Giám đốc rút súng dọa bắn người liệu còn "cửa" thoát án tù hay không?
(Dân trí) - Trong vụ việc này, lời khai, thái độ tâm lý của người bị hại có yếu tố quyết định việc ông Sướng có dấu hiệu phạm tội đe dọa giết người để từ đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không.
Như Dân trí đã thông tin, Viện trưởng Viện KSND TP Bắc Ninh Nguyễn Văn Hiệu cho biết, cơ quan này vừa phê chuẩn Lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Bắc Ninh đối với Nguyễn Văn Sướng (SN 1968, trú Khu Lãm Trại, phường Vân Dương, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, hiện là Giám đốc Công ty dịch vụ bảo vệ Hàm Long) về hành vi đe dọa giết người.
Trước đó, khoảng 13h ngày 05/9/2020, trên mạng xã hội facebook chia sẻ hình ảnh và clip một người đàn ông mặc áo trắng đang cầm khẩu súng chĩa vào một thanh niên tại đoạn Cầu Ngà, TP Bắc Ninh kèm nội dung “do đường hẹp nên tài xế xe 99A xin vượt không được đã tìm cách ép xe; tài xế xe kia xuống xe rút một vật “giống súng quân dụng” ra đe dọa …”.
Nội dung và hình ảnh trên đã nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi và gây tâm lý hoang mang. Trước sự việc trên, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an thành phố Bắc Ninh khẩn trương xác minh, làm rõ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã xác định người đàn ông cầm súng đe dọa trong clip là Nguyễn Văn Sướng, 52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hàm Long, có địa chỉ tại số 15 đường Hai Bà Trưng, phường Suối Hoa, Thành phố Bắc Ninh.
Tại nhà Nguyễn Văn Sướng ở khu Lãm Trại, phường Vân Dương, cơ quan công an xác định xe ô tô màu đen hiệu Fortuner mang biển kiểm soát 99A- 306.30 là chiếc xe Sướng đã sử dụng như trong clip được cư dân mạng chia sẻ. Đồng thời, công an thu giữ 1 khẩu súng là công cụ hỗ trợ nhãn hiệu RC 88, số hiệu 17470285G, 2 viên đạn cao su và 1 viên đạn hơi cay.
Lời khai, thái độ tâm lý người bị hại sẽ quyết định việc khởi tố vụ án hay không
Đó là nhận định của luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty TNHH Luật LSX. Luật sư Lực cho rằng vẫn có khả năng vụ việc này sẽ không bị khởi tố bởi những lý do sau:
Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
Như vậy đây là khoảng thời gian cơ quan tố tụng buộc ông Sướng trình bày lời khai, cung cấp chứng cứ, tài liệu để xác định hành vi sử dụng súng đe dọa người khác có dấu hiệu của tội đe dọa giết người hay không.
Nếu hết thời gian lệnh giữ người, cơ quan cảnh sát điều tra xác định không có dấu hiệu tội phạm thì sẽ trả tự do cho ông Sướng. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm hoặc cần xác minh thêm thì cơ quan điều tra sẽ ra Quyết định tạm giữ hình sự có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát. Thời hạn tạm giữ hình sự theo Quyết định tạm giữ hình sự lần đầu là 03 ngày, được ra hạn 2 lần mỗi lần 03 ngày (tổng thời gian là 09 ngày).
Hành vi đe dọa giết người xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người bị hại thuộc đối tượng được Bộ luật hình sự bảo vệ.
Để xác định hành vi của người đe dọa có phải là hành vi đe dọa giết người hay không cần phải xác minh các yếu tố: thái độ, mong muốn, ý chí của người này có phải dọa giết người hay không, công cụ sử dụng có đủ yếu tố thực tế thực hiện việc dọa giết người hay không, lời lẽ sử dụng khi đe dọa giết người…
Hành vi đe dọa giết người được coi là tội phạm khi có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện và được xác minh thông qua các yếu tố: tâm lý, lời khai của người bị hại có thực sự lo sợ, đủ yếu tố lo sợ hành vi giết người hoàn toàn có thể thực hiện được từ phía người đe dọa.
Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lý lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.
Để đánh giá người bị đe dọa có phải ở trong tình trạng tâm lý như vậy hay không cần phải dựa vào những tình tiết sau: Nội dung và hình thức đe dọa; thời gian, địa điểm cũng như hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra; tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa; thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa…
Trong vụ việc này, lời khai, thái độ tâm lý của người bị hại có yếu tố quyết định việc ông Sướng có dấu hiệu phạm tội đe dọa giết người để từ đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không.
Điều 133. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
3. a) Đối với 02 người trở lên;
4. b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
5. c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
6. d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Vậy nếu không đủ căn cứ để khởi tố về hành vi giết người, Nguyễn Văn Sướng sẽ phải chịu mức phạt nào theo quy định của pháp luật, thưa luật sư?
Luật sư Lực cho biết, loại súng mà người này sử dụng là súng RÖHM RG88. Theo phụ lục số II Ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BCA, ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an xác định loại súng nhãn hiệu RG88 là súng bắn đạn cao su, hơi cay, đạn nổ, đạn nhựa thuộc Danh mục công cụ hỗ trợ.
Việc cấp phép, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017. Cụ thể như sau:
Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ. Đơn vị được phép trang bị công cụ hỗ trợ phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép trang bị công cụ hỗ trợ và giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.
Việc sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân thủ nguyên tắc phục vụ cho công việc của người được trang bị công cụ hỗ trợ, phù hợp với nội dung giấy phép. Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật cũng thuộc trường hợp được sử dụng công cụ hỗ trợ.
Theo nội dung mô tả, do bị chèn ép, không cho phép vượt xe mà giám đốc công ty bảo vệ sử dụng công cụ hỗ trợ đe dọa là hành động không phù hợp quy định pháp luật.
Người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã tuân thủ quy định tại Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 3 điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:d) Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả; đ) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép.
Xin cảm ơn Luật sư!