Trung tâm Dược, Triển lãm Giảng Võ: Điệp khúc mưa là ngập

(Dân trí) - Mới đầu mùa mưa nhưng các tiểu thương kinh doanh tại Trung tâm Dược, Trung tâm Triển lãm Giảng Võ đã “ngấm đòn” ngập lụt. Điệp khúc cứ mưa là ngập đã khiến chủ hàng, khách hàng ngán ngẩm.

Nền nhà nhớp nháp sau khi đã được xử lý nước tràn vào tại nhà C1C2
Nền nhà nhớp nháp sau khi đã được xử lý nước tràn vào tại nhà C1C2

“Bơi” trong nhà thuốc

Trận mưa chiều ngày 14/6 tại Hà Nội lại một lần nữa biến Trung tâm Dược, TTTL Giảng Võ thành “bể nước”. Chủ quầy thuốc 67 cho biết: “Nhân tiện vụ ngập nước hôm qua (14/6), hôm nay quầy của em chuyển hàng luôn đến địa điểm mới. Hôm trước mưa bình thường nhưng khi nhân viên đi vệ sinh đã phải lội nước ngập đến đầu gối, còn trận mưa chiều qua thì TT Dược lại điệp khúc ngập nặng. Nhiều quầy bị nước dềnh vào, nên sáng nay nhân viên phải thay nhau phơi thuốc”.

Một khách hàng thường xuyên phân phối, nhập thuốc tại TT Dược cho biết tình trạng ngập lụt tại đây diễn ra thường xuyên. Tại khu C9, nơi có nền nhà cao nhưng mỗi khi mưa to, chỉ cần ô tô chạy qua là nước ngoài sân lại ầm ầm tuôn vào nhà. Nghiêm trọng nhất về tình trạng ngập nước là tại khu nhà C1C2.

Anh Cường, chủ một quầy thuốc tại nhà C1C2 cho biết: “Nhiều nhà bị nước ngập đã phải phơi thuốc. Quầy của tôi may có nền cao nên không lâm vào tình trạng chết dở như những quầy thấp”.

Theo ghi nhận của PV tại nhà C1C2, TT Dược vào sáng 15/6 nhiều nơi nước vẫn lênh láng trên nền nhà. Tại đây, nền nhà C1C2 thấp hơn so với sân, mặc dù đã được xây gạch ngăn cao tại cổng vào nhưng nước vẫn dềnh vào trong khi mưa to. Tại kho thuốc nước vẫn ướt đẫm nền nhà. Đất, bùn, cát, dấu chân đã khiến đường vào kho thuốc nhem nhuốc, lầy lội.

Tình trạng nêu trên đã tồn tại ở TT Dược từ nhiều năm qua. Chủ một quầy thuốc nhà C9 nói: “Mùa mưa thì mái dột, nước chảy bám theo tường đổ xối xả xuống sàn nhà. Những ngày mưa to nước từ trên xuống, nước tràn từ ngoài vào dềnh lên tới mắt cá chân. Tại nhà C9, ảnh hưởng nhiều nhất là các quầy hàng sát tường, cứ mưa là nước chảy bám vào ướt cả nền nhà lẫn kho thuốc của mỗi quầy”.

Phản ánh của chủ các quầy thuốc là hoàn toàn có cơ sở bởi góc tường các nhà C9, C1C2 đang hiện hữu những vết mốc thâm sì do nước mưa để lại. Điển hình là phần tường nhà C9 từ quầy 63 tới quầy 67 chạy tới hết góc tường. Tại góc nhà C9 theo hướng từ quầy 63 tới quầy 69 vết ẩm mốc do dột nước kéo dài, trải rộng từ trần tới nền nhà. Chủ một quầy hàng tại đây bức xúc: “Phần lớn các loại thuốc đều yêu cầu phải đảm bảo đủ điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ bảo quản nhưng ở đây thì ngày thường đã ẩm thấp, mùa mưa càng tệ hại hơn”. Giám đốc Công ty TNHH dược phầm Tô Việt cho biết: “Mưa ngập, chỉ cần bên ngoài, xe đi qua, sóng đánh là nước lại cuồn cuộn chảy vào khắp sàn các quầy thuốc”.

Hình ảnh nhếch nhác, ẩm thấp, bẩn thỉu không chỉ riêng nhà C9 mà theo các tiểu thương tại Trung tâm Dược, thậm chí, nhiều quầy thuốc được bố trí ngay cạnh nhà vệ sinh như tại nhà C1C2. Một chủ quầy tại đây nói: “Rất mất vệ sinh dù thuốc được đóng gói kỹ”.

Tìm địa điểm mới tránh đất vào dự án

Những hệ lụy xấu từ cơ sở hạ tầng và sự “bất minh” của TT Dược khi phân chia lại diện tích, đăng ký đã khiến nhiều công ty dược khốn đốn thời gian qua. Nhiều quầy thuốc đã chọn những địa điểm khác có điều kiện tốt hơn để kinh doanh. Theo họ, ngoài những hệ lụy nêu trên thì nguyên nhân quan trọng khiến họ lo lắng nhất đó chính là việc đất của TT triển lãm Giảng Võ đã gần hết hạn thuê đất với TP Hà Nội và tại đây đã được Chính phủ phê duyệt một dự án mới từ nhiều năm qua.
Một góc mốc meo vì ẩm thấp tại TT Dược
Một góc mốc meo vì ẩm thấp tại TT Dược

Qua xác minh của PV cho thấy những nghi ngại của các doanh nghiệp dược, các tiểu thương tại TT Dược, TT triển lãm Giảng Võ là hoàn toàn có cơ sở. Theo đó, diện tích đất tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia.

Ngày 29/12/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản số 348 Tb-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ Tướng Hoàng Trung Hải về dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia. Ngày 12/3/2009 UBND TP Hà Nội đã ra quyết định số 1221/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Trung tâm Thương mại, Dịch vụ, Văn hóa tại sô 148 phố Giảng Võ. Ngày 31/5/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại ra văn bản chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam: “… khẩn trương tiến hành hoàn thiện thủ tục để sớm triển khai dự án Trung tâm Thương mại, Dịch vụ, Văn hóa tại Giảng Võ theo đúng nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận…”. Cũng theo tinh thần chủ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Công ty TNHH một thành viên Trung tâm HCTL Giảng Võ chỉ có 20% cổ phần. Như vậy, với mức cổ phần này thì Công ty TNHH một thành viên Trung tâm HCTL Giảng Võ khó có quyền phủ quyết và khi đó trong trường hợp các đối tác không muốn tồn tại chợ thuốc thì dĩ nhiên các tiểu thương lại một lần nữa bị đẩy ra đường.

Tiêu chuẩn để được chứng nhận đạt chuẩn GPP (viết tắt của Good Distribution – Thực hành tốt phân phối thuốc: “Khu vực bán thuốc có diện tích tối thiểu là 30m2; dung tích tối thiểu là 100 m3; có chỗ rửa tay cho người bán và người mua, có đủ thiết bị để bảo quản thuốc tránh được các ảnh hưởng bất lợi của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, sự ô nhiễm, sự xâm nhập của côn trùng”. Với những yêu cầu cao nêu trên thì khi sửa xong TT Dược liệu có đạt chuẩn.
 
Theo hợp đồng thuê đất số 116-24599 của Sở Địa chính Hà Nội (nay là Sở TNMT) Trung tâm triển lãm Giảng Võ sẽ hết hạn thuê đất của TP Hà Nội trong hơn 3 năm tới. Nhưng theo Nghị định 79/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược yêu cầu rõ về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có thời hạn là 5 năm từ ngày cấp. Tiếp đó, trong thông tư 48/2011/TT-BYT quy định về nguyên tắc “Thực hành tốt phân phối thuốc” thì thời hạn hiệu lực GPP là 3 năm. Trước các mốc thời gian trên cộng thêm thời gian Trung tâm này phải nâng cấp sửa chữa không biết đến bao giờ Trung tâm dược mới có thể đáp ứng theo quy chuẩn của Bộ Y tế?
 
Ban Bạn đọc