Gần 500 cư dân Khu tập thể các ban Đảng trung ương bị “đầu độc”?

(Dân trí) - Gần một năm qua, cư dân Khu tập thể các Ban Đảng Trung ương, một số hộ dân là người sử dụng hợp pháp chung cư B13 phải sống trong cảnh bể chứa nước ăn bị vây kín bởi các quán nhậu, quán cà phê, mặt bể chứa nước trở thành nơi đỗ xe.

 
Bể chứa nước khu nhà ở các Ban Đảng Trung ương (Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương…) bị kiểm soát bởi những người lạ mặt, cửa luôn bị khóa chặt, cư dân rất khó vào kiểm tra hoặc bảo vệ nguồn nước của mình đang sử dụng và nếu có chất “độc” nào được thả xuống bể nước ai sẽ là người chịu trách nhiệm tới mạng sống của các hộ dân nơi đây?.
 
Không chỉ có nỗi khổ về nguồn nước, cư dân ở đây liên tục phải đi bộ từ tầng G đến tầng 13 bởi thang máy đã bị hỏng, tính mạng người dân bị liên tục bị đe dọa mỗi khi thang máy bị kẹt và luôn thấp thỏm nếu “thang máy rơi”. Bức tường tầng 1 ngang nhiên bị Ban Quản lý dự án (QLDA) cho đục khoét để làm nhà hàng ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà; dây diện, dây cáp chăng như “mạng nhện” xung quanh toà nhà.
 
Bể nước ăn được biến hóa thành nơi kinh doanh cà phê lý tưởng
Bể nước ăn được "biến hóa" thành nơi kinh doanh cà phê lý tưởng

Cho đến thời điểm này, ông Lê Bá Thường, Trưởng ban Quản trị tòa nhà, người được Ban QLDA chỉ định làm Trưởng Ban Quản trị lâm thời hoạt động chui nhiều năm qua (vì chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động) đã thừa nhận hàng loạt sai phạm về tài chính và tự ý bỏ trốn khỏi vị trí Trưởng ban quản trị tòa nhà. Chính vì vậy, toàn bộ nhân dân tòa nhà B13 đã họp và bầu Tổ đại diện nhân dân do ông Nguyễn Ngọc Khoa làm tổ trưởng để thay mặt các hộ dân giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các hộ dân (có biên bản họp và chữ ký đồng thuận của ông Thường Trưởng ban quản trị tòa nhà cùng các hộ dân). Điều này phù hợp với các quy định Nhà nước về Quản lý nhà chung cư và Luật Nhà ở.

Hàng loạt các sai phạm đã, đang diễn ra tại khu tập thể các ban Đảng Trung ương, nhân dân đã có nhiều đơn thư gửi đến các cơ quan có trách nhiệm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Không những thế, chủ đầu tư là Ban QLDA các công trình xây dựng của Đảng ở Trung ương đã thoái thác mọi trách nhiệm cho người ngoài cơ quan Đảng để giải quyết mọi công việc của Ban QLDA. Ông Trưởng Ban QLDA là cán bộ công chức ở cơ quan Trung ương Đảng nhưng lại lấy tiền của cơ quan Trung ương Đảng đi thuê cá nhân 2 Luật sư, ủy quyền cho họ giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ “công vụ” mà nhà nước giao cho ông Trưởng Ban QLDA để giải quyết bức xúc của các cư dân ở đây. Nhờ có "bùa hộ mệnh" là giấy ủy quyền của Ban QLDA, trong công văn gửi tới báo Dân trí, luật sư của Ban QLDA đã thách thức báo Dân trí và tuyên bố sẽ “đuổi” những hộ dân đang sống tại chung cư B13.

Báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực, nhưng dường như “đâu vẫn vào đấy”, những người có trách nhiệm vẫn “vờ như câm điếc”.

Cụ thể báo Dân trí có 2 bài: “Gần 500 cư dân ở khu tập thể các ban Đảng Tung ương kêu cứu” và Đơn kêu cứ của 500 cư dân các ban Đảng trung ương bị “bỏ quên”. Báo Thanh tra, số 3, thứ bảy ngày 25/5/2013 có bài: “Sai phạm ở khu tập thể các ban Đảng T.Ư: Cần chuyển cho cơ quan điều tra”. Báo Pháp luật Việt nam ngày 21/5/2013 có bài “Gần 3 tỷ đồng của hộ dân chung cư B13 Sài Đồng đi đâu?”; ngày 30/7 có bài “Người dân Chung cư B13 Sài Đồng vẫn “sống trong sợ hãi” và cùng vấn đề này cũng được nhiều cơ quan báo chí khác đã vào cuộc phản ánh. Nhưng bao nhiêu đơn thư, lời kêu cứu chính đáng của công dân tòa nhà B13 đều bị cơ quan chức năng “bỏ quên”.

Những hạng mục sai phạm ở nhà B13 vẫn được “đặc cách” tồn tại như một “ngoại lệ” khó lý giải. Không những vậy, một số thiết bị thiết yếu phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của cư dân còn xuống cấp nhiêm trọng hơn nhưng chủ đầu tư vẫn “bỏ ngoài tai” kiến nghị của cư dân, đẩy gần 500 cư dân phải vùng vẫy trong khó khăn. Cụ thể, ngày 15/7/2013, hệ thống thang máy nhà B13 bị hỏng hoàn toàn khiến gần 500 cư dân phải đi bộ từ tầng 1 lên tầng 13, trong đó có nhiều người già và trẻ em. Vì quá mệt mỏi, một số gia đình phải làm “ròng rọc” tự chế chuyển đồ đạc từ tầng 13 xuống tầng trệt và ngược lại. Sau khi báo Dân trí phản ánh, Ban QLDA “chữa cháy” bằng việc sửa tạm 1 thang máy để cư dân đi lại với tâm trạng có thể thang máy sẽ “rơi tự do” lúc nào không biết, tuy nhiên người dân vẫn phải đi bộ lên tầng 1 mới có thể sử dụng được.

Bà Nguyễn Thị Thanh - phòng 1202A tòa nhà B13, hiện đang công tác tại Ban Dân vận Trung ương (người mua lại nhà của ông Phùng Đăng Dũng - Giám đốc Ban QLDA xây dưng khu tập thể ban Đảng T.Ư) bức xúc nói: “Bức xúc lớn nhất của người dân sống trong khu chung cư này là cái thang máy, đã hỏng hơn 1 năm nay mà không có ai sửa, chúng tôi thường xuyên phải đi bộ. Nếu mà sửa, Ban Quản lý dự án chỉ cho một vài người đến sửa rồi sau 1 tuần lại hỏng, tôi lại phải đi bộ từ tầng 1 lên tầng 12. Mỗi lần đi, chúng tôi rất sợ vì có những tiếng kêu rất ghê. Mang tiếng là sửa nhưng chúng tôi vẫn phải lên tầng 1 mới vào được cầu thang máy”.

Nhiều sai phạm khác đe dọa đến an ninh của những cư dân sống trong tòa nhà cũng đang tồn tại: tòa nhà bị đục khoét, chiếm đoạt khoảng không gian phía sau, xây tường cơi nới trên diện tích đất lưu không mặt sau nhà B13 vẫn còn nguyên. Điều nghiêm trọng là công trình cơi nới nằm sát họng nước cứu hỏa phục vụ công tác PCCC của tòa nhà; Cửa kính lối ra vào của tòa nhà bị đổ vỡ vào ngày 16/11/2012, đến nay chỉ còn một bên cửa; Ban quản lý, Ban Quản trị tự ý lắp đặt trạm phát sóng DTS trên nóc nhà và truyền hình kỹ thuật số VTC trong tòa nhà, không được sự đồng ý của dân.

Ông Nguyễn Ngọc Khoa - Tổ trưởng tổ đại diện cho các hộ dân là cán bộ của các Ban Đảng Trung ương sống tại tòa nhà B13 nói: “Bà con hỏi tiền bảo trì, tiền chênh lệch giữa giá thành, giá bán, Ban QLDA vẫn không công khai cho chúng tôi được biết. Bây giờ tòa nhà cứ như để hoang, tất cả khuôn viên xung quanh tòa nhà, cỏ mọc như rừng, dây diện, dây internet lằng nhằng như mạng nhện”.

Trong đơn kêu cứu gửi đến báo Dân trí ngày 15/7/2013, tổ đại diện nhân dân nhà B13 đã tố cáo chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền 2,6 tỷ đồng chênh lệch giữa giá thành và giá bán các căn hộ của tòa nhà do kiểm toán phát hiện (Ban QLDA đã thừa nhận có khoản tiền này trong công văn ngày 14/5/2013 gửi tổ đại diện nhân dân). Số tiền này đáng lý phải được công khai và phải hoàn trả lại cho từng hộ dân, tuy nhiên chủ đầu tư đã không thông báo cho các chủ hộ biết có khoản tiền chênh lệch này mà tự ý “giấu nhẹm”, tự chi số tiền trên vào các nội dung công việc mà không hỏi ý kiến nhân dân, chi sai quy định của pháp luật về nhà ở, các quy định về quản lý chung cư. Về vấn đề này, tại công văn số 57-CV/BQL ngày 14/5/2013, ông Phùng Đăng Dũng, Giám đốc Ban QLDA các công trình xây dựng của Đảng ở Trung ương đã xác nhận có việc Ban QLDA tự ý thu chi khoản tiền này.

Tại báo cáo thu chi khu nhà B13 - khoản thu thường kỳ từ tháng 4 - 2011 đến tháng 8 - 2012, ông Lê Bá Thường - Thay mặt Ban Quản trị ký và báo cáo nhiều điểm khiến người dân vô cùng bất bình nhất là khi Ban Quản trị đã mang tiền của dân đi “đối ngoại”. Cụ thể: Lần 1: Tiền ngoại giao 2/9/2011 Ban QLDA - GĐ Dũng; Lần 2: Tiền ngoại giao 2/9/2011 Ban QLDA - Trưởng phòng Oanh; Tiền ngoại giao Ban QLDA - Giám đốc và 2 trưởng phòng nhà đất và kế toán; Tiền đám cưới đồng chí Hùng- Công an khu vực….với những số tiền rất cụ thể.

Nghiêm trọng hơn, trong biên bản làm việc ngày 12/5/2013, ông Lê Bá Thường, Trưởng ban Quản trị tòa nhà, người được Ban QLDA chỉ định làm Trưởng Ban Quản trị lâm thời hoạt động chui, ông Thường đã ký thừa nhận các khoản ông Thường chi sai nguyên tắc và không có chứng từ hợp lệ tổng số tiền là 169.960.000 đ. Vấn đề này đã được Tổ đại diện nhân dân “tố cáo” tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của ông Thường và những cá nhân liên quan.
 
Ông Nguyễn Văn Khang - Phó Giám đốc quản lý dự án không trả lời được thắc mắc của cư dân
Ông Trần Văn Khang - Phó Giám đốc quản lý dự án không trả lời được thắc mắc của cư dân

Một trong những vấn đề khiến người dân bức xúc hơn cả đó là việc Phó Giám đốc quản lý dự án - ông Trần Văn Khang ký ngày 19/7/2013 ủy quyền toàn bộ cho cá nhân 2 Luật sư giải quyết mọi thắc mắc, kiến nghị của các hộ dân trong khu tập thể, trong khi đó nhiệm vụ “công vụ” này là trách nhiệm của chính Ban QLDA phải trả lời. Thiết nghĩ, đã là công chức nhà nước thì phải thay mặt Nhà nước giải quyết công việc theo chức trách nhiệm vụ, đằng này ông Trưởng Ban QLDA không những không giải quyết công việc với nhân dân mà lại ủy quyền cho cá nhân Luật sư là người ngoài nhà nước thực hiện nhiệm vụ công vụ của Nhà nước giao cho. Dư luận đặt dấu hỏi, vậy Ban QLDA lấy khoản tiền nào để thuê các luật sư giải quyết nhiệm vụ công vụ của Ban QLDA? Ai là người chỉ đạo “bật đèn xanh” cho ông Giám đốc Ban QLDA thoái thác trách nhiệm công vụ?

Bà Nguyễn Thị Thanh - đang công tác tại Ban Dân vận Trung ương phản ánh thêm: “Ban QLDA thuê luật sư về làm việc với dân, thì dân có ý kiến gì đều gặp và hỏi luật sư. Chúng tôi ký hợp đồng với Ban QLDA, chúng tôi mua nhà của Ban QLDA, chúng tôi không mua nhà của luật sư nên khi chúng tôi muốn hỏi chúng tôi cũng không biết hỏi ở đâu, luật sư cũng không thể có tiền mà trả cho chúng tôi. Nên tôi thay mặt cho các hộ dân sống ở đây yêu cầu Ban QLDA phải có trách nhiệm với người dân ở đây, cái gì liên quản đến Ban QLDA, thì Ban QLDA phải đứng ra giải quyết chứ không thể đổ trách nhiệm cho luật sư được.

Trước những sai phạm đang diễn ra tại tòa nhà B13 và chuẩn bị cho Hội nghị chung cư, ngày 10/8/2013 Ban đại diện các hộ dân tại chung cư (trong đó có những cán bộ cấp lãnh đạo Vụ vẫn đang công tác tại Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương …) và Ban QLDA đã có buổi làm việc .

Tại buổi làm việc, khi được đại diện các gia đình tại chung cư B13 hỏi: “Vừa rồi chúng tôi nhận được văn bản 96, tại sao chúng tôi đòi hỏi quyền lợi của chúng tôi, ông lại giới thiệu cho tôi sang gặp văn phòng luật sư? Ví dụ về việc cầu thang hỏng, chúng tôi yêu cầu sửa chữa thì chúng tôi sang gặp được luật sư để họ chi tiền sửa chữa?.

Thừa nhận việc Ban QLDA thuê luật sư giải quyết thay công chức của Đảng, ông Trần Văn Khang, Phó Giám đốc Ban QLDA trả lời: Bên này thắc mắc nhiều nội dung thì gần như mọi việc đối với căn hộ 13 tầng này là có đơn vị luật đứng ra để tư vấn, giúp việc cho ban quản lý. Mọi thắc mắc, có thể ông không thắc mắc trực tiếp với ban quản lý nữa mà thắc mắc qua luật sư, bởi vì coi như ông luật sư này là người của ban quản lý rồi. Tôi hoàn toàn ủy quyền cho đơn vị kia.

Thông báo mà ông Trần Văn Khang đã ký và câu trả lời của ông trước cuộc họp bàn này đã khiến những công dân sống ở đây rất bất bình.

Một vấn đề nổi cộm ảnh cũng được đại diện chung cư B13 hỏi tại buổi làm việc ngày 10/8/2013, đó là về việc các hộ dân đề nghị công khai các khoản chi phí đã thu, chi từ tiền cho thuê dịch vụ, tiền bảo trì, bảo dưỡng các hạng mục trong chung cư và tiền Ban Quản lý thu chênh lệch giữa giá thành và giá bán các căn hộ trong tòa nhà.

Ông Khang đã trả lời bằng nhiều đáp án, khiến ban đại diện chung cư khó nắm bắt: “Ý kiến của bà con về việc đó rất chính đáng nhưng bây giờ để làm được việc đấy, cũng không biết bao giờ mới làm được. Có thể một thời gian ngắn nữa, Ban QLDA sẽ có trách nhiệm để công khai.

Những thắc mắc của các hộ dân sống trong khu tập thể ban Đảng T.Ư trong buổi làm việc ngày 10/8/2013 vẫn chưa được Ban QLDA phúc đáp thỏa đáng. Cuối buổi làm việc, 2 bên đại diện đã thống nhất bầu Ban Quản trị mới.

Nhưng liệu Ban Quản trị mới có được bầu ra sớm và giải quyết được tất cả những sai phạm đang diễn ra tại khu tập thể ban Đảng T.Ư? Quyền và lợi ích hợp pháp của công dân sống trong tòa nhà B13 có được đảm bảo hoàn toàn?

Ông Nguyễn Ngọc Khoa - Tổ trưởng tổ đại diện các hộ dân tòa nhà B13 đề nghị: “Thứ nhất tôi đề nghị sớm đưa tòa nhà vào ổn định, an toàn cho người dân để người dân yên tâm. Thứ 2, chúng tôi rất có thiện chí bầu Ban Quản trị mới để vận hành tòa nhà này và rất sẵn sang hợp tác với Ban QLDA bầu ra Ban Quản trị mới”.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy