Bài 6:

Gia đình liệt sĩ hơn chục năm tìm công lý 35m2 đất giờ ra sao?

(Dân trí) - Tròn một năm sau ngày báo Dân trí đăng loạt bài phản ánh giúp gia đình liệt sĩ "tìm công lý 35m2 đất" bên QL 10, chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm vụ việc; cụ Lê Thị Tứ (vợ liệt sĩ, con dâu Mẹ VNAH) do tuổi cao sức yếu đã qua đời...

Cụ Tứ mất rồi !

Ngày 15/6/2017, tròn một năm sau ngày báo Dân trí đăng bài viết "Ninh Bình: Gia đình liệt sĩ chục năm tìm công lý 35m2 đất", tiếp sau đó là nhiều bài viết phản ánh về việc gia đình cụ Lê Thị Tứ (95 tuổi) vợ liệt sĩ Phạm Hữu Hằng (hy sinh năm 1951) hơn chục năm đi tìm công lý 35m2 đất "đền ơn" bên QL 10, chúng tôi quay trở lại mảnh đất nơi gia đình liệt sĩ đang "tranh chấp" với chính quyền địa phương nhiều năm qua; đến nay sự việc vẫn chưa có hồi kết.

Căn nhà nhỏ trên 35m2 đất của cụ Tứ nằm ngay trước cổng chợ Nhạc (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) vẫn yên ắng, người cháu nội của cụ Tứ là chị Lê Thị Hạnh (45 tuổi) hằng ngày vẫn ở nơi đây trông nom căn nhà, bán hàng kiếm sống qua ngày. Và một nhiệm vụ cao cả của chị Hạnh là thay bà hàng ngày hương khói cho Mẹ VNAH cùng 2 liệt sĩ Phạm Hữu Hằng và Phạm Văn Huống (anh trai liệt sĩ Hằng).

Căn nhà nhỏ nằm trên 35m2 đất của gia đình cụ Tứ nằm bên cổng chợ Nhạc, một năm qua chính quyền địa phương không đến thu hồi mà giữ nguyên hiện trạng, chưa có cách giải quyết thỏa đáng.
Căn nhà nhỏ nằm trên 35m2 đất của gia đình cụ Tứ nằm bên cổng chợ Nhạc, một năm qua chính quyền địa phương không đến thu hồi mà giữ nguyên hiện trạng, chưa có cách giải quyết thỏa đáng.

Gặp chúng tôi, chị Hạnh buồn rầu cho biết: "Bà (cụ Tứ) mất cách đây được gần 100 ngày rồi chú à. Bà bệnh từ trước, sau nhiều năm chống chọi, tuổi cao sức yếu nên đã không qua khỏi cách đây 3 tháng. Gia đình đưa bà lên viện đa khoa tỉnh cấp cứu khoảng 10 ngày, bệnh viện trả về nhà được ít giờ đồng hồ thì bà về bên kia thế giới với ông".

Cụ Lệ Thị Tứ qua đời khi 96 tuổi, người vợ liệt sĩ, con dâu Mẹ VNAH kiên cường, cả một đời sống trong gian lao, nhắm mắt xuôi tay về bên kia thế giới khi tất cả "sau lưng" mọi chuyện vẫn chưa có hồi kết. Mảnh đất 35m2 bên QL 10 cụ được nhà nước "đền ơn" bỗng chốc bị biến thành "đất mượn", hơn chục năm cụ cùng con, cháu đi tìm công lý nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. "Cụ ra đi mà lòng vẫn còn day dứt, vẫn còn nỗi lo cho con cho cháu biết có giữ được mảnh đất "đền ơn" mà cả một đời cụ gắng giữ hay không", chị Hạnh kể.

Nói về mảnh đất 35m2 đất mà cả gia đình hàng chục năm qua "hao công tốn sức", đơn thư kêu cứu khắp nơi đến nay vẫn chưa được công nhận là đất của gia đình, chị Hạnh cho hay, một năm qua sau ngày báo Dân trí phản ánh, gia đình gửi đơn, tâm thư kêu cứu khắp nơi nên chính quyền không có động thái gì với mảnh đất này nữa. "Tôi vẫn buôn bán bình thường ở quán bán hàng cụ để lại lâu nay. Không thấy chính quyền họ cho người ra thu hồi nữa, cũng không thấy họ gây áp lực như trước", chị Hạnh nói.

Sau khi cụ Tứ mất, chị Hạnh thay bà trông nom căn nhà, hàng ngày hương khói cho Mẹ VNAH cùng 2 liệt sĩ.
Sau khi cụ Tứ mất, chị Hạnh thay bà trông nom căn nhà, hàng ngày hương khói cho Mẹ VNAH cùng 2 liệt sĩ.

Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất không chỉ của chị Hạnh, bà Hiềng (con gái được cụ Tứ ủy quyền) mà cả gia đình liệt sĩ Hằng là chính quyền địa phương phải có giải quyết thấu đáo, hợp tình và phải công nhận mảnh đất 35m2 đất của gia đình là đất được nhà nước "đền ơn", phải cấp sổ đỏ cho mảnh đất này, chứ không được xem đây là "đất mượn" rồi thu hồi giao lại cho Ban quản lý chợ Nhạc.

Công lý vẫn chưa đến với gia đình liệt sĩ

Theo ghi nhận của PV Dân trí, nguyên trạng căn nhà cấp 4 nằm trên mảnh đất 35m2 đất của gia đình cụ Tứ một năm qua đến nay vẫn được giữ nguyên trạng. Tuy nhiên, xung quanh thửa đất này có nhiều thay đổi. Theo đó, tại cổng chợ Nhạc, Ban quản lý chợ đã cho dựng một chiếc cổng chợ bằng sắt rất lớn và kiên cố, nằm ngay sát bên lô đất của gia đình cụ Tứ. Phía sau lô đất 35m2 này, Ban quản lý chợ cũng đang cho đào để xây dựng một bể chứa nước với khối lượng lớn. Bể này được đào sát bên "mép" lô đất của gia đình liệt sĩ.

Tại bức tường ngăn phía sau của lô đất với chợ Nhạc, từ lâu nay chị Hạnh cùng gia đình dựng một hàng rào tạm để "giữ đất". "Chính quyền không có động thái gì, cũng không giải quyết dứt điểm khiến gia đình tôi lúc nào cũng nơm nớp lo mất đất, không có chỗ để thờ Mẹ VNAH cùng 2 liệt sĩ và bây giờ là thêm vợ liệt sĩ nữa. Cứ gần đến tháng 7 tri ân, năm nào mọi người trong gia đình tôi cũng như ngồi trên đống lửa", chị Hạnh chia sẻ.

Ban quản lý chợ Nhạc đang cho xây một bể chứa nước lớn ngay sát lô đất 35m2 của gia đình cụ Tứ.
Ban quản lý chợ Nhạc đang cho xây một bể chứa nước lớn ngay sát lô đất 35m2 của gia đình cụ Tứ.

Bà Lê Thị Hiềng cho hay, gia đình đã chờ kết luận giải quyết vụ việc của chính quyền địa phương từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh gần 1 năm qua. "Tròn một năm nếu chính quyền vẫn chưa có kết luận giải quyết thấu đáo sự việc, gia đình tôi sẽ tiếp tục có đơn khiếu nại đến các cấp ở địa phương và trung ương. Gia đình quyết giữ bằng được mảnh đất được "đền ơn", là nơi thờ tự những người có công với đất nước. Đó cũng là nguyện vọng của mẹ tôi trước khi nhắm mắt xuôi tay".

Trước đó, báo Dân trí đã có nhiều bài phản ánh về sự việc gia đình liệt sĩ hơn chục năm đi tìm công lý 35m2 đất bên QL 10. Vụ việc có nhiều khuất tất khi gia đình liệt sĩ Phạm Hữu Hằng (vợ là cụ Lê Thị Tứ, con gái Lê Thị Hiềng) có đầy đủ các giấy tờ, bằng chứng chứng minh 35m2 đất của gia đình là đất được nhà nước "đền ơn". Tuy nhiên, chính quyền địa phương xã Khánh Nhạc và huyện Yên Khánh thì viện đủ mọi lý do nhiều năm qua không chịu cấp sổ đỏ cho thửa đất này.

Mặt khác, xã Khánh Nhạc còn khẳng định 35m2 đất của gia đình cụ Tứ là "đất mượn" của UBND xã, chính quyền địa phương đã ra quyết định thu hồi để bàn giao cho Ban quản lý chợ Nhạc.

Thấy quá bất công cho gia đình, cụ Tứ khi còn sống cũng đã nhiều lần ý kiến về sự việc, đến khi tuổi cao sức yếu cụ nằm một chỗ nhưng vẫn không nguôi ý định phải giữ bằng được thửa đất nhà nước "đền ơn" cho chồng và anh trai chồng. Con gái cụ Tứ là bà Phạm Thị Hiềng dù đi lấy chồng tận Quảng Ninh nhưng vẫn đau đáu tâm nguyện của mẹ phải giữ bằng được thửa đất nên bà thường xuyên về Ninh Bình gửi đơn, gõ của kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng trong nhiều năm liền.

Chị Hạnh gia cố lại hàng rào tạm điểm giáp danh giữa đất của gia đình và chợ Nhạc. Nỗi lo mất đất vẫn luôn canh cánh đối với cả gia đình chị.
Chị Hạnh gia cố lại hàng rào tạm điểm giáp danh giữa đất của gia đình và chợ Nhạc. Nỗi lo mất đất vẫn luôn canh cánh đối với cả gia đình chị.

Khi báo Dân trí nhận được đơn của gia đình và vào cuộc phản ánh sự việc, chính quyền địa phương vẫn một mực khẳng định thửa đất 35m2 đất của gia đình liệt sĩ là "đất mượn" và phải thu hồi. Quá bức xúc, bà Hiềng đã gửi tâm thư lên Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, gửi đơn kêu cứu đến lãnh đạo Trung ương. Tuy nhiên sau một năm sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, việc tranh chấp 35m2 đất giữa gia đình liệt sĩ với chính quyền địa phương đến nay vẫn chưa ngã mũ.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Bá

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm