Góc nhìn pháp lý vụ người đàn ông lừa hơn 100 tỷ trong lúc tại ngoại

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu trong giai đoạn đặt tiền để bảo lãnh mà bị can tiếp tục phạm tội, họ sẽ bị tạm giam trở lại, đồng thời tịch thu số tiền bảo lãnh để nộp ngân sách Nhà nước.

TAND Cấp cao tại TPHCM mới đây đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Quý (57 tuổi, ở Bình Dương) và đồng phạm về các tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Theo hồ sơ vụ án, năm 2014, ông Quý bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan tới hành vi gian dối trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngày 1/9/2015, bị cáo được tại ngoại. 

Ngày 29/10/2016, ông Quý tiếp tục bị tạm giam, tới ngày 8/2/2018 được tại ngoại lần 2. Trong giai đoạn tại ngoại, người này tiếp tục lừa thêm 124 bị hại với tổng số tiền khoảng hơn 109 tỷ đồng. Ngày 28/12/2020, ông Quý bị bắt tạm giam tới nay. 

Từ sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi về việc người phạm tội tiếp tục vi phạm pháp luật trong thời gian bị tạm giam có thể bị áp dụng chế tài xử lý ra sao theo quy định của pháp luật? 

Góc nhìn pháp lý vụ người đàn ông lừa hơn 100 tỷ trong lúc tại ngoại - 1

Bị cáo Nguyễn Văn Quý (Ảnh: Xuân Duy).

Luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, các biện pháp ngăn chặn có thể thực hiện đối với người phạm tội bao gồm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh.

Theo Điều 119 Bộ luật này, biện pháp tạm giam có thể áp dụng đối với người phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng sẽ bị tạm giam nếu thuộc một trong các trường hợp như đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu phạm tội; không có nơi cư trú rõ ràng hay bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã... 

Đối với phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu hoặc người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng, cơ quan tố tụng sẽ không áp dụng biện pháp tạm giam, trừ các trường hợp như tiếp tục phạm tội; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hay có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối... 

Về thời hạn tạm giam, theo Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn tạm giam lần đầu đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tối đa là 4 tháng, có thể gia hạn tối đa 3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam, Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.

Theo quy định của pháp luật, người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam. Trong quá trình vụ án được giải quyết, tùy thuộc các tình tiết phát sinh, họ có thể được áp dụng biện pháp "đặt tiền để bảo đảm" thay cho biện pháp tạm giam. 

Góc nhìn pháp lý vụ người đàn ông lừa hơn 100 tỷ trong lúc tại ngoại - 2

Một đồng phạm khác của ông Quý trong vụ án (Ảnh: Xuân Duy).

Để được tại ngoại, bị can phải cam kết các nội dung gồm: Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội hay Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật...

Trường hợp bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì bị tạm giam và số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

Như vậy, đối với trường hợp người phạm tội bị tạm giam, họ có quyền đặt tiền để bảo đảm để thay thế biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tại ngoại mà tiếp tục phạm tội, họ sẽ bị tạm giam trở lại và tịch thu số tiền đã nộp để đưa vào ngân sách Nhà nước. 

Về việc áp dụng tình tiết "tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm", do người bị tạm giam phạm tội tại thời điểm vụ án chưa được giải quyết bằng bản án có hiệu lực của tòa án, họ không thuộc trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm theo Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, không có cơ sở để áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này. 

Tuy nhiên, có thể xem xét áp dụng tình tiết "phạm tội 02 lần trở lên" theo khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 đối với trường hợp hành vi phạm tội được thực hiện nhiều lần, đối với nhiều bị hại trong vụ án.