Dùng thuốc không bảo quản: Tân dược thành độc dược

(Dân trí) - Phần lớn quầy thuốc của các doanh nghiệp dược đã di dời khỏi Trung tâm Dược (TTD), tuy nhiên, tại đây vẫn còn một số quầy bám trụ lại. Trong điều kiện thiếu thốn đủ bề tại TTD cả khách lẫn người bán đều ngán ngẩm.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, hệ lụy của sự nhộn nhạo, thiếu chuẩn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thuốc và sức khỏe người dân.
Nhiều hộ kinh doanh tất bật “thu dọn” các sản phẩm tại các gian hàng của mình
Nhiều hộ kinh doanh tất bật “thu dọn” các sản phẩm tại các gian hàng của mình

Trung tâm Dược thành “lò lửa”

Chiều ngày 18/6, theo ghi nhận của phóng viên tại Trung Tâm dược (TTD), TTTLGV, khác hẳn với những gì hoạt động sôi động như trước đó, cảnh tượng kẻ bán, người mua được diễn ra một cách khá căng thẳng. Tình cảnh lộn xộn, bát nháo xảy ra ở đây diễn ra không phải là cảnh mua bán tập nập mà là cảnh các hộ kinh doanh tất bật “thu dọn” các sản phẩm tại các gian hàng của mình. Thời điểm này nhiều gian hàng tại trung tâm đã đóng cửa, nhiều cửa hàng vẫn tranh thủ  bán nốt chỗ hàng còn lại.

Các chủ cửa hàng còn lại cho rằng, doanh số bán hàng những ngày qua liên tục giảm. Một chủ hộ kinh doanh vẻ mặt buồn bã phân trần: “Còn thuốc thì phải bán cho hết, nhưng mấy ngày này các hộ kinh doanh quá mệt mỏi với quang cảnh lộn xộn ở đây”.

Một hộ kinh doanh khác cho hay: “Không biết vì lý do gì, nhưng mấy ngày qua bảo vệ công ty được rải kín các cổng ra vào. Mục đích của việc làm này là nhằm hạn chế sự tác nghiệp của các cơ quan truyền thông đang ghi nhận tình hình lộn xộn tại đây”. Có mặt khoảng 30 phút tại TTD, chúng tôi đã chứng kiến không ít cảnh tượng không mấy thiện cảm. Cửa hàng nào may mắn, chưa bị dỡ bỏ, thì họ tranh thủ bày thuốc ra bán cho khách. Có không ít hộ kinh doanh bày ra trước sảnh bán nốt số thuốc đang dư khi cửa hàng họ bị dỡ. Nhìn cảnh tưởng đó, nhiều người không khỏi xót xa cho một trung tâm Dược có tiếng ở đây.

Bên cạnh việc mua bán xảy ra một cách chớp nhoáng thì có không ít hộ kinh doanh đã chuẩn thùng giấy, thùng xốp từ rất sớm để gom nốt sản phẩm thuốc của mình. Một hộ kinh doanh vừa cho thuốc vào thùng, vừa nói trong nước mắt: “Tôi đã yên ổn kinh doanh tại đây hơn chục năm, thế mà bỗng dưng bị đuổi đi”.

Vào trưa ngày 18/6, theo các tiểu thương tại đây phản ánh, TTD liên tục mất điện. Dưới trời oi bức, điều hòa bị vô hiệu, hàng trăm con người chen chúc trong nhà C9 đã biến nơi đây thành “lò lửa”. Ẩm mốc, nắng nóng đã khiến khách hàng lo ngại về chất lượng thuốc đang lưu hành tại đây.

Tân dược thành độc dược

Như Dân trí đã có loạt bài phản ánh về tình trạng xuống cấp tại TTD, nói về sự ảnh hưởng của cơ sở vật chất, hệ thống bảo quản thiếu chuẩn tới chất lượng thuốc, một chuyên gia về ngành dược cho rằng: Hiện nay các nhà thuốc đang phấn đấu theo quy định chuẩn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ trên thị trường. Với bất cứ một chuẩn quy định nào cũng đều để đảm bảo thuốc đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất. Thông thường thuốc được bảo quản ở nhiệt độ 25 độ C, nếu quá nóng hoặc quá ẩm cũng sẽ làm suy giảm phần nào chất lượng ban đầu của thuốc.

Mặc dù, hiện cũng có nhiều loai thuốc nhập khẩu từ Hàn Quốc hay các nước khác cho phép bảo quản ở nhiệt độ lên tới 35 độ C, nhưng cũng không có nghĩa những loại này lưu giữ ở những nơi cơ sở vật chất chật chội, ẩm thấp sẽ đảm bảo chất lượng. Những loại thuốc không được bảo quản tốt sẽ gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe của hang vạn người tiêu dùng.

Để có thuốc tốt nhất đến tay người dân chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý và các bộ phận kỹ thuật liên quan quản lý chất lượng thuốc. Các cơ quan chức năng cũng đang từng bước ép các doanh nghiệp tân dược khi bán buôn, bán lẻ thuốc phải tại các cửa hàng có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để đảm bảo tốt nhất chất lượng thuốc cho người tiêu dùng. Nếu cơ sở nào không đảm bảo đủ các quy chuẩn như Bộ Y tế quy định cũng cần nên xem xét quy hoạch lại. Khi các cửa hàng bán buôn, bán lẻ thuốc tân dược được đảm bảo tức là chất lượng cũng được đảm bảo cho người dân.

Theo các chuyên gia y tế, nếu thuốc được bảo quản không tốt sẽ giảm chất lượng và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Thậm chí, các loại thuốc không những không có tác dụng mà còn gây thêm bệnh cho người sử dụng. Bộ Y tế cũng yêu cầu bắt buộc đối với các nhà thuốc được về bảo quản thuốc, nơi bán thuốc phải duy trì ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, độ ẩm bằng hoặc dưới 75 %. Như vậy, nếu cơ sở hạ tầng của TTD không đủ quy chuẩn của Bộ Y tế đang biến các loại tân dược thành độc dược nếu không được bảo quản tốt.
 
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Theo quy định của Nghị định số 79, Thông tư số 02, Thông tư số 48 thời hạn cấp giấy chứng nhận “Thực hành tốt phân phối thuốc”, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc lần lượt là 3 và 5 năm. Ngoài ra, không có văn bản quy phạm nào quy định việc cấp giấy phép tạm thời cũng như không quy định việc cấp giấy phép có thời hạn cấp giấy phép có thời hạn thấp hơn thời hạn quy định của pháp luật. Do đó, không có cơ sở pháp lý rõ ràng để cấp phép cho các cơ sở bán buôn thuốc trên khu đất thuộc Trung tâm. Nghị định 79 do Thủ tướng ban hành, như vậy Sở Y tế Hà Nội với các giấy phép gia hạn 6 tháng/lần đã vi phạm quy định của Chính phủ trong lĩnh vực kinh doanh thuốc.

Đủ chuẩn chỉ là… thiểu số
Một cuộc khảo sát 30 nhà thuốc tại 7 quận nội thành trên địa bàn Hà Nội do trường Đại học Dược Hà Nội tiến hành cho thấy, chỉ có 2 nhà thuốc có tủ lạnh bảo quản thuốc, 5 nhà thuốc có giá, kệ để hàng. Phần lớn các kho thuốc quá chật chội, thiếu diện tích thông thoáng. Nhiều kho vừa là nơi bảo quản vừa là nơi xuất hàng. Mặc dù, có nhiều loại thuốc bắt buộc phải được bảo quản trong môi trường phù hợp.

 Ban Bạn đọc