Gần 1000 người dân ngắc ngoải sống trong ô nhiễm giữa Thủ đô

(Dân trí) - Chỉ được dùng nước giếng khoan chảy qua hệ thống lọc sơ sài, hàng trăm hộ dân khu tái định cư Cầu Diễn vẫn phải đóng tiền như khung giá nước sạch áp dụng toàn thành phố. Không chỉ có vậy, người dân còn bị đe dọa phạt tiền nếu đổ rác đúng quy định.

Gần 1000 người học cách sống chung với ô nhiễm

Khu nhà chung cư B3, B4, B5, thuộc Tổ 22 Thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội cho xây dựng nhằm phục vụ tái định cư cho 115 hộ dân của 07 nhà gỗ tại phường Chương Dương. Theo Quyết định số 5257/QĐ-UBND ngày 24/11/2006, 115 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu đã nghiêm chỉnh di dời, bàn giao nhà, mặt bằng đúng thời hạn theo yêu cầu của UBND Thành phố. Chỉ ít ngày sau khi dọn về nơi ở mới, các hộ dân mới phát hiện khu nhà tái định cư được hứa hẹn có điều kiện sống lý tưởng là nơi ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt cung cấp đến các hộ dân.
 
Nguồn nước sinh hoạt của nhà B3, B4, B5 Cầu Diễn bị đe dọa nghiêm trọng
Nguồn nước sinh hoạt của nhà B3, B4, B5 Cầu Diễn bị đe dọa nghiêm trọng
 
Theo lời ông Hoàng Tiến An, đại diện cho hàng trăm hộ dân gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng cho biết: Trong suốt 6 năm qua, các hộ dân khu tái định cư luôn phải sống chung với ô nhiễm từ môi trường cho đến nguồn nước. Vì sức khỏe của các con và hàng trăm cháu nhỏ trong tương lai, chúng tôi đã gửi đơn cầu cứu đến rất nhiều cơ quan chức năng từ huyện, thành phố, đến Trung ương nhưng không nhận được hồi âm, tình trạng ô nhiễm không những không được cải thiện mà còn bị đe dọa đến mức trầm trọng.
 
Thông báo về tình trạng nước ô nhiễm tại khu Cầu Diễn, huyện Từ Liêm
Thông báo về tình trạng nước ô nhiễm tại khu Cầu Diễn, huyện Từ Liêm
 
Ngoài tòa nhà B3, B4, B5, dân cư các khu vực xung quanh thuộc tổ 22 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm cũng phải dùng chung nguồn nước nhiễm độc do Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Hà Nội cung cấp đến các hộ dân hàng ngày. Theo tường trình của đại diện khu dân cư, trong nhiều năm qua, gần 1000 nhân khẩu, trong đó có hàng trăm cháu nhỏ vẫn phải ăn uống, sinh hoạt bằng nguồn nước giếng khoan được cung cấp từ trạm nước của Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Hà Nội phục vụ cho việc pha trộn bê tông công trình xây dựng. Toàn bộ hệ thống nước đã hoen gỉ, xuống cấp, hệ thống lọc thì sơ sài nên nguồn nước cung cấp đến hộ gia đình đều không được xử lý khiến các hộ dân phải tự tìm cách lo cho sức khỏe của chính mình.
 
Ống dẫn nước từ giếng khoan vào trạm xử lý nước của chủ dầu tư (Ảnh: Ngọc Cương)
Ống dẫn nước từ giếng khoan vào trạm xử lý nước của chủ dầu tư (Ảnh: Ngọc Cương)

Khi hàng trăm lá đơn cầu cứu không được hồi âm, hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây đã phải tìm cách hạn chế nồng độ độc tố trong nước bằng cách trang bị hệ thống lọc với giá 3-5 triệu đồng để lắp đặt xử lý ngay ở khu bếp + phụ chật hẹp. Như gia đình anh Kiên sống tại tầng 4 nhà B3 có con nhỏ thì phải xử lý qua lại 3-4 lần mới có thể nấu ăn, hoặc chấp nhận mua nước khoáng để nấu cháo cho con. Tuy nhiên, hình thức “sống chung với lũ” này cũng không thể ngăn chặn hết những căn bệnh liên quan đến đường ruột, da liễu đã xuất hiện tràn lan ở các tòa nhà.

Phải sinh hoạt bằng nguồn nước ô nhiễm, nhưng có điều nghịch lý là hàng tháng các hộ dân sống tại nhà B3, B4, B5 vẫn phải đóng tiền nước từ 120.000đ - 250.000đ tiền nước (tùy theo khối lượng dùng), tức là ngang bằng với khung giá nước sạch áp dụng trên địa bàn thành phố, trong khi nước không đủ tiêu chuẩn ăn uống và sinh hoạt.
 
Bể nước cung cấp cho các tòa nhà cỏ mọc um tùm (Ảnh: Ngọc Cương)
Bể nước cung cấp cho các tòa nhà cỏ mọc um tùm (Ảnh: Ngọc Cương)
 
Trong 6 năm qua, đại diện khu dân cư đã nhiều lần đề nghị UBND huyện Từ Liêm vào cuộc, làm việc cùng Công ty nước sạch TP. Hà Nội để tìm hướng giải quyết. Chính đại diện UBND huyện Từ Liêm đã khẳng định sẽ có nước sạch vào đầu năm 2012, nhưng đến nay mọi việc vẫn rơi vào bế tắc với lý do Chủ đầu tư chưa bàn giao dự án nên chính quyền không thể can thiệp. Theo lời ông Hoàng Tiến An “Tất cả các cơ quan đều khẳng định sẵn sàng lắp đắp hệ thống nước máy, nhưng phía Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Hà Nội lại đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết những quyền lợi chính đáng cho nhân dân. Với những gì đang diễn ra, chúng tôi không biết phải tiếp tục vật lộn với ô nhiễm đến khi nào?”. Theo kết quả kiểm nghiệm ngày 20/9/2012 được dán trên bảng tin, nước khu vực này vẫn không đủ tiêu chuẩn sinh hoạt.
 
Hệ thống lọc nước do các hộ gia đình tự trang bị để bảo vệ sức khỏe
Hệ thống lọc nước do các hộ gia đình tự trang bị để bảo vệ sức khỏe

Đổ rác đúng nơi quy định bị dọa phạt tiền

Khi nguồn nước nhiễm độc còn chưa được thay thế, hàng trăm hộ dân sinh sống ở khu tái định cư B3, B4, B5 thị trấn Cầu Diễn còn phải chịu thêm nhiều bức xúc do cách điều hành tác trách, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư. Hệ quả, tất cả khu chung dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng và những điều kiện thiết yếu nhất đều không được đảm bảo.

Theo quy định, những tòa nhà chung cư mới sẽ được thiết kế khu vực đổ rác riêng tại các tầng. Tuy nhiên, hạng mục thiết yếu này của nhà B3 lại bị chủ đầu tư bỏ qua nên hàng ngày các hộ gia đình vẫn phải phân công nhau mang rác từ các tầng cao xuống đổ như lúc ở khu tập thể cũ. Với những tòa nhà được thiết kế hệ thống đổ rác và bể chứa rác như B4, B5, người dân lại không được phép sử dụng khi bị một số đối tượng tự ý khóa lại và đe dọa mọi người xuống đổ rác.
 
Khu bể rác bị khóa cửa và dán giấy đe dọa phạt tiền nếu người dân đổ... đúng chỗ
Khu bể rác bị khóa cửa và dán giấy đe dọa phạt tiền nếu người dân đổ... đúng chỗ

khu nhà B4, bể rác được thiết kế nằm tại tầng 1đã bị ai đó tự ý khóa lại, đồng thời ra cảnh báo sẽ phạt 200.000đ nếu phát hiện người dân cố ý đổ rác tại đây. Những dòng chữ đầy thách thức này được dán sát bảng tin khu dân cư, nhưng Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Hà Nội dường như không hề hay biết việc người dân đang bị đe dọa?

Trước thời điểm các hộ gia đình khu nhà gỗ phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm làm thủ tục chuyển về nhà tái định cư, hệ thống đèn chiếu sáng từ đường giao thông dẫn vào khu dân cư luôn được bật sáng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó hệ thống chiếu sáng đã bị cắt điện và hàng ngày những người đi làm về muộn luôn phải đối mặt với vô số rủi ro rình rập.
 
Rác phải đổ bừa bãi tại các gốc cây
Rác phải đổ bừa bãi tại các gốc cây

Sau nhiều năm sống trong cảnh nguồn nước bị nhiễm độc nặng, các hộ dân khu tái định cư B3, B4, B5 Cầu Diễn khẩn thiết kêu cứu các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội vào cuộc giải thoát gần 1000 người dân khỏi trình trạng dùng nguồn nước nhiễm độc trên.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương