"Bội thực”… cảm ơn!

(Dân trí) - Khi nói cảm ơn ở Việt Nam, đôi lúc tôi bị nhìn một cách kỳ lạ. Nhưng giờ đây tôi nghĩ có lẽ ở Mỹ nói cảm ơn như vậy quá nhiều. Việc lặp đi lặp lại một từ nào đó đôi khi có thể dẫn tới việc chúng bị mất đi ý nghĩa.

 
"Bội thực”… cảm ơn! - 1


(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Một trong những từ tiếng Việt đầu tiên tôi học là "cảm ơn". Lý do tôi học từ này đầu tiên là vì khi một người từ Mỹ đến, muốn học một vài câu hữu dụng bằng tiếng Việt, người đó thường hỏi từ tương đương của những từ mà chúng tôi thường dùng nhất trong tiếng Anh là gì: "How much is this?", "Oh, my god!", "How old are you?", "You're very pretty" ("Cái này giá bao nhiêu?", "Ối giời ơi", "Bạn bao nhiêu tuổi?", "Em xinh quá").

Nhưng từ đầu tiên khiến tôi rất quan tâm. Ở Mỹ, chúng tôi nói cảm ơn về mọi thứ. Nếu bạn mua dầu gội đầu ở cửa hàng, bạn đứng xếp hàng rồi trả tiền, rồi nói cảm ơn với người thu ngân.

Cô thu ngân có làm ân huệ gì cho chúng tôi không? Không. Công việc của cô ấy là thu tiền của khách hàng rồi đưa dầu gội đầu cho họ mang về. Thế nhưng, chúng tôi vẫn nói cảm ơn.

Tại sao chúng tôi lại quá ám ảnh với việc nói cảm ơn?

Tôi không chắc. Nhưng tôi có thể nói rằng thường khi các gia đình Mỹ ăn tối với nhau (một việc ngày càng ít xảy ra), bạn phải nói, "Làm ơn chuyển cho con (bố/mẹ/chị/em...) đĩa đậu".

Sau khi nhận được đĩa đậu, bạn phải nói "Cảm ơn bố (mẹ/con/anh/em...). Nếu bạn không nói, bố bạn sẽ cốc cho một phát vào đầu: "Nhớ nói cảm ơn mẹ vì đã chuyển đĩa đậu cho con đấy nhé".

Cảm ơn. Không có gì. Chúng đã được tiêm vào ý thức của chúng tôi từ khi còn rất bé.

Thế có phải là lịch sự? Có. Thế có phải là tốt? Tôi không chắc.

Tôi tự hỏi không biết người Việt có thấy việc người phương Tây nói cảm ơn quá nhiều là kỳ cục. Ngay cả một khách Tây "ba lô", chỉ ghé đây 1 hay 2 tuần, cũng sẽ học được cách cảm ơn một người rót trà cho anh ta.

Nhưng sau khi đã ở Việt Nam một thời gian, tôi đã bắt đầu băn khoăn về thói lịch sự của chúng tôi. Liệu đó có phải chỉ là sức mạnh của thói quen?

-----------

Tôi đã gặp nhiều người Việt nói rằng cha mẹ họ chưa bao giờ nói với họ "Bố/mẹ yêu con".

Lúc đầu chuyện này rất sốc đối với tôi, cũng như hẳn nó sẽ sốc đối với những người khác lớn lên ở phương Tây. Nhưng, sau khi suy nghĩ về chuyện đó, tôi tự hỏi nếu bạn nói những từ đó hàng ngày, liệu chúng có bắt đầu mất đi ý nghĩa?

Có một cảnh "kiểu Mỹ" sáo mòn, với một người chồng/cha bước xuống nhà ăn sáng. Bà vợ đã làm món trứng với bánh mì nướng. Ông ấy ăn vội, ực nhanh cốc nước cam. Ông phải đi làm; không có thời gian chuyện phiếm với lũ con, ngoài câu "Ở trường thế nào?". Ông vội vã ra khỏi nhà, nhưng luôn luôn, trước khi ra đến cửa, ông hôn vợ và nói... chắc chắn bạn đã biết...

"Anh yêu em".

-----------

Thế là tôi bắt đầu tự hỏi liệu việc liên tục nói những từ này có phải là tốt? Nếu một người chồng nói như vậy với vợ mỗi ngày, liệu anh ta có thực sự nghĩ vậy? Mỗi ngày?

Cũng giống như với "cảm ơn". Chúng tôi - những người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, nói chung, nói câu đó suốt, ngay cả khi chẳng có gì để mà phải biết ơn.

Mẹ tôi từng nói yêu tôi hàng ngày. Mỗi lần bà nói, tôi đều biết những lời đó là từ trong tâm. Nhưng tôi có cảm giác là tôi là người may mắn mà thôi. Tôi biết nhiều gia đình mà mọi người nói yêu nhau hàng ngày, nhưng rồi làm những việc tồi tệ với nhau: trộm cắp, bạo lực, hoặc tệ hơn nữa.

Khi nói cảm ơn với mọi người ở Việt Nam, đôi lúc tôi bị nhìn một cách kỳ lạ.

Lúc đầu tôi cho rằng việc đó là bất lịch sự. Chẳng có "không có gì", cũng không có cười. Nhưng giờ đây tôi nghĩ là cách của Việt Nam có thể là đúng hơn.

Có lẽ mọi người ở Mỹ nói như vậy quá nhiều. Việc lặp đi lặp lại một từ nào đó đôi khi có thể dẫn tới việc chúng bị mất đi ý nghĩa.

Ở đây tôi là người ngoài, nên tôi không thể nói chắc chắn được. Tôi chỉ có nhiều người bạn Việt để cho tôi biết chuyện này chuyện kia. Nhưng nếu đúng là những từ "Bố/mẹ (con) yêu con (bố/mẹ)" không được nói nhiều trong các gia đình Việt Nam, thì có lẽ đó không phải là chuyện xấu. Suy cho cùng, tình yêu thực sự được thể hiện qua hành động. Nếu Cha và Mẹ làm việc cật lực mỗi ngày để đảm bảo con cái họ có một tương lai tốt, thì con cái sẽ hiểu, mà không cần tới lời nói.

Lần duy nhất tôi nghe câu "Anh yêu em" ở Việt Nam là trong các bài hát pop. Ở đó, bạn có thể nghe câu này thường xuyên. Nhưng khi tôi nghe ở đó, câu đó nghe hơi trống rỗng (có thể chỉ là do khả năng hiểu hạn chế của tôi). Có thể là vì sự lặp lại quá nhiều.

Nếu tôi đúng (và tôi không biết liệu tôi có đúng), cách hạn chế sử dụng những từ này của người Việt, hẳn là tốt hơn.

Tuy nhiên, sau tất cả những thứ triết lý về ngôn ngữ này, tôi vẫn hơi hoang mang về việc khi nào thì là phù hợp để nói cảm ơn. Khi ai đó bán cho bạn ly trà đá? Khi họ mời bạn tới dự tiệc? Khi họ cho bạn vay tiền?

Các bạn có thể cho tôi biết? Cảm ơn các bạn trước.

Brian
U.M dịch 
 
* Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả, xin mời độc giả đọc bài viết với nội dung tương tự bằng tiếng Anh của Brian tại đây