Hà Nội: Đề nghị Công an vào cuộc vụ “cò” đất rởm tại Ciputra

(Dân trí) - Sau một thời gian dài chờ đợi sự “may mắn”, hi vọng “cò” đất rởm tại Ciputra sẽ trả lại 20 ngàn đô la tiền đặt cọc mua đất đã tan vỡ, khách hàng này cực chẳng đã phải gửi đơn đến cơ quan Công an tố cáo vụ việc trên.

Hà Nội: Đề nghị Công an vào cuộc vụ “cò” đất rởm tại Ciputra - 1
Đơn tố cáo của bà Quế Anh gửi đến Báo Dân trí (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Ngày 1/9, trao đổi với PV Dân trí,  bà Vũ Thị Quế Anh, trú tại P106, C2, phố Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội cho biết: Gia đình bà đã làm đơn tố cáo hành vi có dấu hiệu lừa đảo của bà Nguyễn Thị Thu, hộ khẩu thường trú tại 124 ngõ Hàng Cỏ, phường Cửa Nam, TP. Hà Nội (CMTND số: 011141441 cấp ngày 28/9/2010 CA TP. Hà Nội) vì đã “găm” 20 ngàn đô la Mỹ của bà suốt nhiều tháng qua tới Cơ quan Công an xem xét điều tra làm rõ vụ việc này.

"Tất cả những gì bà Thu giới thiệu một cách "hoành tráng" là cán bộ thuộc phòng Marketing chuyên phụ trách bán nhà tại Dự án Khu Đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), hiện đang có một số suất mua biệt thự giai đoạn 3 của chủ đầu tư khu đô thị Ciputrra, ... đều là giả dối. Bà Thu đã rao bán những cái mình không có, những suất mua đất "vịt giời" mà thôi"- bà Quế Anh bức xúc nói.
Hà Nội: Đề nghị Công an vào cuộc vụ “cò” đất rởm tại Ciputra - 2
Bà Quế Anh đã mua phải đất "vịt giời" từ "cò" đất rởm tại Ciputra

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: "Theo quy định tại điều 139- Bộ Luật Hình sự nêu rõ: "Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...".

Như vậy, bà Thu đã có các hành vi: Tạo niềm tin và dùng các thủ đoạn gian dối là "nhận tiền đặt cọc để bán cái mình không có"... sau đó không trả lại tiền cho khách hàng. Như vậy dấu hiệu để cấu thành tội phạm theo quy định của Điều 139, Bộ Luật hình sự đã rõ ràng.

Để có thể kịp thời xử lý vụ việc trên, tôi thiết nghĩ việc đầu tiên bà Quế Anh cần làm đó là viết đơn tố cáo về dấu hiệu lừa đảo của bà Thu gửi  tới Công an Phường, Công an Quận nơi bà Thu cư trú. Khi cơ quan Công an tiến hành điều tra vụ việc, thu thập chứng cứ để xác minh có hay không hành vi phạm tội của bà Thu, lúc đó Cơ quan Công an mới có thể đưa ra căn cứ có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không".

Như Dân trí đã phản ánh, ngày 11/3/2011, bà Quế Anh và bà Nguyền Thị Thu có ký một hợp đồng đặt cọc để mua một căn biệt thự với điều kiện như sau: Bà Nguyễn Thị Thu sẽ để bà Quế Anh được ký hợp đồng mua 01 căn biệt thự có diện tích từ 180-250m2 tại khu đô thị Ciputra (giai đoạn 3) với giá gốc của chủ đầu tư và cộng thêm phần chênh lệch là 70.000USD trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2011.

Ngày 11/3/2011, bà Quế Anh đã nộp cho bà Nguyễn Thị Thu 20.000 USD tiền đặt cọc, số tiền 50.000 USD còn lại sẽ trả nốt khi bà Quế Anh đã được ký hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư.

Từ thời điểm đặt cọc cho đến nay đã hơn 5 tháng, quá thời gian như đã thỏa thuận với bà Thu nhưng bà Quế Anh vẫn chưa ký được hợp đồng để mua nhà với chủ đầu tư. Bà Quế Anh đã nhiều lần liên hệ điện thoại nhắc nhở bà Thu thực hiện cam kết nhưng bà Thu vẫn khất lần không thực hiện, 20 ngàn đô la Mỹ tiền đặt cọc hiện nay bà Thu vẫn chưa trả bà Quế Anh.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến