Góc nhìn từ vụ việc “người vàng” Phúc XO: Cứ có bệnh là được giảm án?

(Dân trí) - Từng được mệnh danh là "người đeo nhiều vàng nhất Việt Nam", Phúc XO phải nhận 12 năm tù vì chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy, sau đó vì lý do bệnh tật nên Phúc đã được giảm xuống còn 10 năm tù.

Ngày 6/11, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” đối với "người vàng" Trần Ngọc Phúc (Phúc XO, SN 1983, ngụ Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh).

Phiên tòa phúc thẩm được xét xử theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Phúc và 4 đồng phạm. Có 3 đồng phạm khác trong vụ án này cũng xin được hưởng án treo

Sau khi xem xét, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của Phúc XO, tuyên giảm án cho bị cáo này từ 12 năm tù xuống còn 10 năm tù.  HĐXX phúc thẩm nhận định, Phúc XO bị teo cơ chân, không thể đi lại được, Phúc đã nộp xong tiền phạt bổ sung nên chấp nhận giảm án cho bị cáo.

Trước đó, ngày 17/6, TAND TP Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Phúc XO 12 năm tù về tội “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”. Các đồng phạm của Phúc bị tuyên án từ 9 tháng đến 8 năm tù cho ba tội danh “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”, “tàng trữ trái phép chất ma tuý” và “không tố giác tội phạm”.

Góc nhìn từ vụ việc “người vàng” Phúc XO: Cứ có bệnh là được giảm án? - 1

Phúc XO trước khi bị bắt

Phúc XO từng gây chú ý trong dư luận khi chính miệng mình kể về câu chuyện tuổi thơ nghèo khó và đã vượt lên làm giàu. Trên mạng xã hội, Phúc cũng khiến nhiều người trầm trồ vì đeo dây chuyền, lắc, nhẫn tổng cộng 13 kg vàng. Tuy nhiên, sau đó Phúc khai tất cả chỉ là vàng giả, Phúc đeo nhằm mục đích quảng cáo cho quán karaoke.

Cứ có bệnh là được giảm án?

Trước thông tin này, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi như vậy.

Nhận định sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định, TAND cấp cao tại TP.HCM giảm án cho Phúc và các đồng phạm là hợp lý và có cơ sở, bởi lẽ pháp luật không có quy định cụ thể về trường hợp bị cáo ốm đau, bệnh tật thế nào thì sẽ được giảm án. Căn cứ để giảm nhẹ một phần bản án tại Toà án cấp phúc thẩm sẽ căn cứ vào quy định chung của pháp luật về căn cứ quyết định hình phạt mà Bộ luật hình sự đã quy định.

Theo Điều 50 Bộ Luật hình sự năm 2015 về Căn cứ quyết định hình phạt đã nêu rõ:

1. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

2. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.

Tại khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.”

Góc nhìn từ vụ việc “người vàng” Phúc XO: Cứ có bệnh là được giảm án? - 2
Phúc XO (áo xanh-ngồi) tại tòa

Theo quy định trên thì Toà án chỉ có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung nhẹ hơn liền kề trước hoặc liền sau đó của điều luật, nếu có ít nhất là hai tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS 2015. Tức là trong số các tình tiết giảm nhẹ được vận dụng thì ít nhất phải có hai tình tiết được luật quy định, đồng thời giới hạn hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt phải trong phạm vi của khung hình phạt nhẹ hơn liền trước hay liền sau của khung đó.

Một trong những chức năng quan trọng nhất của luật hình sự là chống và phòng ngừa tội phạm. Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, trong quá trình quyết định hình phạt ngoài vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì cũng cần xem xét những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ để cân nhắc khi quyết định hình phạt đối với bị cáo và để đảm bảo nguyên tắc nhân đạo.

Bởi vậy, khi bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả và có những hoàn cảnh đặc biệt, éo le, có những tình tiết mới tại giai đoạn phúc thẩm thì tòa án có thể căn cứ vào đó để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Hình phạt dù 10 năm hay 12 năm thì mục đích cuối cùng cũng chỉ để giáo dục, răn đe đối với bị cáo và phòng ngừa chung. Có lẽ với hành vi của Phúc và các đồng phạm thì mức án như vậy cũng đủ để cho các đối tượng này nhận thức được hành vi phạm tội của mình và để răn đe cho những người khác.

Xin cảm ơn luật sư!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm