Hà Nội: “Cò” đất rởm tại Ciputra có thể phạm tội hình sự

(Dân trí)- Xung quanh vụ khách hàng “sập bẫy” vì gặp “cò” đất rởm tại Ciputra, nhiều bạn đọc hỏi liệu đối tượng này có phạm tội hình sự hay không? Hay đây chỉ là các giao dịch dân sự thông thường? PV Dân trí đã trao đổi với luật sư để làm rõ nội dung này.

Hà Nội: “Cò” đất rởm tại Ciputra có thể phạm tội hình sự - 1
Bà Quế Anh đã mua phải đất "vịt giời" từ "cò" đất rởm tại Ciputra

Như Dân trí đã phản ánh bà Vũ Thị Quế Anh, trú tại P106, C2, Phố Vũ Ngọc Phan, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội gửi đến Báo Dân trí tố cáo bà Nguyễn Thị Thu, hộ khẩu thường trú tại 124 ngõ Hàng Cỏ, Phường Cửa Nam, TP Hà Nội (CMTND số: 011141441 cấp ngày 28/9/2010 CA TP. Hà Nội) giới thiệu đang có một số suất mua biệt thự giai đoạn 3 của chủ đầu tư khu đô thị Ciputra Hà Nội cần bán.

Ngày 11/3/2011, bà Quế Anh và bà Nguyễn Thị Thu có ký một hợp đồng đặt cọc để mua một căn biệt thự với điều kiện như sau: Bà Nguyễn Thị Thu sẽ để bà Quế Anh được ký hợp đồng mua 01 căn biệt thự có diện tích từ 180-250m2 tại khu đô thị Ciputra (giai đoạn 3) với giá gốc của chủ đầu tư và cộng thêm phần chênh lệch là 70.000 USD trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2011.

Ngày 11/3/2011, bà Quế Anh đã nộp cho bà Nguyễn Thị Thu 20.000 USD tiền đặt cọc, số tiền 50.000 USD còn lại sẽ trả nốt khi bà Quế Anh đã được ký hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư.

Từ thời điểm đặt cọc cho đến nay đã hơn 5 tháng, quá thời gian như đã thỏa thuận với bà Thu nhưng bà Quế Anh vẫn chưa ký được hợp đồng để mua nhà với chủ đầu tư. Bà Quế Anh đã nhiều lần liên hệ điện thoại nhắc nhở bà Thu thực hiện cam kết nhưng bà Thu vẫn khất lần không thực hiện.

Qua điện thoại, PV Dân trí đã liên hệ được với bà Nguyễn Thị Thu để làm rõ sự việc. Bà Nguyễn Thị Thu đã tìm đến tòa soạn báo Dân trí cho biết, bà chỉ là người môi giới nhà đất có văn phòng tại số 63 đường Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bà Thu thừa nhận đã ký hợp đồng đặt cọc và đã nhận số tiền trên của bà Quế Anh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này bà Thu không thể trả được số tiền đã nhận đặt cọc của bà Quế Anh, cũng như việc bà Thu giới thiệu bà Quế Anh mua đất tại Dự án Ciputra chỉ là đất “vịt giời”.

Ngày 12/9, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc này.

Vừa qua Dân trí đã đưa tin về việc “cò đất rởm” tại khu đô thi Ciputra liên quan đến việc bà Quế Anh mua đất của bà Thu, ông có nhận định như thế nào về giao dịch này?

Theo tôi, về bản chất giao dịch dân sự giữa bà Nguyễn Thị Thu và bà Quế Anh trong trường hợp này là giao dịch đặt cọc được thể hiện bằng hợp đồng đặt cọc ngày 11/03/2011.

Mục đích đặt cọc là nhằm thực hiện chuyển nhượng căn biệt thự tại khu đô thị ciputra. Tuy nhiên trên thực tế người nhận đặt cọc lại không có đất còn người đặt cọc cũng “lờ mờ” về điều này.

Đối tượng hợp đồng chính là căn biệt thự tại khu đô thị Ciputra, không xác định. Như vậy, hợp đồng đặt cọc này được coi là có đối tượng không thể thực hiện được, bởi trên thực tế bà Thu không hề có căn biệt thự nào tại khu đô thị Ciputra (đối tượng để thực hiện hợp đồng không có). Do đó hợp đồng đặt cọc giữa bà Thu và bà Quế Anh vô hiệu theo quy định tại điều 411 Bộ luật dân sự 2005.

Hà Nội: “Cò” đất rởm tại Ciputra có thể phạm tội hình sự - 2

Hợp đồng đặt cọc mua đất "vịt giời" tại Ciputra mà bà Quế Anh là nạn nhân.
 (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

 Trong trường hợp hợp đồng vô hiệu thì hậu quả pháp lý sẽ như thế nào?

Hợp đồng đặt cọc vô hiệu sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định của hợp đồng. Và các bên có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Cụ thể trong trường hợp này bà Thu phải hoàn trả lại cho bà Quế Anh khoản tiền đã nhận là 20.000 USD. Đồng thời bà Thu phải bồi thường thiệt hại cho bà Quế Anh, bởi lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu được xác định bởi lỗi của bà Thu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận hoặc xác định theo thiệt hại xảy ra.

Trong trường hợp bà Thu không thể trả lại tiền cho bà Quế Anh thì sự việc giải quyết như thế nào?

Để đảm quyền lợi cho mình bà Quế Anh có thể viết đơn tố cáo bà Thu gửi tới cơ quan công an.

Vấn đề ở đây là bà Quế Anh sẽ tố cáo bà Thu về tội gì?

Theo như những thông tin mà bà Quế Anh đưa ra là bà Thu đã sử dụng những thủ đoạn gian dối để tạo niềm tin và nhận tiền cọc bán cái mà mình không có thì có thể coi đây là hành vi "lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, đó chỉ là lời nói của bà Quế Anh, không có chứng cứ chứng minh, nên chưa đủ cơ sở để xác định rằng hành vi của bà Thu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xét theo hợp đồng mà các bên đã ký kết, hành vi của bà Thu đến ngày hôm nay vẫn không có khả năng trả lại tiền thì có thể xác định là có dấu hiệu phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đó là hành vi nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ.

Ngày 8/9/2011, Báo Điện tử Dân trí có công văn Số 41/BBĐ-2011 chuyển đơn của bà Vũ Thị Quế Anh đến Văn phòng Cơ quan Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm, để hai cơ quan trên xem xét, giải quyết nội dung tố cáo của bà Quế Anh theo quy định của pháp luật.
 
Vũ Văn Tiến (thực hiện)