Bị soi mói vì không về quê ăn Tết
(Dân trí) - Hãy nghĩ đến những y bác sĩ ở lại các cơ sở y tế, các bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân Covid đang tiếp tục gia tăng; biết bao người đang phải cách ly điều trị...
"Không về quê ăn Tết là không có quê hương", "Quê có ở vùng dịch đâu mà phải tránh, sao phải làm nghiêm trọng tình hình"… tôi đã phải nghe những câu như vậy chỉ vì muốn giữ an toàn cho bản thân mình và người khác trong lúc dịch bệnh Covid vẫn hết sức phức tạp.
Hàng năm, vợ chồng con cái chúng tôi vẫn về quê ở Hải Dương ăn Tết. Hai bên nội ngoại gần nhau nên việc di chuyển khá thuận lợi. Tuy nhiên dịp Tết năm nay, một số địa phương ở Hải Dương bùng phát dịch nên chúng tôi quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết, dù khi đó, huyện tôi chưa có ca bệnh nào. Nhiều người trong khu chung cư tôi cũng ở lại đón Tết.
Thú thật là ban đầu tâm lý tôi cũng khá dao động, nửa muốn ở lại, nửa muốn về vì 20 năm xa quê nhưng cứ đến Tết là đại gia đình sum họp. Cả hai vợ chồng đấu tranh tư tưởng khá nhiều vì nghĩ đến bố mẹ. Sau những ngày cân nhắc thấu đáo, hai vợ chồng đi đến thống nhất Tết không về để tránh tiếp xúc nhiều, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, an toàn cho mình và cho người thân.
Hơn nữa, thời điểm gần Tết, tuy huyện tôi chưa có ca nhiễm nhưng nguy cơ là rất cao vì khá gần với khu vực đang bùng phát dịch. Trong khi đó, trong phường tôi sinh sống cũng đã có một số trường hợp dương tính. Nếu chẳng may bất ngờ bùng dịch thì lại khai báo y tế, truy vết rất phức tạp mà về quê thì cũng khó tránh khỏi gặp người nọ người kia.
Cả hai bên gia đình tôi và vợ tôi đều chỉ có 2 anh chị em. Năm nay, cả em trai tôi và em vợ tôi đều bên nước ngoài không về được nên chỉ có bố mẹ ăn Tết một mình. Chúng tôi đều rất sốt ruột và thương bố mẹ khi Tết đầu tiên thiếu vắng con cháu bên cạnh. Tôi đã chủ động gọi điện sớm về cho bố mẹ để báo và động viên các cụ cho đỡ hẫng. Bố mẹ rất thông cảm và còn động viên lại chúng tôi "an toàn là trên hết".
Thế nhưng, một số người có vẻ khó chịu, soi mói và phán xét việc vợ chồng tôi không về quê, bỏ mặc bố mẹ như vậy là không nên. Họ nói ra nói vào rằng, huyện tôi chưa có dịch thì có gì phải ngại và có bị cấm đâu "không về quê ăn Tết là không có quê hương", "Tết mà không về, nhạt với bố mẹ quá". Có người còn bảo vợ chồng tôi nghĩ thái quá, làm nghiêm trọng tình hình rồi so sánh với người nọ người kia họ vẫn về quê ầm ầm mà có sao.
Bỏ ngoài tai những lời như thế, vợ chồng tôi vẫn giữ nguyên quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết và đã có những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa. Cả nhà dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm tất niên và giao thừa. Bọn trẻ có nhiều cơ hội và thời gian hơn để học cách chuẩn bị Tết, gói bánh chưng, cắm hoa cùng mẹ, lên thực đơn các bữa ăn… Còn mọi năm thì về quê là ông bà thường đã gói xong bánh chưng rồi.
Lúc đầu, các con tôi cũng buồn vì không được về sum vầy với ông bà, nhưng nghe bố mẹ giải thích các con đều hiểu và hợp tác.
Hôm mùng 2 Tết, mẹ tôi gọi lên báo là có khu vực ở gần nhà bị phong tỏa do có ca dương tính. Mùng 4 Tết, có quyết định cách ly xã hội với toàn bộ tỉnh Hải Dương. Đến giờ thì tôi thấy quyết định của vợ chồng tôi là hoàn toàn đúng đắn.
Vợ chồng tôi tự nhủ, còn nhiều cái Tết trước mắt, quan trọng an toàn là số 1. Không về quê ăn Tết còn hơn là phải đi cách ly và rồi ảnh hưởng biết bao người khác. Hãy nghĩ đến những y bác sĩ ở lại các cơ sở y tế, các bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân Covid đang tiếp tục gia tăng. Biết bao người đang phải cách ly điều trị, với họ, Tết là trên giường bệnh. Như thế là mình may mắn hơn họ rất nhiều rồi. Hãy trân trọng và biết ơn điều đó. Quan trọng là cả gia đình luôn cảm thông cùng nhau, chung tay góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng thì ăn Tết ở đâu cũng đều có ý nghĩa.