Đừng biến câu cảm ơn thành... hàng xa xỉ!

(Dân trí) - Ngay từ khi bập bẹ học nói, chúng ta đã được dạy phải biết nói lời “cảm ơn” khi ai đó giúp đỡ ta việc gì cũng như cho ta thứ gì đó… Nhưng dường như giờ đây, những người hiểu về ý nghĩa lời “cảm ơn” không còn nhiều lắm.

Người Việt Nam chúng ta đa phần thường có thói quen chỉ nói hai từ “cảm ơn” (thậm chí “quên” không nói) khi một ai đó mang lại lợi ích cho mình, chứ không giống người phương Tây – họ nói“cảm ơn” ngay cả khi tưởng như... không có gì cần cảm ơn cả.

 

Tôi xin đưa ra một ví dụ về lời cảm ơn của người nước ngoài trong hoàn cảnh họ không nhận được sự giúp đỡ từ đối phương. Trên đường phố một đôi bạn trẻ người nước ngoài dừng lại hỏi đường một người đàn ông “Xin hỏi, đường Hàng Gai đi lối nào?” – Người đàn ông lắc đầu (không biết) - Mặc dù không nhận được sự giúp đỡ trong hoàn cảnh này, nhưng đôi bạn người nước ngoài vẫn nói “Vâng, cảm ơn ông”.

 

Một ví dụ ngược lại về trường hợp người Việt mặc dù nhận được sự giúp đỡ nhưng vẫn “quên” nói lời cảm ơn. Đó là trong trường hợp bạn nhắc nhở một ai đó quên không gạt chân chống khi đi xe máy, có những người không cần nhìn xem ai là người nhắc (chứ chưa nói đến “cảm ơn”), chỉ gạt chân chống xuống rồi nhấn ga đi luôn (còn may là không bị mắng là... rỗi hơi!").  
 
Đừng biến câu cảm ơn thành... hàng xa xỉ! - 1

(nguồn ảnh: internet)

 

Qua bài viết "Bội thực”… cảm ơn! của tác giả Brian đăng trên mục Blog của Dân trí, nhiều độc giả đã chia sẻ suy nghĩ, quan điểm riêng về cách nói lời “cảm ơn” giữa người nước ngoài với người Việt Nam.

 

Nói đúng lúc

 

 Tôi lại thấy ông bạn nói có lý. Vì chúng ta không đề cập vấn đề là nói cảm ơn tốt hay không mà là nói cảm ơn ở đâu, lúc nào cho phù hợp mới là đáng bàn. Dĩ nhiên một người đủ lịch sự để cảm ơn người khác thì chắc cũng đủ hiểu biết để lúc nào thì nói "Cảm ơn".

Còn về vấn đề nói lời yêu thương thì tôi lại càng đồng ý, vì không thể nào đánh đồng việc nói lời yêu thương với những hành động yêu thương. Ai cũng nói được nhưng chưa chắc đã làm được, tôi ghét nhất sự giả dối hoặc chứ ít là sự sáo rỗng. Những lời nói đó không thể là chót lưỡi đầu môi.

Dĩ nhiên yêu thương thì phải bày tỏ nhưng không thể miễn cưỡng nói lời yêu thương. Bạn sẽ nghĩ sao nếu phát hiện ra những lời nói yêu thương dành cho bạn là giả dối? Còn vấn đề của người Việt Nam ta thì tôi thấy buồn quá, rất ít người nói xin lỗi chứ đừng nói đến cảm ơn. Tôi đã nghe ở đâu đó người ta nói về người VN rằng "Không cần xin lỗi, không cần cảm ơn". Buồn!”-
liscom.info - Nam - 26 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh

 

Theo tôi, tác giả bài viết băn khoăn rất đúng! Mỗi nền văn hóa có điểm khác biệt của mình. Ở phương Tây những lời "cảm ơn", "xin lỗi", "Bố/mẹ (con) yêu con (bố/mẹ)"... là những câu nói cửa miệng. Họ nói thường xuyên, ở bất cứ đâu nên theo tôi nó cũng làm giảm đi khá nhiều ý nghĩa của những từ này. Có thể các bạn cho đó là thói quen tốt, là lịch sự . Nhưng tôi thấy họ quá lạm dụng nên nó trở nên sáo rỗng và bản thân người nói cũng nói theo thói quen, chứ thực ra có lẽ họ cũng không hề có trách nhiệm với câu nói đó. 

Ở phương Đông cũng như ở Việt Nam thì khác, chúng ta rất hiếm khi sử dụng những lời "cảm ơn", "xin lỗi", "Bố/mẹ (con) yêu con (bố/mẹ)"... Chính vì thế mà có vẻ như chúng ta thường gặp khó khăn trong việc bày tỏ tình cảm và sự quan tâm với người khác. Tuy nhiên, theo tôi thì chúng ta lại là những người có "trách nhiệm" hơn người phương Tây với những lời nói đó. Học hỏi, tiếp thu những thói quen, hành vi, cách cư xử "tốt" của các nền văn hóa khác là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề là cần "chọn lọc" và "tiêu hóa" để hoàn thiện nền văn hóa của chính mình. Chúng ta cần phải học nói lời "cảm ơn", "xin lỗi", "Bố/mẹ (con) yêu con (bố/mẹ)"... đúng lúc, đúng chỗ, đúng tình huống chứ không nên nói những lời này mọi lúc, mọi nơi
” - Kiến Đen - Nam - 26 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh.

 

Mình nghĩ cách nói cảm ơn của người Việt hay người Mỹ đều có cái hay riêng cả. Thật sự thì có những lời cảm ơn của người Mỹ theo mình là không cần thiết. Ví dụ như câu hỏi cuối, khi ai đó bán cho bạn ly trà đá, người mua không cần cảm ơn (vì chính mình bỏ tiền ra để có li trà đó cơ mà, đâu phải là vay mượn ai đâu), mà chính là người bán mới cần phải cảm ơn cho việc người mua đã đến cửa hàng. Nhưng trong nhiều trường hợp, như có người khác giúp đỡ mình điều gì đó, thì người Việt thật sự vẫn chưa biết cách nói cảm ơn. Chúng ta nên học cách biết sử dụng lời nói cảm ơn hay xin lỗi 1 cách đúng đắn, hợp lí” - Hoàng - Nam - 20 tuổi - Từ Nghệ An

 

Xin đừng nói thanh-kiu. Người Việt ngại nói câu "Cảm ơn". Nhiều khi thấy bực mình vì giúp ai đó việc nho nhỏ, mà nghe họ nói "Thanh kiu". Hình như họ không muốn nói nhưng chắc là không nói cũng ngại, thành ra nói thanh-kiu cho đỡ phải nói cảm-ơn??? Thực lòng, không muốn nghe câu thanh-kiu bằng cái giọng ngượng nghịu, suồng sã đó. Nếu có thể, xin đừng nói gì cả. Còn nếu muốn cảm ơn, hãy cười hoặc nói bằng tiếng Việt "cảm ơn"” - Nhân - Nam - 34 tuổi - Từ Hà Nội

 

Tôi thấy người Việt cũng nói cảm ơn nhiều đấy chứ. Tất nhiên thì không thường trực trên môi như người Mỹ, nhưng với những người tử tế ở Việt Nam, tôi thấy câu nói đó là thường xuyên đó chứ. Còn câu "I love u" thì có lẽ hơi khó nói. Có lẽ câu đó tôi mới hay nói với con trai nhỏ của tôi, còn với bố mẹ đúng là chưa bao giờ, với "người yêu cũ" - (giờ là chồng) thì may ra có 1-2 lần. Còn là chồng rồi thì chỉ may có nhắn tin lúc đi xa, he he. Đúng là người Việt nói câu đó thấy... gượng lắm. Nhưng văn hoá Tây khác ta, cũng phải lựa sao cho phù hợp. Quan trọng là bạn thể hiện bằng hành động, chứ không phải lời nói sáo rỗng mà hành động ngược lại” - Hoàng Tâm - Nam - 26 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh

 

Cảm ơn” - câu nói thần kỳ

 

Mỗi một đất nước, có một nền văn hóa khác nhau....Ở các nước phương Tây, mọi người thể hiện tình cảm bằng cả lời nói và hành động. Nhưng ở Việt Nam, cách mọi người thể hiện tình cảm của mình đó chính là hành động, lời nói rất ít khi được nói ra đặc biệt là những từ như "yêu", "xin lỗi", "cảm ơn". Với mình, mình vẫn thích nói từ "cảm ơn" nhiều hơn vì mình đâu có phải trả tiền cho từ " cảm ơn" đâu,  từ " cảm ơn" có thể làm cho con người gần nhau lại hơn” - Phương Thủy - Nam - 26 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh

 

Nói cảm ơn để bày tỏ sự ghi nhận về sự giúp đỡ của người khác! Lời nói chẳng mất tiền mua, sao không làm cho mọi người xung quanh bạn thấy vui vẻ? Hãy biết cảm ơn vì những gì người khác đã làm cho bạn! Tôi thích "Cảm ơn"!” - Ngọc Lan - Nam - 28 tuổi - Từ Hải Phòng

 

“Cảm ơn mọi người hàng ngày! Tất cả mọi lúc, mọi nơi. Tôi nói cảm ơn khi chồng bật cho tôi bình nước nóng khi tôi chuẩn bị đi tắm. Tôi cảm ơn mẹ khi mẹ nấu cho tôi bữa cơm ngon. Tôi cảm ơn đồng nghiệp khi nhận được sự giúp đỡ từ họ, khi được họ chúc mừng nhân dịp gì đó, được chia sẻ khi tôi không vui. Cảm ơn là câu nói thần kỳ! Nếu có thể hãy cảm ơn tất cả mọi người đã chia sẻ với bạn cuộc sống, từ bà bán rau  Rau của cô hôm nay tươi quá, cảm ơn"; chồng hay vợ "Cảm ơn Mình yêu nhé". Cảm ơn!”- Sơn Quỳnh - Nam - 20 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh

 

Cá nhân tôi lại rất mong muốn Việt Nam cũng giống như các nước phương Tây, có thể nói cảm ơn mà không phải ngại ngùng. Trong khi đó ở Việt Nam, việc nói xin lỗi hay cảm ơn nhiều khi không được bộc lộ. Nhiều người Việt Nam mặc dù rất yêu bố mẹ hay con cái của mình và thực sự muốn nói lời cảm ơn hay những lời yêu thương với họ... nhưng vì câu đó không xuất hiện thường xuyên trong đời sống người Việt như ở Mỹ... nên người ta phải giấu đi cảm xúc của mình mà không bộc lộ ra ngoài.

Tôi cũng không phản đối rằng họ thể hiện bằng hành động nhiều hơn. Thế nhưng thử ví dụ rằng một người mẹ tất bật chăm lo cho gia đình, nhiều lúc cảm thấy thực sự mệt mỏi. Nếu chỉ cần nghe một câu yêu thương từ người chồng hay con của mình rằng anh yêu em, con yêu mẹ... chắc chắn họ sẽ cảm thấy vui hơn và không cảm thấy mệt mỏi nữa... Dù nói thế nào, tôi cũng mong Việt Nam cũng có thói quen nó cảm ơn xin lỗi như người Mỹ... và mọi người có thể bộc lộ tình cảm của mình với những người thân yêu của họ...”
- nguyễn hảo - Nữ - 21 tuổi - Từ Nam Định

 

“Tất nhiên lời nói không thể thay thế cho hành động, nhưng không phải chúng ta đều có thể thể hiện sự cảm ơn bằng hành động ngay khi ai đó làm điều tốt cho ta. Vậy thì tốt hơn hết hãy nói lời cảm ơn ngay lúc đó, người làm điều tốt cho bạn sẽ cảm nhận được lòng tốt của họ được bạn biết đến” - Vũ Thị Thu - Nữ - 22 tuổi - Từ Hà Nội.

 

Biết nói lời “cảm ơn” không chỉ thể hiện phép lịch sự mà còn làm cho người giúp đỡ hay người được nghe cảm thấy thoải mái, hạnh phúc. Nói lời “cảm ơn” tưởng đâu không cần phải học, không cần phải dạy, nhưng đó cũng là một kỹ năng sống quý báu cần có cho mỗi chúng ta.

 

 Linh Nhã