Góc nhìn pháp lý vụ cô gái bị giết trong nhà nghỉ

Hoài Sơn

(Dân trí) - Nghi phạm đâm chết bạn gái rồi tự tử đã được Công an Đà Nẵng khởi tố để điều tra. Nếu kết quả cho thấy nghi can phạm tội với động cơ đê hèn thì mức án cao nhất là tử hình.

Liên quan đến vụ án mạng xảy ra trong một nhà nghỉ ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) gây xôn xao dư luận, Công an thành phố Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Phan Văn Minh (27 tuổi, trú xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) về tội Giết người.

Minh là nghi can đã ra tay sát hại chị Y.H. (23 tuổi, trú huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Nguyên nhân ban đầu được cho là do mâu thuẫn tình cảm nên Minh dùng dao đâm bạn gái. Vết thương làm nạn nhân tử vong tại chỗ.

Góc nhìn pháp lý vụ cô gái bị giết trong nhà nghỉ - 1

Công an tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Minh (Ảnh: Công an Đà Nẵng).

Gây án xong, Minh lẩn trốn tại khu vực đồi núi ở xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) và uống thuốc diệt cỏ tự tử nhưng sau đó bị công an bắt và đưa đến bệnh viện điều trị.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hải Nhi - Công ty Luật FDVN cho hay, vụ việc đang được công an làm rõ, chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền nên việc đánh giá là chưa có cơ sở chính xác cuối cùng.

Nếu kết quả điều tra cho thấy nghi can Minh đã dùng dao và đâm nhiều lần vào nạn nhân, dù biết rõ hành vi này sẽ tước đoạt mạng sống của nạn nhân thì đó là hành vi rất tàn nhẫn và đáng lên án.

Góc nhìn pháp lý vụ cô gái bị giết trong nhà nghỉ - 2

Luật sư Hải Nhi - Công ty Luật FDVN (Ảnh: Anh Cao).

Theo luật sư Nhi, về mức hình phạt, thường phải căn cứ trên các tình tiết cụ thể của vụ án, tòa án mới xem xét mức hình phạt cụ thể khi xét xử.

Nếu có các tình tiết định khung như: có tính chất côn đồ, vì động cơ đê hèn... theo khoản 1 Điều 123 Bộ Luật hình sự, bị can có thể phải chịu hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Với các trường hợp khác không thuộc nội dung trên, tùy theo mức độ có thể bị xử phạt từ 7 đến 15 năm tù.

Bên cạnh đó, đối tượng và gia đình phải thực hiện việc bồi thường thiệt hại đã gây ra cho gia đình nạn nhân.

Liên quan đến tình tiết tự tử bất thành sau khi gây án, theo luật sư Nhi, vấn đề này không có ý nghĩa trong đánh giá hình phạt.

Với các cá nhân vẫn còn sống, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có đầy đủ khả năng nhận thức phải chịu hình phạt thích đáng với hành vi xâm phạm đến tính mạng người khác.

Theo luật sư Nhi, diễn biến của việc tự tử bất thành có thể là vấn đề để các cơ quan điều tra xem xét, có ý nghĩa trong việc tìm ra nguyên nhân của vụ án và có cách đánh giá sự việc một cách toàn diện hơn.