Góc nhìn pháp lý vụ thu hồi Giấy Khai sinh tại Sở Tư pháp Hà Nội

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu mẹ của N. chưa làm thủ tục ghi vào sổ hộ tịch thông tin của cháu mà đã đề nghị cấp giấy khai sinh, việc cấp giấy là chưa phù hợp quy định pháp luật.

Như Dân trí thông tin, UBND TP Hà Nội mới đây đã thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh của cháu T.H.N. (SN 2006, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội). Nguyên nhân bởi cháu N. có cha là công dân Trung Quốc, mẹ là người Việt Nam, đã được khai sinh tại Trung Quốc. Khi cháu N. về Việt Nam, Sở Tư pháp Hà Nội đã cấp giấy khai sinh, thực hiện ghi chú khai sinh không đúng quy định tại Điều 55 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ. 

Đối chiếu các quy định của pháp luật, trình tự cấp giấy khai sinh cho công dân có cha hoặc mẹ là người Việt Nam quy định ra sao? Những vướng mắc về pháp lý nào cần được giải quyết để N. có thể được cấp lại giấy khai sinh là thắc mắc của nhiều độc giả Dân trí.

Góc nhìn pháp lý vụ thu hồi Giấy Khai sinh tại Sở Tư pháp Hà Nội - 1

Sở Tư pháp Hà Nội cấp Giấy khai sinh cho cháu T.H.N vào năm 2008 và bây giờ thu hồi, hủy bỏ do "có dấu hiệu trái quy định pháp luật" (Ảnh: Thế Kha).

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo khoản 2 Điều 17 Luật Quốc tịch 1998, với trường hợp trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là người Việt Nam, người kia là người nước ngoài thì được xác định có quốc tịch Việt Nam nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm khai sinh cho con. 

Trong trường hợp khai sinh mang quốc tịch nước ngoài nhưng có mẹ đẻ là công dân Việt Nam, căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật này, người đó thuộc trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam dù có thể không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Quốc tịch 1998. 

Theo quy định tại Điều 4 và Điều 15 Luật này, người được nhập quốc tịch Việt Nam là người được xác định có quốc tịch Việt Nam. Người có quốc tịch Việt Nam được coi là công dân Việt Nam. 

Theo khoản 1 Điều 55 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ, công dân Việt Nam đã đăng ký khai sinh, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài khi về nước thường trú phải làm thủ tục ghi vào sổ hộ tịch theo quy định tại Mục này. 

Đối chiếu trường hợp trên, có thể thấy N. được coi là công dân Việt Nam dù có thể khai sinh mang quốc tịch Trung Quốc. Do việc đăng ký khai sinh của cháu được thực hiện tại nước ngoài nên khi về nước thường trú phải làm thủ tục ghi vào sổ hộ tịch theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

Nếu mẹ của N. không thực hiện đúng quy trình tại Điều 55 Nghị định 158/2005/NĐ-CP như thông tin được Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cung cấp, việc đăng ký khai sinh tại Việt Nam cho cháu là chưa phù hợp quy định. Khi đó, có cơ sở để xem xét thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh cấp sai quy định. 

"Trường hợp này, với việc quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh của UBND TP Hà Nội đã được ban hành, các cơ quan chức năng và gia đình cần chung tay phối hợp giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi, tránh việc đỗ lỗi qua lại mà gây mất thời gian, thiệt thòi cho cháu. Việc đăng ký khai sinh lại cho cháu sẽ được thực hiện theo các hướng dẫn tại Luật Hộ tịch 2014, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư số 04/2020/TT-BTP", luật sư nhấn mạnh.