Dùng tài khoản cá nhân để quyên tiền từ thiện: Lỗ hổng để trục lợi?
(Dân trí) - Luật sư cho rằng, việc sử dụng tài khoản cá nhân để quyên tiền từ thiện là lỗ hổng để những đối tượng đội lốt từ thiện thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây nguy hại cho xã hội.
Việc danh hài Hoài Linh chậm giải ngân hơn 13 tỷ đồng khán giả gửi cứu trợ miền Trung làm dấy lên mối quan tâm về cách hoạt động thiện nguyện của giới nghệ sĩ. Nhiều người cho rằng, cầm tiền ủng hộ của những người đã tin tưởng mình thì cần phải rõ ràng minh bạch. Không đủ khả năng làm được thì để người khác có chuyên môn làm.
Ở lần cứu trợ miền Trung năm ngoái, ca sĩ Thủy Tiên từng bị một nhóm khán giả lập fanpage tẩy chay vì cho rằng cô không minh bạch việc dùng tiền từ thiện. Khi đó, Thủy Tiên nói: "Tôi đề cao chuyện minh bạch tiền quỹ". Tuy nhiên với sự việc lùm xùm gần đây, dư luận vẫn đang chờ đợi động thái của cô trong việc công khai minh bạch số tiền ủng hộ của các mạnh thường quân.
Tương tự là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Trấn Thành cũng đang bị nhắc tên liên quan đến những nghi vấn lùm xùm tiền từ thiện.
Trấn Thành mới đây đã đưa ra hàng nghìn bản sao kê của ngân hàng để chứng minh sự trong sạch của mình. Tuy nhiên tính xác thực của nó vẫn còn khiến nhiều người hoài nghi vì có một số điểm chưa hợp lý.
Nên chấn chỉnh lại việc cá nhân gây quỹ ủng hộ từ thiện
Đó là ý kiến của nhiều độc giả Dân trí. Theo đó, nên chăng quy định không được dùng tài khoản cá nhân để nhận ủng hộ? Ai muốn ủng hộ thì phải đăng ký với ngân hàng, tài khoản ủng hộ từ thiện sẽ có một đầu số chung, mặc nhiên tài khoản này phải được sao kê công khai.
Bạn đọc Lã Thu Hương viết: "Tuy không có ý nói rằng các nghệ sĩ trên đã ăn chặn tiền ủng hộ, nhưng tôi thấy việc lấy một lý do rằng "chúng tôi thừa sức làm ra từng ấy tiền" để chứng minh không gian lận tiền, là không hợp lý. Nên nhớ rằng có không ít đại gia, doanh nghiệp lớn thậm chí còn hơn thua, ăn chặn cả lương tháng của công nhân.
Đối với đồng tiền, thì lòng tham đánh bại lý trí lúc nào không hay. Hơn nữa, 4,7 tỷ hay 14 tỷ, tuy có thể là "thu nhập hàng tháng" của các vị, nhưng là thu nhập cả đời người, thậm chí nhiều đời của người đã gửi tiền cho các vị. Vì vậy, một câu nói ám chỉ như vậy tôi thực sự thấy là một sự khoe mẽ và là sự xúc phạm đối với những người đã ủng hộ tiền.
Vì vậy, tôi hoàn toàn nhất trí với việc tài khoản dùng để quyên góp từ thiện cần phải riêng biệt với tài khoản cá nhân, để thuận tiện sao kê đối chứng công khai sau này".
Đã liên quan đến vật chất, tiền bạc thì việc bắt buộc phải có ghi chép cân đối thu-chi rõ ràng như một quy định bắt buộc, đó là quan điểm của bạn đọc Việt Anh: "Sau này người đứng ra kêu gọi lòng từ thiện quyên góp được hàng chục, hàng trăm tỷ để ủng hộ vùng miền và người dân gặp thiên tai dịch bệnh đang gặp khó khăn, đó là nghĩa cử cao đẹp xã hội ghi nhận họ. Tuy vậy việc bắt buộc phải công khai khoản tài chính, vật chất là điều cần có quy định chặt chẽ, nhất định phải chống tiêu cực, lợi dụng uy tín cá nhân hô hào quyên góp để trục lợi cá nhân trong đó, mọi sự thắc mắc nghi vấn, tố giác cần được điều tra xem xét đúng luật và nếu người tố giác bịa đặt vu khống cũng phải bị xử lý...
Mỗi cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện cần thể hiện tấm chân thành bằng việc phải minh bạch các khoản thu-chi, nếu không làm được thì xã hội có quyền coi đó là có vấn đề và họ nêu ra là chính đáng".
Cho rằng cần siết các hoạt động từ thiện tự phát bằng những quy định cụ thể, bạn đọc Thái An: "Lòng tốt sẽ không thể nào lan tỏa nếu không được định hướng và quản lý một cách có hệ thống. Từ thiện cũng phải chuyên nghiệp để hạn chế đến mức tối đa những vụ việc đáng tiếc, đồng thời giúp công cuộc hỗ trợ người khó khăn được diễn ra nhanh chóng, chính xác và an toàn hơn.
Hoạt động từ thiện là chuyện đáng tuyên dương và nhân rộng. Nhưng nếu cứ mạnh ai nấy làm, không theo nguyên tắc, sẽ dẫn đến chồng chéo, thiếu hiệu quả. Thậm chí gây tác động ngược, làm tổn thương đến cả người được nhận từ thiện và người quyên góp".
Dùng tài khoản cá nhân để vận động, quyên góp có đúng quy định của pháp luật không?
Nhiều luật sư cho rằng, hiện nay, các hoạt động từ thiện diễn ra ngày càng nhiều nhưng thiếu tính công khai, minh bạch ở các hình thức cá nhân tự đứng ra phát động và quyên góp, sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền từ thiện. Chính điều này sẽ là lỗ hổng để những đối tượng nguy hiểm đội lốt từ thiện thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây nguy hại cho xã hội.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, các cá nhân hiện nay hoạt động từ thiện, quyên góp để làm từ thiện phân bổ hàng cứu trợ chưa có pháp luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể. Việc dùng tài khoản cá nhân để quyên góp làm từ thiện thì về pháp lý cũng chỉ là tài khoản cá nhân mà thôi chứ không phải tài khoản làm từ thiện hay quỹ từ thiện.
Trong đó, việc dùng tài khoản cá nhân để quyên góp, kêu gọi ủng hộ việc từ thiện là chưa tuân thủ quy định tại Nghị 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này có quy định về thủ tục thành lập quỹ từ thiện. Do vậy nhiều nghệ sĩ dùng tài khoản cá nhân để quyên góp từ thiện là chưa đúng pháp luật.
"Cần có những quy định rõ ràng về nguyên tắc hoạt động của hoạt động cứu trợ (ví dụ như hạn chế làm việc cá nhân, cần có tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ...). Việc một cá nhân có thể dùng danh tiếng và uy tín của bản thân để vận động được hàng chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng, vừa là điều đáng mừng, vừa đáng lo khi người đó không thể kiểm soát được toàn bộ những hệ lụy liên quan. Phải làm sao để những đồng tiền từ thiện mới đến được đúng nơi, đúng lúc, tránh bị thất thoát, lợi dụng", Luật sư Xuyến đề xuất.
Các quy định tại Nghị định 64/NĐ-CP năm 2008 đã quá cũ, không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội ở thời điểm hiện tại. Mới đây, Dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ.
Những điểm mới cơ bản như sau:
- Đối tượng được phép tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện: Ngoài Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng thì còn có các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, Các tổ chức tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình và Các cá nhân.
- Tổ chức huy động từ thiện phải công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hàng đóng góp tự nguyện trước từ 1 - 3 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện; công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ.
- Cá nhân khi vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tiếp nhận.
- Đồng thời, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi tài trợ để đảm bảo phân phối kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng.
- Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.