Giao thừa - thời khắc thiêng liêng

(Dân trí) - Ngày cuối năm êm ả trôi qua trong biết bao cảm xúc. Thời khắc thiêng liêng khép lại một mắt xích thời gian gồm 365 ngày đã qua, mở ra mắt xích 365 ngày sắp đến với bao hy vọng, chờ mong vào những hương vị mới mà vòng quay cuộc sống sẽ đem lại.

 
Giao thừa - thời khắc thiêng liêng - 1
Pháo hoa đêm Giao thừa (Ảnh: Tiến Nguyên)
 

Như tự thủa nào rồi những đêm giao thừa im tiếng súng, lũ nhóc con chúng tôi  vui đến mức mất ăn mất ngủ vì được rời nơi sơ tán trở về Hà Nội đón Tết.  Bất chấp những khó khăn thiếu thốn, dù phải đặt chuông đồng  hồ báo thức dậy từ tinh  mơ mờ đất, co ro quần  manh áo mỏng trong cái giá rét của mưa phùn gió bấc, rồi toát mồ hôi chen nhau xếp hàng mua hàng Tết, chúng tôi vẫn rất vui vì có được ít ngày bình yên, không  còn phải lo cảnh hồi hộp nghe tiếng còi báo động máy bay, bịt tai khi phải nghe tiếng bom rơi đạn nổ, nhói lòng khi nghe những thông tin xấu về thiệt hại …

 

Tôi không bao giờ có thể quên giao thừa năm cuối phổ thông thời chiến tranh.  Trong  bộ quân  phục mới coong vừa được cấp phát, chàng tân binh của tôi chỉ lặng lẽ nắm tay "cô bạn gái cùng lớp" (là tôi) dạo quanh Hồ Gươm, vậy mà  tim tôi cứ loạn nhịp.  Bầu trời đêm rực rỡ pháo hoa nhưng lòng tôi nhói buốt. Sắp phải xa nhau rồi,  anh sẽ đi xa, xa mãi về hướng bom rơi, đạn nổ… Câu thơ tình da diết càng như như cứa vào tâm hồn thiếu nữ “… Bên ấy có người ngày mai ra trận/ Bên ấy có người ngày  mai đi xa…”

 

Rồi tôi trải qua cái Tết đầu tiên xa nhà ở mãi tận trời Âu. Dò mãi qua radio và phải  ghé sát tai, cố hết sức lọc qua chuỗi tạp âm lạo xạo do khoảng cách xa xôi hàng vạn dặm,  những đứa con xa nhà chúng tôi mới nghe được tiếng chúc Tết của Chủ tịch Nước xen lẫn tiếng  pháo nổ vang báo hiệu giao thừa trên đất nước quê hương. Chao ôi là nước mắt như mưa...

 

Những  năm sau này dù đã trưởng thành, mỗi lần phải sống xa  nhà, xa Việt Nam, cảm giác trống vắng và nỗi nhớ nhà da diết vẫn luôn ngự trị trong tim tôi, nhất là nếu chuyến đi xa lại trùng với dịp năm hết Tết đến.
 
Giao thừa - thời khắc thiêng liêng - 2
Mâm cỗ cúng Giao thừa (ảnh minh họa từ Lyhocdongphuong.org.vn).

 

Có  một lần giáp Tết ,tôi bước xuống phi trường mang tên cố nữ Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi ở New Delhi. Tôi từng học ở xứ sở của tiểu thuyết Mùa tôm này, nên thấy cảnh cảnh sát nước bạn súng ống đầy mình triển khai khắp nơi cũng bình thường. Trong khi anh bạn đồng nghiệp ở báo Thanh Niên đi cùng lần đầu ra nước ngoài, không nén nổi bồn  chồn, thốt lên: “Căng thẳng quá  mà cũng buồn quá! Ánh đèn vàng càng làm tăng cảm giác buồn bã, cô đơn! Thảo nào mắt các cô gái Ấn thường to và buồn thăm thẳm, cứ như lúc nào cũng lệ chứa lệ chan...”

 

Dịp cuối năm cũ, đầu năm mới luôn là thời điểm các nhóm cực đoan chọn để gia tăng các cuộc tấn công khủng bố nhằm khuếch trương thanh thế và truyền đi những thông điệp chết chóc, nên an ninh tại nhiều nước nhất là ở những khu vực nhạy cảm như Nam Á luôn ở trong tình trạng siết chặt nhất. Tôi từng bao lần rơi nước mắt khi hay tin trong số nạn nhân của các vụ bạo lực, khủng bố, có cả những đồng nghiệp báo giới Ấn Độ hoặc các nước khác.

 

Cũng trong khóa học báo chí ở New Delhi, tôi có hai người bạn là các nữ nhà báo Ai Cập giỏi giang. Một cao 1m75, rất gây ấn tượng bởi nhan sắc của thần Vệ nữ dù  nàng luôn kín mít trong khăn trùm đầu, áo choàng dài tới tận gót chân, nhưng ý nhị thoáng ẩn, thoáng hiện chuỗi ngọc trai đính kim cương tuyệt đẹp trước ngực. Nữ nhà báo kia ngược lại, có dáng người đậm đà, phúc hậu nhưng rất thời trang với những bộ đồ jeans, váy áo mốt mới nhất luôn điệp màu với những  phụ kiện hàng hiệu như giày cao gót, túi xách, nữ trang...

 

Khóa học kết thúc, chúng tôi còn chưa kịp thực thi lời hẹn ước “Sẽ gặp nhau tại Cairo hoặc Hà Nội”, thì Tết này lại nghe tin căng thẳng chưa từng có tại đất nước Kim tự tháp. Ruột gan tôi cứ như lửa đốt, lo lắng liệu có ai trong  hai cô bạn cũ của mình có mặt đưa tin trong làn sóng biểu tình chống chính phủ quy tụ tới cả triệu người tham gia đã bước sang ngày thứ chín, thứ mười hay không. Nghiệp làm báo, ai chẳng  mong được thử thách mình với tư cách phóng viên chiến trường, mà trước mũi tên hòn đạn đâu, đâu ai có được “tư cách miễn trừ”…

 

Tình hình Ai Cập đang như thùng thuốc súng. 30 Tết ở Việt Nam cũng là ngày chính phủ một số nước như Mỹ, Anh, Australia,  Algeria… bắt đầu đưa công dân nước mình rời Ai Cập, hoặc mở rộng cảnh báo đối với các tour du lịch đến điểm  nóng này (như Đức).

 

Tình hình căng thẳng ở các nước như Ai Cập càng làm những người từng trải qua thời kỳ chiến tranh thế hệ chúng tôi hiểu rõ và nâng niu hơn cái quý giá của nền hòa bình mà chúng ta đang được hưởng. Quả là không có gì hạnh phúc hơn khi được sống trong hòa bình,  ổn định dù  đất nước còn nghèo, còn đang phải nỗ lực hơn nữa để phát triển.
 

Giao thừa sắp tới rồi. Mọi việc giờ đã xong, thăm viếng quê hương nội ngoại đã chu tất, mọi nghi thức tất niên cũng đã thực hiện đủ. Trước mặt tôi giờ là mâm cỗ cúng Giao thừa đúng kiểu truyền thống chuẩn bị tiễn năm Canh Dần, đón năm Tân Mão… Chúc một năm mới an lành, hạnh phúc và nhiều may mắn cho tất cả mọi người!!! Chúc mừng năm mới!!! Happy New Year!!!

 

Kiều Anh

Dòng sự kiện: Chào Xuân Tân Mão 2011