Bạn đọc viết:

Hà Nội có còn là của người Hà Nội?

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều sau khi đọc bài viết Em không bao giờ quay lại Hà Nội du lịch nữa! của ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng như một số ý kiến của bạn đọc được Dân trí đăng tải. Nhân đây tôi xin chia sẻ vài điều về một Hà Nội trong trái tim tôi.

Nếu nói một cách chính xác thì tôi là một đứa con của miền Nam: sinh ra, lớn lên và sống ở Sài Gòn đã hơn 20 năm, những điều tôi được biết về Hà Nội thân thương chỉ là qua lời kể của ông bà, cha mẹ và họ hàng của tôi (là những người Hà Nội gốc), qua báo đài và vài lần ra thăm Hà Nội.

Cứ mỗi lần nhớ lại lần ra thăm Hà Nội đầu tiên thì những kỉ niệm khó quên lại sống động tái hiện lại trong tôi như một cuộn phim. Tôi thăm Hà Nội lần đầu tiên là vào đầu năm lớp 12. Tôi muốn đi thăm họ hàng, đi tham quan Văn Miếu để lấy hên, và hơn nữa, tôi muốn một lần trong đời ra thăm Bác Hồ. Biết bao tình cảm thân thương, biết bao những háo hức ngóng trông và những đêm không ngủ, thao thức tưởng tượng lên một Hà Nội bằng xương bằng thịt, một Hà Nội hào hùng và yêu dấu của mọi người trong gia đình tôi sẽ như thế nào. Càng háo hức bao nhiêu thì thực tế lại càng khó chấp nhận bấy nhiêu. Hà Nội, như bao thành phố lớn khác, gắn liền với nhịp sống hối hả, bận rộn, chen chúc và xô bồ. Tôi mạn phép đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội ngày nay kém phần thanh lịch hơn như ngày xưa (nếu như những miêu tả về một Hà Nội thanh lịch xưa của các nhà sử học, văn hóa học về Hà Nội là đúng).

 

Tôi chỉ xin kể một câu chuyện như sau:

Tôi viếng thăm Văn Miếu Quốc tử giám vào một ngày rất đông các bạn học sinh đến xin may mắn. Khói nhang nghi ngút xộc vào mũi và khuôn viên của Văn Miếu chật ních người chen nhau khấn vái. Tôi bước vào trong nơi có đoàn nghệ thuật đang chuẩn bị biểu diễn. Vốn rất thích xem biểu diễn âm nhạc dân tộc nên tôi nán lại và chọn một chiếc ghế trống gần những nghệ sĩ nhất để xem cho rõ. Khi những dãy ghế được lấp kín bởi khán giả (đa phần là các bạn học sinh và vài khách quốc tế), các nghệ sĩ bắt đầu biểu diễn. Tiếng réo rắt của đàn Tơ-rưng, tiếng sáo, tiếng đàn ống, v.v… hòa quyện vào nhau tấu lên những âm hưởng của nhạc điệu dân tộc làm tôi có cảm giác lưng lưng và tự hào về nền âm nhạc và văn hiến của đất nước.

 

Cảm giác hưng phấn chẳng kéo dài được bao lâu khi tôi nhận thấy chỗ ngồi “xịn” lại khiến tôi khó xử, khi một nữ nhạc công ngừng biểu diễn và nhấc lấy một cái giỏ có đề “Tip for artists” và đi khắp phòng, và dĩ nhiên, chỗ ngồi của tôi là nơi dừng chân đầu tiên của người nghệ sĩ ấy. Thoạt tiên là một chút bất ngờ (tôi chưa bao giờ thấy các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cổ điển hay nhạc dân tộc đi đến tận nơi để “xin tiền” bao giờ cả), và sau đó là sự bối rối vì tôi chợt nhận ra rằng trong túi chỉ vừa đủ tiền để đi xe buýt. Như để “chữa cháy”, tôi lim dim mắt và nhịp tay nhè nhẹ lên đùi theo âm phách, cố bắt chước lại cho thật tự nhiên cái thói quen tôi hay có khi đi nghe nhạc ở Nhạc viện hay Nhà hát lớn thành phố. Tưởng đã thoát nạn, ai ngờ khi vừa kết thúc biểu diễn xong, một nghệ sĩ đã đứng tuổi (chơi đàn Tơ-rưng) liền bỏ nhạc cụ xuống, đi nhanh tới đứng áng ngữ ở lối ra vào, trên tay là cái giỏ “Tip for artists” như tôi vừa kể trên. Khách thưởng thức phần lớn là sinh viên, học sinh làm gì có nhiều tiền mà người nghệ sĩ ấy lại có thể thốt lên được câu: “Ơ! Thế các cháu không thưởng cho nghệ sĩ à!?” với vẻ mặt rất cau có. Thiết nghĩ, những người nghệ sĩ kia nên ứng xử một cách phù hợp hơn, đặc biệt khi ở chỗ tôn nghiêm, văn hóa như Văn Miếu. Ngay buổi chiều đó tôi về nhà, lòng buồn rười rượi và chỉ muốn về Sài Gòn cho thật nhanh.

 

Về sau này mỗi khi có dịp kể những chuyện tếu lâm về Hà Nội, tôi vẫn thường mang câu chuyện “thoát nạn ở Văn Miếu Quốc tử giám” để kể cho mọi người. Câu chuyện này cũng khiến tôi suy nghĩ: liệu Hà Nội có còn là của người Hà Nội? Như Sài Gòn hay những thành phố lớn khác (trong nước và ngoài nước), hiện tượng di dân vào các thành phố lớn từ các địa phương lân cận để kiếm sống là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Điều này có cả mặt lợi lẫn mặt hại. Mặt lợi là nguồn lao động giá rẻ, trẻ từ khắp nơi đổ vào sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhân công trong xây dựng, buôn bán và các lĩnh vực kinh tế hay công nghiệp khác. Nếu thiếu đi nguồn lao động này, nhu cầu phát triển của thành phố sẽ bị trì trệ. Sinh viên ở tỉnh tốt nghiệp đại học ở Hà Nội ít ai quay trở về quê để làm việc hay kiếm ăn, mà họ thường ở lại Hà Nội làm việc một thời gian trước khi chuyển đi nơi khác thích hợp hơn, hoặc định cư lâu dài ở Hà Nội. Những người này dần trở thành một nhóm những “người Hà Nội mới”, và mang lại cho Hà Nội những giá trị văn hóa, phong tục tập quán địa phương riêng của họ.

 

Tuy nhiên, việc di cư ồ ạt này đã làm quá tải những công trình công cộng (công viên, trường học, bệnh viện, v.v…) ở những thành phố lớn. Ngoài ra, những phong tục, tập quán và lối sống lạc hậu cùng với trình độ văn hóa còn tương đối thấp của dân di cư làm ăn tại Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch nghĩ về Hà Nội như một nơi “bát nháo” như hiện nay. Vậy, Hà Nội có còn là của người Hà Nội?

 

Theo tôi, Hà Nội vẫn là Hà Nội, một thành phố thủ đô xinh đẹp với Hồ Gươm, tháp Bút, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột… và những công trình văn hóa, kiến trúc tiêu biểu vẫn còn sót lại của một thời hào hùng.

Bỏ qua những việc làm đáng lên án, đáng xấu hổ của một số người, thì Hà Nội vẫn quyến rũ, và người Hà Nội chân chính (cả cũ lẫn mới) vẫn rất thanh lịch. Nếu bạn có dịp vào thăm một gia đình người Hà Nội, có lẽ bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên bởi cảm giác ấm cúng và trang nhã trong cách bày biện của họ. Sẽ thật lố bịch và không tưởng khi nghĩ rằng chỉ qua một đêm là có thể “biến” những người đang sinh sống ở Hà Nội thành những người Tràng An thanh lịch và duyên dáng. Chuyện gì cũng cần có thời gian, và tôi cũng không khuyến khích một việc làm như vậy. Chúng ta không thể ép buộc những người từ địa phương khác trở thành người Tràng An được bởi đơn giản vì họ không phải người Tràng An; nhưng chúng ta có thể mong đợi ở họ trở thành những người Hà Nội chân chính, những người có văn hóa. Hà Nội luôn luôn là của người Hà Nội, và luôn luôn là của người dân Việt Nam.

 

Hiệu Nguyên