Hà Nội: Bị thu hồi đất giao cho doanh nghiệp, người dân khiếu nại yêu cầu làm rõ uẩn khúc
(Dân trí) - Báo Điện tử Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của ông Nguyễn Văn Hường và bà Phạm Thị Hằng (trú tại Thôn Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho rằng có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thu hồi 2.235m2 đất tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì giao cho doanh nghiệp xâm phạm nghiêm trọng đến quyền - lợi ích hợp pháp của công dân.
Đơn kêu cứu cho biết: ông Hường, bà Hằng là người đã nhận chuyển nhượng và sử dụng hợp pháp đối với các thửa đất số 237, 240 và một phần các thửa đất 239, 285, tờ bản đồ số 24, tỷ lệ 1/1000 đo vẽ năm 1994 tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ hộ ông Đào Tăng Y, bà Nguyễn Thị Ngọt năm 2002, 2003 và của ông Nguyễn Đình Sơn năm 2007, bà Nguyễn Thị Minh, bà Trần Thị Nội năm 2010, 2011. Gia đình ông Hường đã sinh sống ổn định trên thửa đất này, không ranh chấp với bất cứ ai trong suốt thời gian mười mấy năm qua.
Khi có Quyết định 3790/QĐ-UBND ngày 23/8/2012 của UBND TP Hà Nội “về việc thu hồi 2.235m2 đất tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì; cho Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ và đầu tư Phú Hòa thuê để xây dựng Khu dịch vụ, đào tạo nhân sự cao cấp và văn phòng làm việc”, ông Hường bà Hằng đều rất ủng hộ chủ trương trên của TP Hà Nội, sẵn sàng chấp hành việc thu hồi đất của nhà nước.
Đơn kêu cứu gửi Báo Dân trí của ông Nguyễn Văn Hường.
Tuy nhiên, ngày 18/03/2016, UBND quận Nam Từ Liêm liên tiếp ban hành Quyết định số 947/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và Quyết định 962/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án trên mà không xem xét phê duyệt các khoản bồi thường về đất và không hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với gia đình ông Hường. Ngày 19/05/2016, UBND quận Nam Từ Liêm tiếp tục ban hành Quyết định số 2495/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án. Không đồng ý với Quyết định thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất và phương án bồi thường nêu trên, ông Hường đã có Đơn khiếu nại gửi tới UBND quận Nam Từ Liêm.
Ngày 01/7/2016, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành Quyết định số 3651/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Hường, theo đó vẫn quyết định giữ nguyên Quyết định số 947/QĐ-UBND về việc thu hồi đất; Quyết định 962/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết và Quyết định số 2495/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Khu dịch vụ, đào tạo nhân sự cao cấp và văn phòng làm việc tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Theo ông Hường cho biết thì Quyết định số 3651/QĐ-UBND cho rằng: diện tích đất của gia đình ông là đất nông nghiệp không giao theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ nên không bồi thường về đất, không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm là không đúng với quy định của pháp luật, không đúng với thực tế sử dụng đất, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nhâm Mạnh Hà (công ty Luật TNHH Đông Hà Nội) cho rằng việc xác định đây là đất công ích nên không bồi thường về đất và không hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân là chưa thoả đáng, bởi lẽ:
Căn cứ theo tờ bản đồ số 24, đo đạc năm 1994 tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội và Sổ mục kê năm 1994 của xã Mễ Trì thì các thửa đất của gia đình ông Hường là loại đất nông nghiệp. Từ năm 1982 đến ngày 01/4/1999, thực hiện khoán 10, các hộ gia đình được Hợp tác xã 1/5 Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì giao ruộng để sản xuất nông nghiệp.
ông Hường cho rằng có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thu hồi 2.235m2 đất của gia đình ông giao cho doanh nghiệp.
Năm 1999, khi thực hiện giao đất theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 thì các hộ gia đình được Hợp tác xã giao đất khoán 10 vẫn sử dụng diện tích đất này, thế nhưng UBND xã Mễ Trì lại đưa diện tích các thửa đất trên vào quy hoạch đất giãn dân, khiến các hộ gia đình không được giao đất và không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Thực tế, từ năm 1999 đến nay UBND xã Mễ Trì (nay là UBND phường Mễ Trì) không quản lý, sử dụng các thửa đất này, mà vẫn do các hộ gia đình được Hợp tác xã giao đất khoán 10 (sau này chuyển nhượng cho ông Hường bà Hằng) sử dụng ổn định, không có tranh chấp đến nay.
Việc UBND xã Mễ Trì không quản lý, sử dụng các thửa đất này nhưng lại đưa vào quy hoạch đất giãn dân là không phù hợp với nguyên tắc: giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên cơ sở hiện trạng Hợp tác xã nông nghịêp đang giao khoán, đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ và đoàn kết nông thôn theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp (Ban hành kèm theo Nghị định số 64-CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ); khoản 4, Mục I, Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định vào mục đích sản xuất nông nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 1615/QĐ-UB ngày 12 thánh 6 năm 1995 của UBND Thành phố Hà Nội).
Mặt khác, trước và sau khi UBND xã Mễ Trì “âm thầm, lặng lẽ” đưa các thửa đất nêu trên vào quy hoạch đất giãn dân, thì các hộ gia đình được Hợp tác xã giao đất (và sau này là gia đình ông Hường nhận chuyển nhượng các thửa đất trên) đều không nhận được bất kỳ Quyết định thu hồi đất hoặc Quyết định điều chỉnh diện tích đất nêu trên, bổ sung vào quỹ đất công ích của xã Mễ Trì (nay là phường Mễ Trì) theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Quyết định số 36/1998/QĐ-UB ngày 17/9/1998 của UBND TP Hà Nội. Như vậy, các thửa đất của gia đình ông Hường có nguồn gốc là đất nông nghiệp, được quản lý, sử dụng ổn định, không có tranh chấp với ai, càng không phải là đất công ích (đất giãn dân) theo đúng quy định pháp luật.
Trên thực tế, nếu Nhà nước không thu hồi để thực hiện dự án xây dựng khu dịch vụ đào tạo nhân sự cao cấp và Văn phòng làm việc và không thu hồi phục vụ nhu cầu giãn dân của xã Mễ Trì trước đây, thì các hộ gia đình nơi đây đã được cấp GCNQSDĐ theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 20 Nghị định 43/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ: hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp từ trước ngày 01/07/2004, nay được UBND xã xác nhận là đất không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật đất đai, diện tích đất nông nghiệp còn lại (nếu có) phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước”.
Rõ ràng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật đất đai 2013 về điều kiện được bồi thường về đất: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp…” thì gia đình ông Hường đủ điều kiện để được bồi thường về đất. Họ phải được công nhận quyền sử dụng đất và phải được bồi thường về đất phù hợp với quy định nêu trên.
Ông Hường cho biết, ngày 28/06/2016, gia đình ông có nhận được báo cáo của Thanh tra quận Nam Từ Liêm về việc xem xét, xác minh đơn khiếu nại của các hộ dân phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Báo cáo này đã khẳng định Giấy xác nhận của UBND phường Mễ Trì xác nhận người sử dụng đất là UBND phường Mễ Trì là không đúng; báo cáo còn khẳng định việc khiếu nại Quyết định thu hồi đất số 947/QĐ-UBND, Quyết định số 941/QĐ-UBND và Quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 18/03/2016 của UBND quận Nam Từ Liêm là có cơ sở.
Các quyết định thu hồi đất, đền bù của UBND quận Nam Từ Liêm bị người dân phản ứng.
Sau khi được biết nội dung báo cáo của cơ quan Thanh tra, gia đình ông rất tin tưởng và hy vọng sẽ được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, khi quyền lợi của gia đình ông còn chưa được xem xét thỏa đáng, thì rất bất ngờ chiều ngày 27/07/2016, gia đình ông Hường nhận được thông tin UBND quận Nam Từ Liêm đã cho người xuống dán trước cửa nhà ông Thông báo 357/TB-UBND về việc sẽ tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất vào ngày 01/08/2016 đối với diện tích đất và tài sản trên đất của gia đình ông.
Việc UBND quận Nam Từ Liêm sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất chỉ sau 3 ngày kể từ ngày dán thông báo và cũng không hề giao Thông báo cho gia đình ông Hường cũng như những người liên quan khác khiến cho cả gia đình hết sức hoang mang, lo lắng, tâm lý suy sụp. Ông Hường cho biết: “Diện tích bị thu hồi là thửa đất duy nhất mà cả gia đình tôi đã sinh sống, làm ăn ổn định suốt mười mấy năm qua, kể từ ngày nhận chuyển nhượng. Do những sai phạm trong việc xác định nguồn gốc đất nên khi thu hồi đất gia đình đã không được bồi thường về đất, không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm. Nay nếu UBND quận Nam Từ Liêm kiên quyết thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất theo phương án bồi thường đã được phê duyệt – một phương án không phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn sử dụng đất, sẽ đẩy cuộc sống của chúng tôi lâm vào cảnh khốn cùng, không còn nhà để ở, không còn kế sinh nhai. Chúng tôi hoàn toàn tán thành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc thu hồi đất để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên khi thu hồi đất thì cần xác định đúng nguồn gốc đất để có phương án bồi thường đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật, không đẩy người dân chúng tôi đến cảnh khốn cùng mảnh đất cắm dùi không có, vợ chồng con cái chúng tôi biết dắt díu nhau đi đâu, về đâu bây giờ, lấy gì để sinh sống đây?”
Luật sư Nhâm Mạnh Hà cho rằng: “Rõ ràng còn rất nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ liên quan đến một dự án thu hồi đất mà người dân đã sinh sống ổn định, không tranh chấp từ rất lâu để giao cho một doanh nghiệp là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ và đầu tư Phú Hòa thuê để xây dựng Khu dịch vụ, đào tạo nhân sự cao cấp và văn phòng làm việc, nhưng lại không bồi thường về đất và không hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, không xem xét vấn đề tái định cư cho người bị thu hồi đất”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đế bạn đọc.
Anh Thế