Hà Nội đạt tiêu chí vùng xanh, người dân đã được đi lễ chưa?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo đánh giá phân vùng thủ đô tại nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội có 8 ca Covid-19 trong cộng đồng trên tổng số hơn 8,3 triệu dân nên được coi là vùng xanh. Vậy người dân có được đi lễ không?

Trả lời:

Theo CDC Hà Nội, việc cho phép mở lại các khu di tích, cơ sở tôn giáo như đền, chùa, nhà thờ... thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố. Trong công điện mới nhất của UBND TP Hà Nội không nói đến vấn đề này. Những hoạt động này theo quy định của Bộ Y tế thì tùy tình hình dịch của địa phương mà có thể cân nhắc mở cửa cũng như tính toán về số lượng người tham gia.

Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) cũng vừa có công văn gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo thực hiện các hoạt động tôn giáo phù hợp với tình hình mới. 

Hà Nội đạt tiêu chí vùng xanh, người dân đã được đi lễ chưa? - 1

Hàng loạt đền chùa, khu di tích đóng cửa phòng dịch Covid-19 (Ảnh: Hoài Trang).

Theo đó, hiện nay tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn, làm cho dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi mọi người không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế (Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế), Bộ Nội vụ đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo thực hiện các hoạt động tôn giáo phù hợp với tình hình mới.

Có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế và quy định của chính quyền địa phương.

Đồng thời, hướng dẫn chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự tôn giáo thực hiện nghiêm quy định về phân loại cấp độ dịch của chính quyền. Theo đó, cấp độ 1, chức sắc, tín đồ khi tham gia các hoạt động tôn giáo tại cơ sở thờ tự phải tuân thủ 5K, ứng dụng công nghệ khai báo y tế, đăng ký và dán mã QR và hướng dẫn quét mã QR tại cơ sở tôn giáo nhằm đảm bảo tốt công tác phòng dịch.

Cấp độ 2 và 3, hạn chế hoạt động tôn giáo đông người không thực sự cần thiết tại cơ sở thờ tự. Cấp độ 4, ngừng triệt để mọi hoạt động tôn giáo.

Việc tổ chức các hoạt động tôn giáo tập trung tại cơ sở thờ tự, địa điểm hợp pháp phải đảm bảo các điều kiện về chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế (như: vaccine, xét nghiệm) và tuân thủ quy định về số lượng, quy mô, thời gian, phạm vi hoạt động theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Theo Bộ Nội vụ, thời gian tới sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo như: Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Lễ Noel của Công giáo và Tin Lành; các đại hội nhiệm kỳ của các Hội thánh Cao Đài; đại hội Phật giáo cấp tỉnh và các tôn giáo khác… thu hút đông đảo chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo.

Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo sớm có chỉ dẫn qua các cuộc lễ, các trang truyền thông, website của Giáo hội để thông tin, tuyên truyền các quy định phòng, chống dịch của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) và quy định của chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm của chức sắc, tín đồ tôn giáo trong phòng, chống dịch, không tin, không nghe những luận điệu xuyên tạc về tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19.