Đắk Lắk, bài 1:

Được giao bảo vệ rừng, doanh nghiệp... để mất rừng tràn lan

Trương Nguyễn

(Dân trí) - Được giao quản lý trên 900 ha rừng nhưng công ty Minh Hằng lại buông lỏng quản lý, thuê và cho người bảo vệ rừng canh tác trên đất dự án để trả công dẫn đến rừng bị xâm hại, lấn chiếm tràn lan.

Rừng ngang nhiên bị phá, san ủi trồng cây nông nghiệp

Cuối tháng 12/2021, trong vai là những người đi thuê đất để trồng mì tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp, Đắk Lắk), chúng tôi được nhiều người dân nhiệt tình chỉ vị trí đất cho thuê thuộc lâm phần Công ty TNHH Minh Hằng (Công ty Minh Hằng) bảo vệ, quản lý.

Được giao bảo vệ rừng, doanh nghiệp... để mất rừng tràn lan - 1

Rừng trong lâm phần của Công ty Minh Hằng bị đốn hạ để chiếm đất (Ảnh: Uy Nguyễn).

 Theo một người dân địa phương, suốt thời gian qua, đất rừng tại đây đã bị chặt hạ, san ủi xâm chiếm để cho thuê đất trồng dưa hấu, mì… tràn lan.

Cũng theo người này, nếu thuê đất của Công ty Minh Hằng giá rất rẻ, đất rừng thuê chỉ có giá 200.000 - 300.000 đồng/ha và chỉ cần liên hệ là có đất ngay.

"Các anh chị cứ thuê đất thoải mái, tôi đến múc đất và cày xới giá phải chăng cho. Thuê đất của công ty này thì không phải lo địa phương phạt hay làm khó vì công ty cho thuê thì công ty phải chịu trách nhiệm", người dân này quả quyết.

Được giao bảo vệ rừng, doanh nghiệp... để mất rừng tràn lan - 2

Hàng chục héc ta đất rừng bị san ủi để trồng cây nông nghiệp (Ảnh: Trương Nguyễn).

Lần theo hướng dẫn của người dẫn đường, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng héc ta đất được san ủi bằng phẳng, nhiều khu vực cây rừng vừa bị đốn hạ đang chờ xe vào nhổ lấy gốc, cày đất để chuẩn bị cho mùa hoa màu sắp tới.

Trên đường đi, không khó để bắt gặp cảnh người dân đang xới đất để trồng mì, qua trò chuyện thì những người này đều nói thuê lại đất từ người của Công ty Minh Hằng.

Được giao bảo vệ rừng, doanh nghiệp... để mất rừng tràn lan - 3

Nhiều người dân tiết lộ thuê đất rừng để cày xới, trồng cây nông nghiệp rất dễ dàng (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo hồ sơ, vào tháng 2/2010, Công ty Minh Hằng được UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định cho thuê 983 ha đất tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) tại các tiểu khu 213, 218, 226 và 231 để thực hiện dự án trồng cao su (100 ha) và quản lý bảo vệ rừng.

Trong đó, Công ty chỉ được phép trồng thí điểm 100 ha cao su ở những vùng đất trống, rừng nghèo, cây thưa thớt. Riêng diện tích đất và rừng còn lại Công ty có trách nhiệm quản lý, bảo vệ theo quy định.

Trong quyết định này nêu rõ nếu đơn vị để rừng bị chặt phá, khai thác trái phép phải bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thuê người bảo vệ rừng, lại lấy đất để trả công (!)

Ông Hoàng Ngọc Anh - Cán bộ địa chính UBND xã Ya Tờ Mốt - cho biết, khu vực trồng thí điểm 100 ha trồng cao su của Công ty Minh Hằng thời gian qua không mang lại hiệu quả, cây chết rất nhiều.

Được giao bảo vệ rừng, doanh nghiệp... để mất rừng tràn lan - 4

Cán bộ địa chính xã Ya Tờ Mốt (bên trái) thừa nhận Công ty Minh Hằng buông lỏng quản lý dẫn đến việc đất rừng bị xâm hại (Ảnh: Trương Nguyễn).

Cũng theo vị cán bộ địa chính xã, có xảy ra tình trạng Công ty Minh Hằng buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng mất rừng, nguyên nhân chính do phía công ty đã thuê người bảo vệ rừng nhưng lại cho canh tác trên đất dự án để trả công.

"Công ty đã ký hợp đồng bảo vệ rừng nhưng không trả tiền công mà để họ tự canh tác trồng trọt trên phần đất từng trồng cao su để thanh toán. Người được ký hợp đồng bảo vệ đã nắm được việc này nên đã đưa người vào san ủi đất rừng, phía xã đã nhiều lần vào lập biên bản các vụ việc", ông Ngọc Anh thông tin.

Hiện lãnh đạo của Công ty này hiện đang ở TPHCM và do tình hình dịch bệnh nên hiện vẫn chưa làm việc với UBND xã về việc đất rừng bị xâm hại.

Được giao bảo vệ rừng, doanh nghiệp... để mất rừng tràn lan - 5

Đất rừng bị xâm hại nhưng phía công ty chưa có biện pháp xử lý triệt để (Ảnh: Uy Nguyễn).

Qua tìm hiểu, vào ngày 1/3/2021, Công ty Minh Hằng ký hợp đồng bảo vệ với ông T.V.T (ngụ thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) để bảo vệ tài sản, an ninh diện tích đất rừng. Trong hợp đồng nêu rõ: "Công ty không thanh toán cho ông T. chi phí dịch vụ bảo vệ bằng tiền, mà sẽ để cho ông T. tự canh tác đất trồng trọt để tự thu hoạch lấy đó làm thu nhập (phần đất tại tiểu khu 213 đất trống diện tích khoảng 30 - 35 ha)".

Đến ngày 25/5/2021, Công ty này lại có thông báo chấm dứt hợp đồng với ông T.V.T vì vi phạm một số điều khoản đã cam kết. Trong đó, có việc ông T. đã không thực hiện trồng trọt đúng vị trí lô đất mà công ty cho phép; ông T. dù không được phép nhưng đã tự ý cho thuê lại đất mà không hề thông báo với công ty.

Được giao bảo vệ rừng, doanh nghiệp... để mất rừng tràn lan - 6

Công ty Minh Hằng hợp đồng thuê người bảo vệ rừng nhưng lại cho canh tác trên đất rừng để trả công (Ảnh: Trương Nguyễn).

Vào ngày 5/10/2021, phía Công ty Minh Hằng đã có văn bản gửi UBND xã Ya Tờ Mốt và thừa nhận do tình hình dịch bệnh đi lại khó khăn nên khâu điều động nhân sự tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng chưa được tốt, nhân viên bảo vệ chưa làm tròn trách nhiệm của mình dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất dự án và đất rừng, chặt phá rừng, tự ý cày ủi trồng trọt trái phép trong vùng dự án.

Phía Công ty này cũng cho rằng ông T.V.T đã tự ý cày ủi vùng đất không cho phép xen canh, có dấu hiệu cho thuê, sang nhượng đất của dự án bất hợp pháp.

Trao đổi qua điện thoại, bà Trịnh Thị Phương Thùy - Phó Giám đốc Công ty Minh Hằng - cho rằng, công ty thuê T.V.T làm bảo vệ và cho canh tác trên phần đất mà công ty từng trồng cao su để trả công. Phía ông T. đã thực hiện sai hợp đồng nên đơn vị đã thanh lý hợp đồng nhưng người này vẫn tiếp tục có hành vi san ủi, lấn chiếm đất.

Cũng theo bà Thùy, việc lấn chiếm, phá hoại xảy ra vào thời điểm tháng 3/2021 khi dịch bệnh bùng phát nên bà chưa thể về địa phương để xử lý mà đã đề nghị cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ. Đồng thời, phía công ty cũng vừa thuê 10 người bảo vệ để quản lý rừng.

Vin vào "mác" bảo vệ công ty để liên tục xâm hại rừng

Theo báo cáo của UBND xã Ya Tờ Mốt, vào ngày 15/6/2021, lực lượng chức năng của xã phát hiện 13 ha đất lâm nghiệp tại lâm phần của Công ty Minh Hằng quản lý bị san ủi thành từng lô, thửa để sản xuất nông nghiệp (13 ha đất trên là đất trước đây Công ty Minh Hằng được phép trồng thí điểm cao su nhưng cây chết).

Được giao bảo vệ rừng, doanh nghiệp... để mất rừng tràn lan - 7

Rừng bị phá tràn lan thay vào đó là những héc ta cây nông nghiệp ngắn ngày (Ảnh: Trương Nguyễn).

Cũng theo biên bản của UBND xã Ya Tờ Mốt, tại thời điểm kiểm tra, có ông T.V.T khai là bảo vệ của Công ty Minh Hằng. Tuy nhiên, qua trao đổi điện thoại, lãnh đạo công ty xác nhận đã chấm dứt hợp đồng bảo vệ với ông T. từ tháng 5/2021.

Đến ngày 26/8/2021, UBND xã Ya Tờ Mốt tiếp tục có báo cáo về việc cày xới, san ủi đất để trồng lúa trên lâm phần của Công ty Minh Hằng.

Trong báo cáo nêu rõ, ngày 4/5/2021, tổ tuần tra của xã phát hiện tại tiểu khu 213, 226 bị san ủi khoảng 13ha, người tổ chức san ủi tiếp là ông N.V.T

Tiếp đó, ngày 11/8/2021, lực lượng UBND xã Ya Tờ Mốt tiếp tục phát hiện có tổng cộng 18,7 ha đất rừng của Công ty Minh Hằng bị cày xới. Trong đó, có 1,7 ha chưa rõ đối tượng, 17 ha do bảo vệ của công ty này cài xới (trong đó có 11 ha do ông N.V.T cày).

Trước sự việc, phía UBND xã Ya Tờ Mốt đã có báo cáo UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng có phương án xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.