Hà Nội:
Doanh nghiệp chết đứng vì bị xử sự kiểu “đánh úp”
(Dân trí) - Ngày 11/6, hàng loạt đơn vị có quầy kinh doanh tân dược tại Trung tâm buôn bán thuốc tân dược, Triển lãm Giảng Võ gửi đơn đến các cơ quan chức năng… khiếu nại về chuyện bị chèn ép trong việc phân bổ, cho thuê diện tích kinh doanh tại đây.
Nhiều quầy thuốc bị đẩy ra ngoài đường vô cớ trong khi họ đã có gần 20 năm gắn bó tại Trung tâm này.
Tức tưởi phải ra đi
Trước đó, ngày 4/6, nhiều người kinh doanh thuốc tân dược “ngã ngửa” khi đột xuất nhận được thông báo số 1/TB-HCTL của Công ty TNHH một thành viên Hội chợ triển lãm Việt Nam (gọi tắt là Công ty) về việc đăng ký quầy tại C9 – C10; C1- C2 (tầng 1, 2) và A8. Theo thông báo này, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của các quầy đã hết hạn, Công ty sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cấp. Điều lạ lùng là trong điều 3 và 4 của thông báo này có nêu: “Những vị trí quầy đã gạch chéo (24 quầy – PV), xin không đăng ký” (có sơ đồ kèm theo). Thời gian nhận đăng ký trước ngày 6/7/2012”.
Mặc dù đến ngày 30/6, các quầy thuốc ở đây mới hết hạn hợp đồng nhưng loa của Trung tâm vẫn ra rả yêu cầu các hộ kinh doanh phải lập tức trả lại quầy. Vào ngày 11/6, gần 20 hộ kinh doanh tại khu C10 dưới sức ép của bảo vệ và lãnh đạo Trung tâm đã phải “khóc dở, mếu dở” dỡ bỏ hàng hóa, di chuyển tủ và các tài sản liên quan ra khỏi vị trí mà mình đã gần 20 năm buôn bán. Họ không hề được tống đạt bất cứ thông báo nào nêu đích danh tên mình phải ra đi. Họ cũng không hiểu nguyên nhân nào phải di dời hàng hóa trả lại quầy trong khi hợp đồng chưa hết hạn và tại sao có nhiều quầy thuốc khác “nghiễm nhiên” được ở lại.
Thấy bị “xử ép”, các doanh nghiệp vội vàng lên gặp lãnh đạo công ty để đăng ký quầy thì họ phải “chừa” ra khoảng 24 vị trí. Bởi lẽ, theo các cán bộ công ty, 24 vị trí này mặc nhiên đã có người “chiếm lĩnh”. Ngoài 24 vị trí trên, các quầy ở vị trí thuận tiện cũng đã có người “cắm cờ”. Hầu hết các quầy muốn ở lại thì phải lên trên tầng 2, ở những vị trí khuất nẻo.
Tại thông báo số 1/TB-HCTL của Công ty TNHH một thành viên Hội chợ triển lãm Việt Nam, ông Kiều Khánh Hội, Phó GĐ Công ty cho biết: “Các đơn vị đang kinh doanh có nhu cầu tiếp tục kinh doanh phải đăng ký vào các địa điểm (có sơ đồ kèm theo - PV). Nếu vị trí nào có nhiều người cùng đăng ký thì sẽ bốc thăm”. Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của ông Hội, các hộ kinh doanh cho biết đến nay chẳng có doanh nghiệp nào được bốc thăm cả mà chỉ nhận được lệnh phải di dời.
Xử sự kiểu “đánh úp”
Trong đơn kiến nghị gửi đến Báo Dân trí, ông Nghiêm Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Nam Trang cho rằng: “Việc làm của Công ty TNHH một thành viên Hội chợ triển lãm Việt Nam là không minh bạch và dân chủ. Đáng ra họ phải thông báo cho chúng tôi ít nhất là 15 ngày để chúng tôi di dời chứ không có chuyện “một đập ăn quan” như thế này. Hơn nữa, công ty phải đưa ra các quy chuẩn rằng tiêu chí nào thì được ở lại, tiêu chí nào thì phải ra đi. Đằng này, chẳng có cuộc họp nào được tổ chức, chẳng có điều kiện nào được đặt ra.
Dược sỹ Đỗ Xuân Thủy, GĐ Công ty TNHH dược phẩm Thắng Lợi nói: “Công ty mở rộng diện tích các quầy thuốc theo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế thì hộ đi, hộ ở là điều đương nhiên. Tuy nhiên cũng phải nêu rõ lý do tại sao chúng tôi phải ra đi chứ? Chúng tôi đều tuân thủ nội quy, nộp thuế đầy đủ, không buôn gian, bán lậu. Tại sao công ty lại cách đối xử bất bình đẳng như vậy? Đáng lẽ ra, để công bằng thì công ty phải tổ chức bốc thăm. Nếu ai trúng thì ở lại, ai trượt thì ra đi. Có như thế thì chúng tôi mới không thắc mắc, khiếu kiện. Đằng này, công ty lại xử sự kiểu “đánh úp” thì làm sao chúng tôi có thể chấp nhận được?” |
Ban Bạn đọc