Bài 3:

Hà Nội: Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình trả lời dân, luật sư phản biện!

(Dân trí) - Liên quan đến kiến nghị của người dân bị thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng đường Liễu Giai - Núi Trúc (Ba Đình - Hà Nội) với mong muốn được xem xét lại chế độ bồi, tái định cư, Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình đã có văn bản trả lời. Tuy nhiên, luật sư đã căn cứ các quy định pháp luật để đưa ra quan điểm phản biện.

Nguyên vọng của dân bị bác bỏ

Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình vừa có Công văn số 802/BDA do ông Lê Trí Dũng, phó giám đốc ký trả lời các công dân phường Kim Mã.

Theo đó, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Ba Đình nhận được đơn đề nghị của các ông Phạm Văn Viêm, Trần Thị Thọ, Nguyễn Thị Hà do bà Trần Thị Thọ đại diện đề ngày 22/03/2018 có nội dung kiến nghị liên quan đến phương án dự thảo về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thực hiện dự án Xây dựng đường Liễu Giai - Núi Trúc đoạn từ Khách sạn La Thành đến nút Núi Trúc có nội dung:

Thứ nhất, giá đất bồi thường thấp, chưa sát giá thị trường, hệ số K điều chỉnh chưa phù hợp, đè nghị cử cán bộ làm việc với các hộ để thống nhất hệ số K phù hợp với giá thị trường.

Thứ hai, đề nghị xem xét áp dụng những nghị định khác để các hộ không phải nộp 40% nghĩa vụ tài chính.           

Hà Nội: Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình trả lời dân, luật sư phản biện! - Ảnh 1.
Hà Nội: Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình trả lời dân, luật sư phản biện! - Ảnh 2.

Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình bác bỏ nguyện vọng của người dân.

Thứ ba, đề nghị được biết diện tích căn hộ tái định cư được đền bù theo tiêu chuẩn, khi mua nhà tái định cư phải nộp lệ phí trước bạ không? Sau khi mua nhà tái định cư có được cấp GCN QSH nhà ngay khi nhận hay không? Những văn bản về bảo hành, bảo trì khu tái định cư và những thủ tục hành chính khác do cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Thứ tư, khi không nhận nhà tái định cư mà tự lo nhà ở thì khoản tiền hỗ trợ có phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay không? Đề nghị tăng đơn giá hỗ trợ nếu không lấy nhà tái định cư.

Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trả lời công dân như sau:

Thứ nhất, dự thảo phương án bồi thương, hỗ trợ và tái định cư quận đã áp dụng bồi thường, hỗ trợ về đất theo đúng quyết định số 2337/QĐ-UBND ngày 13/5/2016 của UBND thành phố.

Đối với nội dung cử cán bộ làm việc với các hộ dân để thống nhất hệ số K do UBND thành phố đã ban hành hệ số K cho dự án và dự án xây dựng đường Liễu Giai – Núi Trúc đoạn từ Khách sạn La Thành đến nút Núi Trúc (đợt 2) là dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng căn cứ Điều 62 Luật Đất đai 2013, Điều 1 quy định ban hành kèm theo quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội, đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng không phải thực hiện thỏa thuận với các hộ dân.

Thứ hai, về nội dung đề nghị xem xét áp dụng những nghị định khác để các hộ không phải nộp 40% nghĩa vụ tài chính.   

Việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải căn cứ trên các quy định hiện hành. Căn cứ khoản 1, Điều 35, Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 trong phương án bồi thường, hỗ trợ nêu rõ số tiền nghĩa vụ tài chính phải nộp (nếu có).

Ngày 20/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thay thế Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ. Đến nay, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của chính phủ đang có hiệu lực thi hành.

Dự thảo phương án áp dụng Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ làm căn cứ khấu trừ nghĩa vụ tài chính là đúng quy định hiện hành.

Thứ ba, đề nghị được biết diện tích căn hộ tái định cư được đền bù theo tiêu chuẩn, khi mua nhà tái định cư phải nộp lệ phí trước bạ không? Sau khi mua nhà tái định cư có được cấp GCN QSH nhà ngay khi nhận hay không? Những văn bản về bảo hành, bảo trì khu tái định cư và những thủ tục hành chính khác do cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Về vị trí tái định cư: UBND quận Ba đình đã ban hành quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 22/1/2018 ban hành quy chế bắt thăm căn hộ tái định cư để thực hiện dự án xây dựng đường Liễu Giai - Núi Trúc đoạn từ Khách sạn La Thành đến nút Núi Trúc ( đợt 2), quy chế đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường Kim Mã. Theo đó các hộ dân thuộc dự án được bố trí tái định cư tại khu nhà 30T1 thuộc lô đất A14 khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Căn hộ tái định cư có diện tích lớn nhất là 82,8 m2 và căn hộ tái định cư có diện tích nhỏ nhất là 50 m2.

Theo đó, giá bán đất nhà tái định cư được xác định từ 17.803.000đ/m2 đến 24.946.000đ/mtùy từng vị trí căn hộ tái định cư.

Sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định bán nhà tái định cư, Quyết định bán nhà tái định cư sẽ được bàn giao đến các hộ gia đình theo quy định các hộ gia đình sẽ được hướng dẫn liên hệ với đơn vị quản lýquỹ nhà tái định cư để được hướng dẫn làm thủ tục mua nhà và nộp các khoản nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Hà Nội: Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình trả lời dân, luật sư phản biện! - Ảnh 3.

Gia đình ông Viêm có Quyết định số 38a/QĐ ngày 25/12/1992 của Viện khoa học các hợp chất thiên nhiên - Viện khoa học Việt Nam về việc thanh lý nhà ở số B9B Khu tập thể UB KH kỹ thuật Nhà nước cho ông Bùi Cao Thưởng - là người chuyển nhượng toàn bộ nhà đất này cho ông Viêm.

Thứ tư, khi không nhận nhà tái định cư mà tự lo nhà ở thì khoản tiền hỗ trợ có phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay không? Đề nghị tăng đơn giá hỗ trợ nếu không lấy nhà tái định cư.

Ngày 8/11/2016, UBND thành phố ban hành Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND phê duyệt hỗ trợ tự lo tái định cư bằng tiền đối với trường hợp được bố trí nhà tái định cư trong đó mức hỗ trợ được tính bằng 6.800.000đ/m2. Hiện nay quyết định vẫn đang có hiệu lực do vậy kiến nghị của các hộ tăng giá hỗ trợ là không có cơ sở xem xét.

Luật sư phản bác trả lời của Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình

Liên quan đến nội dung trả lời công dân của Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình, luật sư Phan Thị Lam Hồng, Giám đốc Công ty luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã đưa ra các căn cứ pháp luật để phản bác.

Luật sư Hồng cho rằng: "Về giá đất, theo thông tin các hộ dân cung cấp thì giá đất chuyển nhượng thực tế tại khu vực ngõ 294 đường Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội giao động từ 150 triệu đồng – 180 triệu đồng.

Căn cứ Điều 10 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 thì hệ số điều chỉnh giá đất được xác định căn cứ vào giá đất phổ biến trên thị trường, điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương và giá đất trong bảng giá đất.

Do đó, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Ba Đình đã căn cứ vào Quyết định 2337/QĐ-UBND ngày 13/6/2016 phê duyệt hệ số điều chỉnh, giá đất cụ thể năm 2016 với hệ số K là 1,69 để áp dụng giá đất bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình là chưa phù hợp với giá đất chuyển nhượng trên thị trường hiện nay.

Trước đó, tại Quyết định 5499/QĐ-UBND ngày 11/9/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện 15 Dự án trên địa bàn quận Ba Đình trong đó có Dự án xây dựng đường Liễu Giai – Núi Trúc, đoạn từ Khách sạn La Thành đến Núi Trúc (giai đoạn 2) thì từ năm 2013 hệ số K đã là 2,0. Đến nay, khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 2050/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2017 đối với quận Ba Đình thì hệ số K là 2,1.

Rõ ràng, qua các năm hệ số điều chỉnh giá đất có sự biến đổi và ngay từ năm 2013 hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng cho Dự án này đã là 2,0, đến nay theo Quyết định số 2050/QĐ-UBND quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2017 đã là 2,1 vậy mà UBND quận Ba Đình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ gia đình vẫn áp dụng hệ số điều chỉnh năm 2016 là chưa phù hợp với giá đất trên thị trường và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương".

Hà Nội: Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình trả lời dân, luật sư phản biện! - Ảnh 4.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng đưa ra các căn cứ pháp luật phản bác trả lời của Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình.

Theo luật sư Hồng, về vấn đề nghĩa vụ tài chính, căn cứ Khoản 1 Điều 100 Luật đất đai 2013 thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất, trong đó có: "Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật".

Căn cứ khoản 5 Điều 98 Luật đất đai 2013 quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:"Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có".

Bên cạnh đó, ngày 04/01/2005, Bộ Tài chính đã có Công văn số 06 TC/QLCS trả lời Cục Thuế thành phố Hà Nội về thu tiền sử dụng đất đối với đất ở trước ngày 15/10/1993 như sau: "Trường hợp nhà ở, đất ở do các cơ quan tự quản lý được hình thành trước ngày 15/10/1993, đã tự thanh lý (không đúng theo quyết định của Nhà nước) hoặc các hộ gia đình đã tự cải tạo, xây dựng. Đến nay các trường hợp này không còn cơ quan tự quản nên không bán nhà theo Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994, nếu được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không phải nộp tiền sử dụng đất".

Như vậy, đối với phần diện tích đất được phân theo các Quyết định của Viện Khoa học Nhà nước và phần đất các gia đình cơi nới thêm, sử dụng ổn định và không tranh chấp đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất.

Về vấn đề tái định cư, luật sư Hồng cho rằng: Theo thông tin các hộ dân tại phường Kim Mã cung cấp, khu nhà tái định cư tại 30T1KĐT Nam Trung Yên hiện đang xây dựng phần thô, chưa hoàn thiện, chưa qua kiểm định về chất lượng nên chưa có cơ sở để xem xét, đánh giá căn hộ tái định cư trên có đảm bảo đủ điều kiện về xây dựng, vận hành khi được đưa vào sử dụng theo quy định hay không vì thế các hộ gia đình chưa đồng ý bốc thăm căn hộ tái định cư tại thời điểm Hội đồng BT HTTĐC gửi Thông báo về việc tham gia bốc thăm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm