Đụng lợn ăn Tết

Hoàng Lam

(Dân trí) - Ngày làng tổ chức đụng lợn Tết, bọn trẻ con chúng tôi háo hức chờ bát cháo lòng nóng hổi, thơm phức cha sẽ mang về.

27 Tết, mẹ đã gọi điện: "Hàng xóm đụng lợn đấy. Lợn nuôi thả vườn hơn nửa năm rồi, chỉ ăn cám, ngô với rau thôi, thịt ít mỡ, thơm mà ngon lắm, mẹ mua cho mấy cân đây, về mà lấy nhé".

Không khí nhộn nhịp ngày làng đụng lợn ăn Tết và bát cháo lòng nóng hổi, ngọt lừ, thơm nức mũi bỗng ùa về trong ký ức.

Đụng lợn ăn Tết - 1

(Ảnh minh họa: vietnamnet).

Tôi sinh ra một năm trước khi đất nước đổi mới ở một làng quê độc canh cây lúa của mảnh đất xứ Nghệ "nắng cháy đồng, mưa thối đất". Làng tôi nghèo lắm. Nghèo đến nỗi nhà tôi làm hơn một mẫu ruộng nhưng cứ gặt xong, hoàn thành việc nộp sản phẩm thì mẹ tôi phải ngồi căn ke làm sao số lúa còn lại có thể ăn đến mùa gặt tới.

Cái đói ăn cứ đeo đẳng cả trong giấc ngủ của những đứa trẻ lên 3, lên 5 như chúng tôi ngày ấy. Cơm còn chia từng bát, bởi vậy, thịt, cá là thức ăn xa xỉ trong mâm cơm của gia đình tôi, mà có lẽ là mâm cơm của cả làng ngày ấy. Có chăng, ngày Tết, mâm cơm mới đầy đủ thịt, cá, nhưng cũng phải ăn dè bởi còn phải dọn cỗ cúng, tiếp khách.

Từ ngoài 20 tháng Chạp, mẹ đã bắt đầu sắm sửa cho Tết, từ củ hành, ống giang, lá dong... còn gạo, nếp, rau củ nhà tôi tự làm được. Gọi là sắm sửa, thực chất là mua sớm thì có chăng giá sẽ rẻ hơn.

Nếu may mắn, chúng tôi sẽ được mua một bộ quần áo mới, hoặc mẹ sẽ cố gắng để 4 đứa con có manh áo mới "diện" Tết. Những cái áo đủ rộng để có thể mặc đến 2 năm, nhưng chẳng hề gì, chúng tôi sẽ hít hà mãi mùi áo mới và chí chóe tranh cãi xem màu áo ai đẹp hơn. Không biết mẹ chọn màu áo theo tính cách của từng đứa hay đơn giản là theo ý thích của bà, áo chị tôi và thằng em trai tôi luôn là màu đỏ hoặc vàng cam, còn áo tôi luôn là màu hồng hoặc xanh hòa bình...

Không khí Tết chộn rộn hơn từ ngày cúng ông Công, ông Táo. Hôm ấy, mẹ sẽ làm bánh ngào để cúng, thay vì cúng cá chép như ở ngoài Bắc. Mẹ nhào bột nếp thật mịn, nặn thành từng viên hình tròn, khéo léo để nhân đậu xanh vào giữa, thả vào nồi mật đang sôi sùng sục trên bếp, rắc thêm ít sợi gừng tươi.

Sau lễ cúng, chúng tôi sẽ được đánh chén thứ bánh ngọt lừ, thơm mùi gừng và mật mía ấy. Ngày trước, khi nhà nước chưa cấm, những buổi tối, cha tranh thủ lấy tập sách vở cũ, vỏ giấy xi măng cắt thành từng tệp cuốn thành ống, nhồi thuốc nổ vào, đặt ngòi bấc để làm pháo.

Cha bỏ thuốc xong, nhét lại, chúng tôi sẽ dùng một miếng gỗ, lăn đè quả pháo cho thật chắc. Cha bảo, phải lăn thật kỹ thì pháo mới nổ to, tiếng đanh giòn. Tiếng pháo nổ giòn trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới sẽ báo hiệu một năm mọi việc hanh thông, thuận lợi, làm ăn gặp nhiều may mắn.

Háo hức nhất với chúng tôi là ngày cha đi "đụng lợn" Tết. Tôi không hiểu tại sao gọi là "đụng", chỉ biết cha sẽ đến nhà một bác nào đấy trong xóm, ở đó đã có nhiều người rồi. Non trưa, cha sẽ về, cùng với một rổ đựng đầy thịt, đủ loại, từ thịt mông, thịt vai, ba chỉ, lòng và cả xương.

Đụng lợn là vậy, mọi phần của con lợn chia đều cho từng hộ tham gia. Trong khi mẹ hì hụi phân loại, chỗ nào làm món thịt khúc, chỗ nào nấu thịt đông, chỗ nào nấu giả cầy thì cha lại đi. Lợn đụng xong, nước luộc lòng và một ít gan, tiết sẽ được nấu cháo, đó là món "bồi dưỡng" cho những người tham gia làm thịt lợn.

Cha sẽ múc về một bát cháo thật to, không đặc lắm, nhưng thơm phức cho chúng tôi. Trong cái lạnh tái tê, lũ chúng tôi sẽ vục mặt vào bát cháo mà xì xụp. Hạt gạo mềm, nở bung đã chuyển sang màu nâu của tiết, cháo nhuyễn, lóng lánh cả những váng mỡ nhỏ, trong cái cảnh đói ăn thường xuyên thì có lẽ, đây là món cháo ngon nhất chúng tôi từng ăn.

Chắc hẳn bạn đọc sẽ thắc mắc, vì sao ngày Tết mẹ tôi lại nấu món giả cầy?. Đó là những miếng thịt thủ hay phần ba chỉ, thịt đùi mà mỡ nhiều hơn nạc. Mẹ sẽ để riêng một bên, gia giảm các loại gia vị, lót một lớp củ riềng cắt lát từ đáy lên thành chiếc sanh đất và đun thật kỹ bằng ngọn lửa liu riu.

Mỡ từ miếng thịt sẽ chảy ra cho bớt ngán, thứ nước mỡ ấy hòa lẫn với gia vị, ngấm vào từng miếng củ riềng. Ngày Tết, đến bữa, cứ xắn một phần sanh, dọn ra mâm. Gắp một miếng thịt, bỏ lên bát cơm nóng, nhìn nước thịt đông tan dần, ngấm vào cơm và vào miệng cứ gọi là xuýt xoa vì ngon tê lưỡi.

Tất nhiên, món giả cầy ấy chúng tôi sẽ được ăn thoải mái hơn thịt súc, thịt đông hay thịt kho tàu - những thức ấy, mẹ sẽ để dành để dọn mâm khi nhà có khách, hay ăn dè cho đến sau Tết, khi vụ cấy mới sẽ bắt đầu.

Chúng tôi đã đi qua những cái Tết nhọc nhằn và thiếu thốn như thế. Sau này lớn lên, tôi phát hiện ra rằng, dù nhà tôi nghèo, hiếm hoi mới có một bữa cơm có thịt, nhưng chị gái tôi tuyệt nhiên không đụng đũa vào bất kỳ miếng thịt mỡ nào. Mẹ kể, hồi chị tôi 5 tuổi, vẫn luôn thèm thịt, cái thèm thường trực trong những bữa ăn chỉ có rau và cà muối mặn, họa hoằn lắm có thêm cái trứng gà.

Năm ấy, ngoài thịt đụng phải trả tiền, cha tôi có thêm một suất lợn "đụng" của Đội dân quân (Đội dân quân bán lúa ruộng quỹ mua lợn mổ thịt chia cho các thành viên). Thấy cha mang rổ thịt về, chị tôi nằng nặc đòi ăn. Cha lấy một miếng thịt ba chỉ, luộc cho chị. Chị tôi chén một mạch hết 3 lạng thịt luộc ấy. Lúc thỏa cơn thèm thịt cũng là khi chị rùng mình với miếng thịt mỡ cuối cùng. Cái ám ảnh thịt mỡ ấy theo suốt chị tôi những năm tháng sau này, đến nỗi, nhân bánh chưng có thịt mỡ, chị tôi cũng không bao giờ đụng đũa.

Chúng tôi lớn lên, mỗi đứa một ngả. Có đứa ở gần cha mẹ, có đứa lấy chồng xa, có đứa định cư ở nước ngoài, thành ra, cả chục năm nay, nhà tôi chưa bao giờ đón Tết đông đủ. Tết giờ cũng chẳng còn thiếu thốn như xưa nữa. Chợ bán đến chiều 30 Tết, sáng mùng 2 đã có nhà mở cửa bán hàng, thịt thà ăn lúc nào đi mua lúc ấy, vừa tươi, lại đỡ lích kích. Nhưng cha tôi vẫn giữ thói quen đụng thịt với hàng xóm, hoặc đụng thịt Tết với các bác, các cậu ở quê.

Mẹ tôi đôi bận cũng cằn nhằn vì tủ lạnh chất đầy thịt, chẳng có chỗ mà cất những thứ khác. Với lại, người ít, có khi phải hết rằm tháng Giêng mới hết thịt lợn trong tủ lạnh. Cha tôi kệ, cứ cách Tết cả tháng, ông đã đi dò hỏi xem nhà nào làm thịt lợn để "đụng".

Với ông, đó không đơn thuần chỉ là nồi thịt Tết, mà là cách để níu giữ không khí của Tết xưa, những cái Tết nghèo khó và thiếu thốn nhưng đầy ắp nỗi mong ngóng, đợi chờ...