Được phục hồi chế độ, nữ thương binh ở Cà Mau đón Tết với niềm vui khôn tả!
(Dân trí) - Chỉ “nghe người dân nói lại”, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau đã vội kết luận “thương binh giả” khiến cuộc sống của bà Nguyễn Ngọc Diệp (ngụ huyện Thới Bình, Cà Mau) rơi vào cảnh khốn khó. Mới đây, bà Diệp được “rửa oan” ngay trước Tết cổ truyền với niềm vui khôn tả.
Trong những ngày diễn ra Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, người dân và những người từng tham gia phục vụ cách mạng ở huyện Thới Bình (Cà Mau) hết sức vui mừng với niềm vui của bà Nguyễn Ngọc Diệp (63 tuổi, ngụ ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau). Bà Diệp là thương binh 3/4, từng bị thu hồi chế độ vì cơ quan chức năng cho rằng nữ thương binh này đã làm hồ sơ “khống” để qua mặt cơ quan chức năng. Sau nhiều năm “đội đơn” tìm sự công bằng cho mình, bà Diệp vừa được khôi phục các chế độ ngay vào những ngày cận Tết.
Kết luận qua loa
Trong ngày chia sẻ niềm vui với bà Nguyễn Ngọc Diệp, đưa cho chúng tôi xem xấp hồ sơ dày cộm đã ngả màu theo thời gian, ông Nguyễn Văn Gòng (người dìu dắt bà Diệp tham gia cách mạng) nói mà nước mắt rưng rưng: “Chú thấy đó, hồ sơ như vầy và nhân chứng vẫn còn sống, vậy mà cán bộ kết luận cô Diệp là thương thương binh “giả”, làm sao mà chúng tôi chấp nhận được”.
Theo trình bày của bà Diệp, cách nay khoảng 2 năm, do mâu thuẫn gia đình, người thân của bà đã đưa đơn tố giác với nội dung bà là thương binh “giả”. Không hiểu cơ quan chức năng xác minh thế nào mà bất ngờ ra quyết định hủy chế độ thương binh và thu hồi giấy chứng nhận chất độc hóa học của bà Diệp. Trong khi đó, lãnh đạo trực tiếp và nhiều người biết sự việc đều xác nhận là vết thương của bà có từ thời chiến.
Theo hồ sơ bà Diệp cung cấp thể hiện, vào thời kháng chiến chống Mỹ, bà là cơ sở mật của Công an tỉnh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Văn Gòng (lúc đó là Trung đội phó Trung đội I, phụ trách Cà Mau Bắc).
Ngày 30/10/1973, được sự phân công của ông Gòng, bà Diệp và một người em chỉ mới lên 11 tuổi đến nhà ông Lưu Văn Nở (hiện ông Nở vẫn còn sống, ngụ Vàm Cái Tàu, xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) để lấy tin cung cấp cho lực lượng cách mạng. Trên đường đi, chị em bà đã đạp phải trái nổ do địch gài nên khiến cả 2 người bị thương rất nặng.
Rất may, chị em bà được bà Tư Can (Dương Thị Tiến) đưa đến Tắc Thủ gặp bà Năm Hoa (Lưu Thị Hoa, vợ ông Hai Tươi, Tiểu đoàn U Minh II) và bà Hoa đã đưa 2 người đến Bệnh viện Cà Mau. Chị em bà Diệp nằm viện điều trị đến ngày 25/11/1973 mới ra viện.
Sau khi hòa bình lập lại, bà Diệp được Hội đồng xét duyệt xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, Cà Mau) cho bà được hưởng chế độ thương binh 3/4 và bị nhiễm chất độc hóa học do bị vô sinh.
Tuy nhiên, do nhầm lẫn vì khi làm hồ sơ báo công, lãnh đạo trực tiếp của bà là ông Lê Văn Gòng chuyển về công tác tại Xã đội xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình) nên bà Diệp đã khai là làm cơ sở cho xã đội và do không xem kỹ hồ sơ nên ông Gòng đã xác nhận trong hồ sơ của bà.
Sau này, do mâu thuẫn gia đình nên em ruột và em rể của bà đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố giác, cho rằng vết thương của bà xảy ra sau chiến tranh, do đạp phải trái nổ trong khi đi lao động.
Điều mà nữ thương binh này bức xúc là sau khi tiếp nhận đơn tố giác, lực lượng làm nhiệm vụ chỉ làm việc cho “qua loa”, kết luận một cách vô căn cứ, cho rằng vết thương của bà xảy ra sau ngày 30/4/1975 (không nêu thời gian cụ thể và không có tên người làm chứng - PV). Sau đó, ngành chức năng địa phương ra quyết định rút thẻ thương binh, giấy chứng nhận nhiễm chất độc hóa học và các chế độ người có công của bà. Quyết định này khiến bà Diệp rơi vào cảnh khốn khó, phần là do già yếu, không có con cái chăm sóc, phần là bị hàng xóm dị nghị cho rằng bà đã làm hồ sơ giả để lấy tiền Nhà nước.
Theo kết luận do ông Võ Hoàng Hiệp (nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, hiện ông Hiệp đang là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau) ký vào ngày 9/4/2015, nêu rõ: “Trong thời kỳ kháng chiến, tuy gia đình bà Diệp ở gần nhà ông Gòng nhưng ông không rõ bà có công tác và bị thương hay không. Ông Gòng khẳng định, từ trước tới giờ ông không xác nhận cho bà Diệp, chữ viết và chữ ký trong hồ sơ thương binh của bà Diệp không phải của ông…”.
Trong khi đó, trước đây, khi tiếp xúc với báo chí và đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, ông Lê Văn Gòng thừa nhận, chữ ký trong hồ sơ của bà Diệp là của ông Gòng và nội dung xác nhận là hoàn toàn đúng sự thật. “Tôi khẳng định rằng, bà Diệp xưa kia là cơ sở của Công an tỉnh do tôi gây dựng”, ông Gòng nói.
Ngoài ra, kết luận còn “phán” một cách tùy tiện và vô trách nhiệm cho rằng ông Gòng không phải là Xã đội phó nên việc xác nhận cho bà Diệp là không hợp lý. Trên thực tế, ông Gòng đã giữ chức vụ Xã đội phó xã Hồ Thị Kỷ vào khoảng năm 1989 đến năm 1992 mới chuyển sang công tác tại Công an xã. Đồng thời, khẳng định vết thương của bà Diệp là sau năm 1975 nhưng cơ sở mà Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau đưa ra để kết luận là... “nghe người dân nói lại”.
Nhân chứng còn sống, việc thật có cơ sở
Cũng theo hồ sơ thể hiện, sau khi hay tin bà Diệp bị thu hồi chế độ thương binh, ông Lưu Văn Nở, bà Năm Hoa, bà Tư Can và một số người biết sự việc đã đồng ký giấy xác nhận gửi cơ quan chức năng cùng nhau kêu oan cho bà Diệp.
Sau khi một số cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau đã vào cuộc xác minh và đi đến kết luận: “Bà Diệp là Hội viên Hội phụ nữ ấp 2, giao liên cơ sở xã Hồ Thị Kỷ, bà được ông Phạm Văn Phát, ông Lê Văn Gòng xây dựng làm cơ sở cho du kích xã để nắm tình hình, phục vụ cho cách mạng. Vào tháng 10/1973, ông Gòng phân công bà Diệp đi nắm tin từ ông Lưu Văn Nở, trên đường đi bị trái nổ và bị thương tại Vàm Hương Liễn. Lúc này, ông Tư Quan phân công bà Lưu Kim Nương đến giải quyết vết thương của bà Diệp, sau đó bà Nương phân công bà Dương Thị Tiến đưa bà Diệp đi Cà Mau điều trị. Khi đến nhà bà Lưu Thị Hoa, do còn con nhỏ nên bà Tiến quay về giao bà Hoa trực tiếp đưa bà Diệp đi điều trị… Sự việc này đến nay còn những nhân chứng sống và xác nhận tại hồ sơ đảng viên, hồ sơ tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, hồ sơ thương binh…”, kết luận của Thanh tra Nhà nước nêu.
Ngoài ra, kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau cũng khẳng định, việc lập hồ sơ thương binh của bà Diệp cũng được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định và đã được cơ quan chức năng xác nhận.
Từ những cơ sở trên, ngày 20/10/2016, ông Lâm Văn Bi (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) ký quyết định chấp nhận đơn khiếu nại của bà Diệp; yêu cầu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau hủy bỏ quyết định “thu hồi giấy chứng nhận thương binh đối với bà Nguyễn Ngọc Diệp”.
Tiếp đó, ngày 14/12/2016, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau ký quyết định hủy bỏ quyết định “thu hồi giấy chứng nhận thương binh đối với bà Nguyễn Ngọc Diệp”; đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng lập thủ tục chi trả các chế độ đối với bà Nguyễn Ngọc Diệp theo quy định hiện hành.
Khi chúng tôi hỏi “bà có yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với những người làm việc tắc trách, dẫn đến bà phải gian nan trên hành trình đòi lại quyền lợi cho mình suốt thời gian qua hay không?” Bà Diệp nói nhẹ nhàng: “Được phục hồi chế độ là quý lắm rồi. Thế hệ trẻ còn có tương lai lâu dài, nếu yêu cầu xử lý trách nhiệm thì tội nghiệp cho tụi nó nên theo tôi thì nếu bỏ qua được cũng nên”.
Tuấn Thanh