Góc nhìn chuyên gia từ việc Hoàng Văn Hưng kháng cáo

PV

(Dân trí) - Luật sư đánh giá, có 2 vấn đề cần xem xét lại để làm rõ trách nhiệm pháp lý của Hưng. Đó là số tiền Hưng nhận từ Tuấn là bao nhiêu, và bên trong chiếc vali "bí ẩn" có thực sự là tiền hay không.

Sau khi phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Chuyến bay giải cứu" khép lại, TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 18 trong số 54 bị cáo, trong đó bao gồm 4 người bị tuyên phạt mức án chung thân gồm Hoàng Văn Hưng (cựu Điều tra viên Bộ Công an), Nguyễn Thị Hương Lan (Cựu Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu Cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an).

Trong số này, Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan còn các bị cáo Lan, Kiên và Tuấn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước khi có kháng cáo, trong suốt thời gian xét xử sơ thẩm, Hưng cũng liên tục kêu oan. Cựu điều tra viên này khẳng định việc cơ quan công tố cáo buộc trong chiếc vali mà Hưng nhận từ ông Nguyễn Anh Tuấn (Cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) chứa 450.000 USD tiền chạy án là không có cơ sở.

Bị cáo phủ nhận quan điểm này và cho rằng VKS không có chứng cứ vật chất để kết tội mình mà chỉ dựa trên lời khai của các bị cáo khác là Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky), Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky). Hưng quả quyết rằng chiếc vali chỉ chứa 4 chai rượu vang.

Với việc Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan, những vấn đề nào trong hồ sơ vụ án sẽ cần được lật lại để xác định lại trách nhiệm pháp lý của bị cáo, là băn khoăn của nhiều độc giả Dân trí?

Góc nhìn chuyên gia từ việc Hoàng Văn Hưng kháng cáo - 1

Bị cáo Hoàng Văn Hưng (Ảnh: Nguyễn Hải).

Những vấn đề xung quanh chiếc vali

Theo dõi sự việc, luật sư Hoàng Ngọc Biên (Nguyên Điều tra viên Hình sự cao cấp Bộ Quốc phòng) đánh giá, xuyên suốt quá trình tham gia phiên tòa sơ thẩm, Hưng và các bị cáo liên quan có lời khai đối lập nhau về chiếc vali. Trong khi Hưng một mực phủ nhận việc nhận tiền thì lời khai của những người còn lại đều trở thành căn cứ chống lại cựu điều tra viên này.

Như vậy, có thể thấy mấu chốt của vấn đề chính là chiếc vali. Do đó, để làm rõ số phận pháp lý của Hưng, có 2 vấn đề mà luật sư Biên cho rằng cần đánh giá lại.

Thứ nhất, đó là số tiền chính xác mà Hưng đã nhận từ Tuấn là bao nhiêu? Và thứ hai, đó là cơ sở để xác định rằng bên trong chiếc vali là tiền thay vì rượu vang như những gì Hưng đã khai nhận.

Về vấn đề thứ nhất, theo luật sư Biên, tài liệu vụ án thể hiện Tuấn là người trực tiếp nhận tiền từ Hằng. Sau đó, với vai trò trung gian, Tuấn khai đã đưa Hưng 2,25 triệu USD. Tuy nhiên, theo cáo buộc của VKS, chỉ có đủ cơ sở để khẳng định số tiền mà Hưng nhận được là 800.000 USD.

"Như vậy, giữa lời khai của bị cáo Tuấn với cáo buộc của VKS tại phiên tòa sơ thẩm đã có sự khác nhau về số lượng tiền. Do đó, tại cấp phúc thẩm, sự mâu thuẫn này cần được tiếp tục làm sáng tỏ.

Vấn đề về việc Tuấn khai đưa Hưng 2,25 triệu USD, nhưng lại chỉ đủ căn cứ khẳng định Hưng nhận 800.000 USD, cần được mổ xẻ, làm rõ ở cấp phúc thẩm

Mỗi sự việc, hành vi phạm tội xảy ra đều có không gian, thời gian, địa điểm rõ ràng. Hành vi được thực hiện có hành vi, động cơ, mục đích và diễn biến cụ thể. Tất cả những vấn đề này đều phải được làm rõ để chứng minh rõ ràng hành vi phạm tội của mỗi cá nhân", luật sư Biên đánh giá.

Góc nhìn chuyên gia từ việc Hoàng Văn Hưng kháng cáo - 2

Luật sư Hoàng Ngọc Biên (Ảnh: H.L).

Về vấn đề thứ hai, diễn biến phiên tòa thể hiện Hưng đã thừa nhận cầm vali, song quả quyết rằng thứ bên trong chỉ là rượu vang để cảm ơn các bác sĩ. Số rượu này đã được gửi cho các bác sĩ, còn chiếc vali không giữ lại nên không biết đã để ở đâu.

Từ vấn đề này, vị nguyên điều tra viên đặt ra hàng loạt câu hỏi xung quanh chiếc vali như tại sao Hằng phải chuyển số tiền khổng lồ cho Hưng qua trung gian là Tuấn mà không đưa trực tiếp? Căn cứ nào để đảm bảo Tuấn đã chuyển đủ tiền cho Hưng? Hay liệu trong quá trình nhờ người đưa hộ, chiếc vali có bị đánh tráo hay không?...

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia hoạt động điều tra, luật sư Biên cho rằng đối với những vụ án có tính chất như trên, các bị cáo buộc phải mô tả tỉ mỉ về các chi tiết của tang vật như kích thước, màu sắc, chất liệu hay nhãn hiệu chiếc vali.

Ngoài ra, cũng cần làm rõ số tiền đó đã được đóng gói, sắp xếp như thế nào? Trọng lượng chiếc vali ra sao, có phù hợp, tương ứng với số tiền mà các bị cáo đã khai hay không?

Đối với Hưng, nếu cho rằng chiếc vali đựng rượu, bị cáo phải trình bày cụ thể, cẩn thận các vấn đề như số lượng rượu trong vali là bao nhiêu, nhãn hiệu gì, nguồn gốc xuất xứ từ đâu hay trọng lượng chiếc vali khi chứa rượu trong khoảng bao nhiêu…

Từ những lời khai này, cần kết hợp các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm chiếc vali, thậm chí là cả số tiền hoặc rượu có trong đó vì đây là chứng cứ vật chất quan trọng để chứng minh hành vi khách quan của tội phạm. Trong trường hợp dù đã áp dụng đầy đủ các hoạt động điều tra truy xét nhưng không có kết quả, có thể thực nghiệm điều tra lại trên các phương tiện, công cụ có tính chất tương tự để xem xét, đánh giá về hành vi khách quan cũng như lời khai của các bị cáo

Nguyên tắc "suy đoán vô tội" có thể áp dụng như thế nào theo quy định pháp luật?

Từ sự việc của Hoàng Văn Hưng, nhiều người đặt câu hỏi về việc theo quy định của pháp luật nói chung, việc áp dụng nguyên tắc "suy đoán vô tội" có thể được sử dụng như thế nào?

Bình luận về vấn đề này, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Công Giang (Giám đốc Công ty Luật Lam Hồng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội với 2 nội dung như sau:

Thứ nhất, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi tội của họ được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo quy định này, khi chưa chứng minh được theo trình tự, thủ tục tố tụng và chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án thì người bị buộc tội được coi là người không có tội, kể cả khi họ bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất. Trong giai đoạn xét xử, nếu không đủ căn cứ để xác định bị cáo có tội thì HĐXX ra bản án tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Thứ hai, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Điều này có thể hiểu rằng, để buộc tội một người phải có căn cứ theo quy định của pháp luật. Khi chứng minh tội phạm, bằng việc đánh giá chứng cứ khách quan và toàn diện, xác định sự thật khách quan của vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng phải thận trọng và khách quan trong việc giải quyết vụ án.

Mọi nghi ngờ, suy đoán trong quá trình tố tụng đều phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội. Điều này có thể được hiểu rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã vận dụng mọi biện pháp tố tụng theo quy định của pháp luật để loại trừ nghi ngờ đó nhưng không thể chứng minh được bị can, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Trên thực tế đối với các vụ án hình sự, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, tức cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thu thập đầy đủ "chứng" (chứng cứ vật chất) và "cung" (lời khai người bị buộc tội và những người liên quan) để làm căn cứ đủ mạnh, chứng minh hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, không phải trong vụ án nào, chứng cứ về vật chất cũng đầy đủ hoặc lời khai của các cá nhân liên quan cũng trùng khớp. Khi đó, cơ quan tiến hành tố tụng cần xâu chuỗi vấn đề, vận dụng cả những chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp cũng như vận dụng quá trình chứng minh chứng cứ (thu thập, kiểm tra, đánh giá) trên cơ sở các quy định của pháp luật, từ đó xác định thuộc tính cũng như giá trị chứng minh của tổng hợp các chứng cứ đã thu thập được trong vụ án hình sự.

Khi đã áp dụng đầy đủ các nguyên tắc nêu trên mà vẫn không cho thấy sự liên kết, liền mạch giữa các tình tiết, cơ sở buộc tội còn yếu, thiếu chắc chắn thì nguyên tắc "suy đoán vô tội" mới có thể được áp dụng nhằm loại trừ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Hoàng Diệu