Hà Nội: Đất quy hoạch làng nghề vô tư “biến hóa” thành nhà cao tầng, quán bia
(Dân trí) - Theo quy hoạch tỷ lệ 1/500 được phê duyệt, phường Vạn Phúc có 4 lô đất được dành để phát triển làng nghề với tổng diện tích hơn 50.000m2, các công trình xây dựng bị giới hạn rõ ràng về chiều cao, nhưng hiện nay rất nhiều diện tích chưa được sử dụng đúng quy hoạch.
Nhằm đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống, UBND tỉnh Hà Tây trước đây đã phê duyệt quy hoạch dành 4 lô đất chuyên sản xuất tiểu thủ công nghiệp gồm: Sản xuất dệt may; Đất sản xuất cơ khí, mộc; Đất chuội nhôm, sản xuất ni lon; Cung ứng vật tư, thu gom và giới thiệu sản phẩm. Trong số này, chỉ lô đất có mục đích “Cung ứng vật tư, thu gom và giới thiệu sản phẩm” chiếm gần 10 % diện tích đất quy hoạch tiểu thủ công nghiệp được phép xây công trình cao 3 tầng, những lô đất còn lại bị giới hạn chiều cao 1 tầng.
Năm 2012, UBND phường Vạn Phúc và quận Hà Đông tổ chức chia đất thực địa cho 261 nhóm hộ, tương đương 261 lô đất tại Điểm tiểu thủ công nghiệp dệt lụa Vạn Phúc. Cho đến thời điểm này đã có trên 200 nhóm hộ được giao đất tiến hành xây dựng, nhưng trong quá trình người dân xây dựng có nhiều diện tích không được sử dụng đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) khi xây vượt số tầng được duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500.
Ghi nhận tại Điểm tiểu thủ công nghiệp cho thấy nhiều hộ gia đình nhận giao đất ở các lô bị giới hạn chiều cao gồm: Sản xuất dệt may; Đất sản xuất cơ khí, mộc; Đất chuội nhôm, sản xuất ni lon (chiếm hơn 90% đất Điểm tiểu thủ công nghiệp) xây nhà cao 2-3 tầng, trong khi quy hoạch giới hạn 1 tầng. Những hộ không xây vượt tầng rõ ràng cũng tạo dựng một kiến trúc kỳ lạ nhằm gia tăng diện tích sử dụng lên 1,5 tầng, khiến nhiều người dân trong khu vực đặt dấu hỏi về năng lực quản lý - xử lý của UBND quận Hà Đông, phường Vạn Phúc, cùng các cơ quan quản lý TTXD.
Nhiều công trình vi phạm quy hoạch tỷ lệ 1/500 vẫn vô tư mọc lên hàng ngày
Làm việc với PV báo Dân trí ngày 26/5/2015, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc xác nhận, trên diện tích đất Điểm tiểu thủ công nghiệp có tình trạng các hộ dân xây nhà vượt chiều cao giới hạn trong quy hoạch. Theo giải thích của ông Thủy, xảy ra tình trạng trên có phần nguyên nhân do quy hoạch cũ không còn phù hợp tình hình thực tế, trong khi các hộ dân lại có nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất và sinh hoạt. Mặt khác, ông Thủy cho rằng, việc người dân nộp nghĩa vụ tài chính như nhau nhưng không được xây dựng bằng nhau về số tầng cũng khiến việc quản lý phức tạp và khó khăn hơn.
Về tình trạng nhà hàng, quán bia “mọc” trên đất Điểm tiểu thủ công nghiệp, ông Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho rằng ngoài chức năng duy trì và phát triển nghề truyền thống, hàng ngày làng nghề Vạn Phúc còn đón nhiều đoàn khách đến tham quan, nhưng dịch vụ đi kèm còn thiếu nên dẫn đến việc các hộ dân tự phát kinh doanh. Để giải quyết vấn đề trên, UBND phường đang đề xuất quận Hà Đông điều chỉnh mục đích sử dụng đất tiểu thủ công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Nhằm làm rõ trách nhiệm quản lý - giám sát của chính quyền địa phương đối với những công trình xây dựng trên đất làng nghề, PV đề nghị UBND phường Vạn Phúc cung cấp quyết định xử lý công trình vi phạm TTXD, nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.
Theo tài liệu PV báo Dân trí có được, ngày 22/5/2015, UBND phường Vạn Phúc ban hành Công văn số 89/BC-UBND gửi Sở Công thương và UBND quận Hà Đông, nêu một số điểm người dân cho rằng bất cập và đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh lại mục đích sử dụng đất, cho phép nâng số tầng được phép xây dựng tại Điểm tiểu thủ công nghiệp từ 1 lên 3 tầng. Cho đến nay kiến nghị của UBND phường Vạn Phúc chưa được các cấp có thẩm quyền xem xét, đồng nghĩa quy hoạch tỷ lệ 1/500 phê duyệt trước đây vẫn có hiệu lực pháp luật, chính quyền phường Vạn Phúc và cao hơn là UBND quận Hà Đông vẫn chịu trách nhiệm giám sát - quản lý các công trình đúng theo quy hoạch. Để vi phạm TTXD diễn ra tràn lan, không thể không nhắc đến năng lực giám sát, quản lý và xử lý của các cấp chính quyền.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương