Giá xăng tăng không kiểm soát: Người dân vật vã, doanh nghiệp đau đầu!

Thế Hưng

(Dân trí) - Ngày 21/6, giá xăng đã tăng lần thứ 7 liên tiếp và lập đỉnh mới lên gần 33.000 đồng/lít. Người dân đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi giá xăng liên tục tăng mất kiểm soát.

Lao đao vì xăng dầu liên tiếp lập đỉnh mới

Tại kỳ điều hành mới nhất vào ngày 21/6, giá xăng trong nước đã tăng lần thứ 7 liên tiếp và lập đỉnh mới. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 190 đồng/lít, lên mức 31.300 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít, lên mức 32.870 đồng/lít.

Trước ý kiến từ phía hiệp hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành nghị quyết giảm thuế phù hợp. Trước mắt, Bộ tiếp tục xin ý kiến giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Giá xăng tăng không kiểm soát: Người dân vật vã, doanh nghiệp đau đầu! - 1

Giá xăng liên tục điều chỉnh tăng trong thời gian qua (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Giá xăng, dầu tăng liên tiếp khiến người dân vô cùng lo lắng. Theo độc giả Nguyễn Trường Tường, cuối năm nay, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ phá sản vì làm ăn thua lỗ. Nguyên nhân do các hợp đồng xây dựng công trình trọn gói không điều chỉnh giá trong khi đó, vật liệu, máy móc, nhân công tăng theo giá xăng dầu.

Không những vậy, độc giả Tường nêu, giá xăng dầu ảnh hưởng tới rất nhiều ngành nghề khác. Trong nông nghiệp, máy cày, máy kéo, máy xay xát, máy bơm nước…đều bị ảnh hưởng. Khi người nông dân phải chịu thêm áp lực chi phí, giá cả thực phẩm sẽ tăng lên. 

"Ngoài đời sống, cước vận chuyển tăng kéo theo giá tăng ở hàng loạt các khâu trung gian. Mỗi khâu bị đẩy giá lên khiến sản phẩm bị đội giá thêm rất nhiều lần", anh Tường cho hay.

Thực tế, việc giá xăng tăng cao đã vô tình tác động lớn đến tâm lý chung của người dân. Trong những ngày qua, có không ít người đã phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày vì giá hàng hóa thiết yếu cũng đang "tát nước theo mưa".

Bên cạnh đó, độc giả Trương Chi phân tích, xăng dầu chủ yếu để phục vụ giao thông. Giao thông là xương sống, là huyết mạch của nền kinh tế. Nếu áp thuế cao và khuyến khích người dân ít sử dụng đồng nghĩa với việc kinh tế kém phát triển.

Hơn nữa, độc giả Trương Chi Xăng cho rằng: "Xăng dầu phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là vô lý. Xăng dầu là hàng hóa thiết yếu chứ không phải "mang tính chất xa xỉ", là mặt hàng chỉ có người giàu mới mua được để hưởng thụ mới nên áp thuế TTĐB. Mặt khác bỏ thuế TTĐB với xăng dầu sẽ kích cầu người dân và các doanh nghiệp phát triển sản xuất, từ đó tăng nguồn thu thuế của doanh nghiệp để bù lại".

Nhiều độc giả tỏ ra mất bình tĩnh vì những chính sách của các Bộ, ngành đang quá chậm so với sự thay đổi của thực tiễn. Bạn đọc Lê Đức Thành cho rằng, sức dân và giá cả hàng hóa đang gặp thử thách. Nếu không phản ứng nhanh thì chắc chắn nhiều mặt hàng khác sẽ tăng giá tương ứng theo giá xăng dầu vì cước vận tải tăng mạnh. Chính sách thuế cần phải điều chỉnh linh hoạt theo thực tế thị trường nếu không sẽ là con dao hai lưỡi đối với nền kinh tế.

"Bộ Tài chính cứ xem xét, báo cáo, đề xuất…cho đến khi nào? Người dân không thể chờ đợi mỏi mòn như hiện nay được nữa. Giá xăng càng tăng thì bữa cơm của người dân càng eo hẹp", độc giả Nguyễn Bình tiếp lời.

Đa phần độc giả Dân trí đều cho rằng, với xăng dầu cần có chính sách dài hơi thay vì giảm thuế môi trường nhỏ giọt như hiện nay. Bởi mới đề xuất giảm 1.000 đồng thuế môi trường thì giá xăng đã vào kỳ tăng tiếp theo.

Đã đến lúc sử dụng phương tiện công cộng? 

Không ít độc giả nêu quan điểm, người dân nên sử dụng phương tiện công cộng thay cho các phương tiện cá nhân trong thời "bão" giá xăng dầu. Theo đó, độc giả Nguyễn Anh Thế phân tích, mọi người nên tìm cách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và đi bằng vé tháng sẽ tiết kiệm đáng kể.

"Tôi mua vé tháng của một tuyến xe buýt hết 100.000 đồng, mọi người chịu khó sắp xếp thời gian để đi loại hình phương tiện này, hoặc nếu tiện có thể đi đường sắt trên cao, việc đi bộ ra trạm xe buýt coi như tập thể dục; cũng có thể đi xe đạp và xe máy nếu tìm được chỗ gửi xe. Hơn nữa, thời tiết nắng hoặc mưa đi xe buýt rất hợp lý, mát mẻ tránh được khói bụi và an toàn hơn xe máy", anh Anh Thế chia sẻ.

Song, độc giả Phạm Bân cho hay, chất lượng của các phương tiện công cộng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Những chuyến xe buýt văn minh vẫn còn rất ít ỏi, hạ tầng giao thông công cộng chưa phủ rộng tại các thành phố lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì thế, sử dụng phương tiện cá nhân ở thời điểm hiện tại vẫn là lựa chọn tối ưu.

Giá xăng tăng không kiểm soát: Người dân vật vã, doanh nghiệp đau đầu! - 2

Nhiều người dân không dám đổ đầy bình xăng để cân đối chi tiêu trong thời "bão" giá (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Theo phân tích của nhà báo Bích Diệp, phương án khả thi nhất trong thời điểm hiện tại là xem xét bỏ thuế TTĐB với mặt hàng này!

Theo nhà báo Bích Diệp, nếu bám vào khái niệm "thuế TTĐB là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội, đồng thời điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng, góp phần tăng thu cho Ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế" thì có nên đưa xăng vào nhóm hàng hóa chịu thuế TTĐB hay không?

"Với sự cần thiết của xăng dầu trong đời sống hàng ngày của người dân và sự vận hành của nền kinh tế, thì đây phải được tính là hàng hóa thiết yếu thay vì "mang tính chất xa xỉ". Cho dù đây là mặt hàng cần hạn chế tiêu thụ thì về bản chất, chẳng người dân hay doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nào muốn lạm dụng hàng hóa này cho các hoạt động của mình", chị Bích Diệp nêu.

Hiện nay, người dân đã không còn "sốc" và hốt hoảng mỗi khi có kỳ điều chỉnh giá xăng dầu nữa. Không ít người đã chuẩn bị tâm lý cho giá xăng 50.000 đồng/lít.