt đối và một thần kinh thép của giống chó này mê hoặc. Năm 2008, anh quyết định mua một con Pitbull American về nuôi sau khi đã tìm hiểu kỹ tập tính, cách nuôi dưỡng và huấn luyện. Thời điểm đó, giống chó này được nhiều dân chơi chó săn lùng và đặt biệt danh là "chó chiến binh".
Rùng mình khi nghĩ về đam mê nuôi Pitbull
Theo anh Hiệp, đặc tính nổi trội nhất của chó Pitbull American là bảo vệ lãnh địa, bảo vệ chủ nên chúng có thể chiến đấu đến hơi thở cuối cùng khi có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa. Trước đó đã nuôi nhiều dòng chó khác nhau, cũng tích được kha khá kinh nghiệm nhưng anh cho rằng việc nuôi một con chó khôn với các giống thông thường đã khó thì việc nuôi một con Pitbull "đạt chuẩn" càng khó khăn gấp bội.
Anh chia sẻ: "Pitbull cần chăm sóc như một vận động viên thực thụ. Chế độ ăn của Pitbull cũng phải được cung cấp đầy đủ các chất đạm, vitamin, khoáng chất, vi lượng cần thiết. Một bí quyết khác được tiết lộ là cho Pitbull ăn... thịt chó. Khi được ăn món này, Pitbull sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và tăng cường sức chiến đấu, khi đã lâm trận, loài chó này còn cuồng hơn cả chó điên".
Tuy nhiên, anh Hiệp cho biết, từ lý thuyết đến cách nuôi dưỡng trực tiếp giống chó này khác nhau rất nhiều, nếu người nuôi huấn luyện sai cách chúng có thể sẵn sàng tấn công người đó đến chết.
"Ban đầu tìm hiểu, tôi được biết dòng chó này có thể sống hòa đồng với các giống chó khác khi cùng nuôi từ nhỏ với nhau. Nhưng một sai lầm của tôi là cho nó ăn thịt chó để mạnh mẽ hơn, chính vì vậy 2 chú chó giống Alaska của tôi nuôi cùng thời điểm này đã bị cắn chết", anh Hiệp chia sẻ.
Lo ngại phiền phức nó có thể gây ra cho những người xung quanh, anh Hiệp không chỉ xích chú nó này mà còn đóng một chiếc cũi sắt để nhốt nó, ngày 2 lần anh dắt nó đi dạo và đi vệ sinh. Thế nhưng trong một lần dắt chó đi dạo, gặp một cháu nhỏ mang balo hình con chó, có vẻ con pit bull đã bị kích động và lao vào tấn công cháu bé.
Anh Hiệp đã phải dùng hết sức để chống chọi với nó và may mắn đã bảo vệ được cháu bé an toàn, cũng may là mục tiêu đầu tiên của nó là nhắm vào cái balo và nó cũng đã được đeo giọ mõm. Sau lần đó, anh Hiệp bị 2 vết thương khá nặng ở cánh tay và anh quyết tâm chia tay với con chó hung tợn này.
Không thể đánh đổi sự an toàn của những người xung quanh mình bằng thú vui bản thân!
Theo chia sẻ của anh Hiệp, thời điểm đó số lượng người nuôi dòng chó pitbull không nhiều và cũng có một nhóm chủ nhân của chúng thường hẹn nhau ở một địa điểm nào đó để đấu chó, bằng cách cho chúng tự đấu với nhau, hoặc mua một con mồi để huấn luyện khả năng săn mồi.
Nếu là "đấu chó", chúng sẽ lao vào cắn xé nhau đến khi đối thủ nằm xuống ngắc ngoải hoặc chết thì bên kia mới chịu dừng lại. Kết thúc trận đấu, chủ của con chó thắng cuộc sẽ lao vào dùng xích sắt tròng cổ nó lại để lôi ra... Trường hợp giao lưu, tiêu khiển, họ sẽ thả con mồi là một con lợn vào giữa bầy chó để chúng lao vào cắn xé cho con mồi chết hẳn rồi cùng ăn hết "chiến lợi phẩm".
Giống chó dữ bị nuôi nhốt trong lồng hoặc xích lâu ngày thường sẽ tăng độ hung dữ. Khi chó pitbull đang tấn công "con mồi", người nuôi dùng gậy chọc vào răng để chúng thả con mồi ra cũng không được, thậm chí vụt vào mồm nó đến chảy máu, sưng mặt lên chúng cũng không chịu nhả, thậm chí xối nước vào mặt lại càng làm cho con vật hăng lên.
Sự nguy hiểm và ham mồi của giống chó này thể hiện ở chỗ, đã ngoạm vật gì thì chỉ khi vật đó bị đứt lìa nó mới nhả ra và chuyển sang ngoạm chỗ khác. Vết thương để lại sẽ rất sâu và rộng vì hàm răng của chúng rất dài, sắc nhọn, nhẹ có thể mang tật, nặng có thể mất mạng.
Anh Hiệp chia sẻ: "Giờ nghĩ lại quãng thời gian nuôi "đam mê", tôi thấy cũng rùng mình. Ban đầu là sự thỏa mãn vì mình đã sở hữu được một loại thú cưng khá đẳng cấp, nhưng việc phải dành nhiều thời gian chăm sóc, dạy dỗ nó cũng khiến tôi khá vất vả vì không có được sự đồng tình, chia sẻ của người thân trong gia đình.
Càng về sau, gia đình, hàng xóm láng giềng than phiền càng nhiều và đỉnh điểm là lần nó tấn công cháu bé thì tôi nghĩ chó dù thông minh đến mấy nó cũng chỉ là thú vật, không thể lường trước được bất cứ điều gì và không thể đánh đổi sự an nguy của những người xung quanh mình bằng thú vui của bản thân.
Tính mạng con người không thể trông chờ vào sự tử tế của loài thú hung dữ này. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải cấm nuôi chúng, không tự nhiên mà một số quốc gia phát triển lại cấm nuôi chúng và không có lý do gì để chúng ta thi thoảng lại phải nghe thông tin ở đâu đó rằng: lại vừa có thêm một nạn nhân bị chó pitbull cắn đến chết!".
Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm giống chó pitbull hoặc ban hành các hạn chế nhất định với việc nuôi chúng. Có thể kể ra tên một số nước đã cấm nuôi chúng trên toàn quốc như: Argentina, Bavaria, Belarus, Bermuda, Đan Mạch, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Guyana, Ireland, Israel, Ý, Latvia, Liechtenstein, Malaysia, Malta, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Puerto Rico, Romania, Nga, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UEA), Ukraine, Vương quốc Anh và Venezuela.
Trong khi đó, 15/16 bang ở Đức cấm chó Pitbull. Ngoài ra, một số khu vực tại các nước Úc, Áo, Bỉ, Brazil, Trung Quốc, Canada, Nhật Bản cũng cấm nuôi giống chó này.