Đường sắt 250km/h hay 350km/h?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Tôi rất muốn được đi tàu cao tốc 250km/h nhưng nếu nhìn nhận khách quan, dựa trên hiệu quả kinh tế thì tôi thực sự hy vọng chúng ta làm với tốc độ 350km/h".

Dự án thi công, vận hành tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của đông đảo người dân bởi tính hữu dụng và những lợi ích kinh tế có thể mang lại. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án và vận hành như thế nào vẫn đang là điều khiến nhiều người băn khoăn, đặc biệt trong việc nên lựa chọn vận hành tàu có vận tốc tối đa 350km/h hay 250km/h. 

Bình luận dưới các bài viết của Dân trí, với các lập luận khác nhau, độc giả hiện chia làm 2 luồng quan điểm trái chiều về việc nên lựa chọn loại tàu nào nhằm tối ưu lợi ích cũng như phù hợp với các điều kiện kinh tế, kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam. 

"350km/h chỉ ưu tiên chở người, trong khi chúng ta rất cần hệ thống đường sắt chở hàng"

Đưa ra dẫn chứng về việc vận hành đường sắt cao tốc tại các nước phát triển trên thế giới, chị Kieu Nga cho rằng đường sắt tốc độ 250 km/h sẽ là lựa chọn tối ưu với điều kiện của Việt Nam: "Tôi cho rằng phương án tàu chạy 350km/h không phù hợp vì rõ ràng nó chỉ ưu tiên chở người, trong khi chúng ta lại đang rất cần hệ thống đường sắt chở hàng để tăng khối lượng vận chuyển và tăng kết nối cho nền kinh tế. Thêm nữa, chi phí xây dựng và vận hành tàu 200-250km/h rẻ hơn rất nhiều, tiền dư ra để đầu tư cho hệ thống đường cao tốc kết nối cũng như kết nối vùng sẽ hiệu quả hơn. 

Thống kê cho thấy hiện có 27 nước chạy tàu cao tốc, nhưng chỉ 1/3 lựa chọn tàu chạy hơn 300km/h. Trong số 1/3 đó chỉ có một tuyến ngắn là có lãi còn lại thua lỗ do chi phí xây dựng và vận hành quá đắt đó, trong đó 2 ví dụ điển hình là Hàn Quốc và Đài Loan. Nói tàu 250km/h bị lạc hậu thì chỉ là lạc hậu với một vài quốc gia cực kì giàu có trên thế giới, và xin nhắc lại chúng ta đang là nước thu nhập trung bình thấp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào FDI chứ không phải nội lực từ các công ty trong nước". 

Đường sắt 250km/h hay 350km/h? - 1

Hình ảnh mô phỏng tuyến đường sắt cao tốc (Ảnh: AI).

Có chung suy nghĩ, anh Nguyễn Trung Kiên viết: "Nếu chọn 250km/h thì vốn đầu tư ít hơn, giá thành vận tải hàng hóa và hành khách rẻ sẽ nhiều người đi. Các công ty trong nước cũng có thể tham gia thi công, tiền đầu tư sẽ ở lại Việt Nam. Còn nếu quá hiện đại mà phải đi thuê thì tiền đầu tư sẽ chảy ra nước ngoài, sau này vận hành cũng phải thuê nước ngoài, tiền vé sẽ cao và ít người đi. Trên thế giới, hơn 90% các tuyến tàu cao tốc phải bù lỗ và không hiệu quả kinh tế".

Tương tự, dưới góc nhìn về logistics, bạn đọc Anh Tú cho rằng với một quốc gia có hệ thống logistics chưa thực sự phát triển như ở Việt Nam, đường sắt 250km/h sẽ là phương án hữu hiệu trong việc cải thiện hệ thống vận tải hàng hóa, góp phần tăng trưởng nền kinh tế.

"Về ý chí chủ quan, tôi rất muốn được đi tàu cao tốc 350km/h nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, dựa trên hiệu quả kinh tế vận tải hành khách, hàng hóa và tác động tới toàn bộ hệ thống logistics tuyến Bắc - Nam thì tôi thực sự hy vọng chúng ta làm với tốc độ 250km/h", bạn đọc bình luận. 

Ngoài ra, lấy ví dụ về các nước phát triển trên thế giới, độc giả này cho biết tốc độ chở khách trên thế giới tới nay đã vượt xa con số 350km/h rất nhiều, trong khi tốc độ tàu hàng không thay đổi qua nhiều năm. Do đó, nên đầu tư vào công nghệ đã ổn định (tàu hàng lẫn chở người 250km/h) thay vì đầu tư mỗi tàu chở người bởi lúc hoàn thiện dự án, thế giới có thể đã lên tầm tàu riêng chở người 500-600 km/h. 

"Theo tôi, tốc độ 250 km/h là hợp lý bởi kỹ thuật không quá phức tạp như tàu 350 km/h, các công ty trong nước cũng có thể đóng góp chứ nếu không thì hoàn toàn chỉ phụ thuộc nước ngoài. Loại đường này cũng có thể chạy cả tàu hàng, rất cần thiết đối với nước ta hiện nay. Một điều nữa cũng quan trọng không kém là giá vé. Tôi được biết, ở Trung Quốc giá vé tàu 350 km/h tính ra VND là 1.900 đ/km, nếu chạy với tốc độ 300 km/h thì giảm còn 1.700 đ, còn nếu tàu 200 km/h thì chỉ có 1.300 đ/km", bạn đọc Nguyễn Giang dẫn chứng. 

"Xây đường sắt mới chở người, cải tạo đường sắt cũ chở hàng"

Ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng nên lựa chọn phương án 350km/h và tập trung đầu tư cho việc di chuyển của người dân thay vì phân tán và phát triển đồng thời 2 loại hình là chở người và chở hàng. 

Tàu cao tốc ở Trung Quốc chạy 350km/h êm tới mức đồng xu vẫn đứng yên

Độc giả Nguyễn Nam viết: "Xây dựng đường sắt tốc độ cao tập trung chở người. Cải tạo nâng cấp, nâng tốc độ đường cũ chuyên chở hàng".

Bình luận dưới góc độ việc làm và an sinh xã hội, anh Phùng Duy Tùng nêu ý kiến: "Nên xây 350 km/h. Người dân mong muốn không đi máy bay thì chọn tàu cao tốc chứ đi 250 km/h không hơn đường sắt thường là mấy. Ngoài ra, với đường sắt 350 km/h, ví dụ tôi sống ở Ninh Bình vẫn làm việc ở Hà Nội được mà chỉ mất 20 phút di chuyển. Khi đó, không nhất thiết mua nhà Hà Nội, từ đó giảm tải áp lực về dân số cho thủ đô". 

Với độc giả Kien Vu, người này đưa ra phương án như sau: "Tôi nghĩ nên phát triển theo hướng như Nhật Bản, sử dụng 2 loại tàu cao tốc cùng chạy chung một ray tàu. Trong đó, một loại tàu ít toa sẽ dừng nhiều điểm đỗ, một loại tàu nhiều toa hơn sẽ chỉ dừng ở 3 ga là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM thì hợp lý hơn, việc còn lại là điều chỉnh giờ tàu chạy sao cho hợp lý". 

"Quan trọng là phải làm nhanh và đúng tiến độ, thiết kế. Ngoài ra, nên cho tư nhân góp vốn và thu hồi dần như BOT thì sẽ rất nhiều đơn vị tham gia. Đối với người dân, với một phương tiện có giá vé bằng 75% máy bay mà thời gian di chuyển không chênh lệch quá lớn, cộng thêm việc được trải nghiệm đi xuyên Việt sẽ gây ra sự hào hứng, thích thú. Do đó, số tiền vé có thể thu về là không hề nhỏ", anh Hoàng phong bình luận. 

Trong số các bình luận gửi về báo Dân trí về vấn đề này, đại đa số độc giả đều mong muốn tương lai sẽ được đi tàu cao tốc 350km/h.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội, là tổ hợp ga Ngọc Hồi (đầu mối vận chuyển hành khách và hàng hóa phía nam của khu đầu mối đường sắt Hà Nội). Điểm cuối tại TPHCM, là ga Thủ Thiêm (đầu mối vận chuyển hành khách phía đông của khu đầu mối đường sắt TPHCM).

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.

Để tối ưu chi phí vận tải, phát huy ưu thế của từng phương thức, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.535mm với tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.