Minh bạch từ thiện: "Nhiều nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, phải chấn chỉnh"

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - "Nếu có sự trục lợi từ thiện thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo các tội danh về lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác", Luật sư Lê Văn Hồi nói.

Cần bộ quy tắc chấn chỉnh nghệ sĩ lệch chuẩn

Khi câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện đang gây ồn ào, một số nghệ sĩ Việt bị "tố" không minh bạch tiền từ thiện, bị yêu cầu công khai sao kê tiền từ thiện thì Bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoàn thiện càng được chú ý.

Nội dung nổi bật trong dự thảo Bộ quy tắc ứng xử là vấn đề nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện; không lợi dụng sự nổi tiếng, danh nghĩa nghệ sĩ để trục lợi cá nhân.

Minh bạch từ thiện: Nhiều nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, phải chấn chỉnh - 1

VTV đề cập vấn đề minh bạch là điều quan trọng nhất khi nghệ sĩ đứng ra kêu gọi từ thiện (Ảnh: Chụp màn hình).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về vấn đề này, ca sĩ Tùng Dương, một nghệ sĩ nhiều năm nhiệt tình với công việc thiện nguyện, cho rằng cần có bộ quy tắc ứng xử này. "Nó sẽ giúp các nghệ sĩ làm thiện nguyện minh bạch hơn, tránh những lùm xùm không đáng có. Nghệ sĩ là những người nhạy cảm, họ hành động theo trái tim, theo cảm xúc nên có thể không chuyên nghiệp như nhiều tổ chức. Tuy nhiên với bản quy tắc này, họ sẽ cẩn trọng hơn, minh bạch hơn với công việc thiện nguyện của mình", nam ca sĩ bày tỏ.

Anh chia sẻ thêm, nếu bắt nghệ sĩ phải công khai toàn bộ sao kê, chứng từ khi từ thiện nếu không sẽ bị xử phạt thì có thể có người sẽ bị tổn thương, sẽ e dè trong hoạt động thiện nguyện. Tuy nhiên, nếu là một khuyến nghị để các nghệ sĩ có ý thức thực hiện thì Bộ quy tắc ứng xử là rất cần thiết.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhận định thời gian qua, nhiều nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn cần phải chấn chỉnh. Bộ quy tắc ứng xử rất quan trọng trong việc định hướng, để các nghệ sĩ biết việc nào nên làm, không nên làm, không được phép làm.

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, trong rất nhiều hành vi lệch chuẩn, không phù hợp trong thời gian qua của các nghệ sĩ, phần lớn nguyên nhân đến từ nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng về hoạt động, chia sẻ, hành vi của họ trên mạng xã hội và ngoài đời thật. "Nguồn gốc sâu xa đến từ nhận thức nên cần định hướng nhận thức cho các văn nghệ sĩ", PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

"Trục lợi từ thiện là hành vi vi phạm pháp luật hình sự"

Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc một số nghệ sĩ Việt cho rằng Bộ Văn hóa cần áp dụng chế tài, xử phạt khi ban hành Bộ quy tắc ứng xử, đặc biệt là hành vi không minh bạch trong hoạt động quyên góp từ thiện; luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật TNHH My Way cho rằng: "Bộ Quy tắc ứng xử không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do vậy sẽ không thể bổ sung các chế tài xử phạt như phạt tiền, cấm sóng ... Những chế tài này sẽ được quy định bởi các nghị định của Chính phủ, còn Bộ quy tắc ứng xử được ban hành chỉ có ý nghĩa trong việc định hướng ứng xử, hành vi của nghệ sĩ trong quá trình hành nghề của mình".

Minh bạch từ thiện: Nhiều nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, phải chấn chỉnh - 2

Luật sư Lê Văn Hồi.

Theo luật sư Lê Văn Hồi, yêu cầu minh bạch là vấn đề cần thiết trong hoạt động từ thiện. "Thứ nhất, muốn hoạt động từ thiện bài bản, chuyên nghiệp, minh bạch thì các nghệ sĩ nên thành lập các Quỹ từ thiện. Khi đó, việc nhận ủng hộ từ các mạnh thường quân, tham gia các hoạt động từ thiện sẽ đều phải được hạch toán theo chuẩn mực kế toán chung.

Trường hợp chưa thể thành lập Quỹ từ thiện, thì các nghệ sĩ cần tách biệt rõ ràng tài khoản độc lập dành cho từ thiện, tài khoản của cá nhân. Việc minh bạch là tất yếu và cần thiết cho cả uy tín, danh dự của nghệ sĩ và những mạnh thường quân.

Thứ hai, đối với những hoạt động từ thiện đã diễn ra của các nghệ sĩ, yêu cầu minh bạch là cần thiết nếu phát thiện có khuất tất. Ở đây, với vai trò là người trung gian/người được ủy quyền, nghệ sĩ có nghĩa vụ chuyển tiền nhận được từ mạnh thường quân đến tổ chức, cá nhân được nhận cho từng đợt quyên góp từ thiện", luật sư Lê Văn Hồi nói.

Luật sư Lê Văn Hồi khẳng định: "Nếu có đầy đủ chứng cứ, chứng minh có sự trục lợi từ hoạt động từ thiện thì đây có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, tùy thuộc hành vi cụ thể có thể bị xử lý theo các tội danh về lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm