Thúc đẩy du lịch nội địa sau đại dịch COVID-19

Du lịch là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh, nhưng đây cũng là một trong những ngành phục hồi trước tiên. Nhiều chuyên gia nhận định, du lịch nội địa đang được coi là “cứu cánh” của du lịch Việt Nam sau những thiệt hại do dịch COVID-19.

Kích cầu du lịch phải được đẩy nhanh

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt hầu bao hơn, du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi toàn ngành đều phải vào cuộc kích cầu, địa phương - điểm đến - các doanh nghiệp cùng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách.

Sau khi tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch đi khảo sát nhiều địa phương, chứng kiến nhiều nơi dịch vụ du lịch vẫn còn đang im lìm, khách sạn, nhà hàng chưa mở cửa trở lại, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch sống dựa vào khách, khi không có khách thì không thể kích cầu gì hết. Trước hiện trạng khảo sát các khu du lịch không có khách thì du lịch sẽ không thể tồn tại. Ông Bình cho rằng, chúng ta phải làm sao để du lịch hoạt động trở lại, thậm chí phải đẩy nhanh quyết liệt từng ngày.

Theo ông Vũ Thế Bình, ngay bây giờ dù còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp khó có thể kết hợp với nhau nhưng chúng ta phải làm, song song là chọn điểm kích cầu là những nơi hàng không Việt Nam có đường bay - nơi nào có sân bay khởi động ngay chương trình kích cầu ngay. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải đồng hành với doanh nghiệp từ những việc đơn giản như các khu du lịch, điểm tham quan hãy giảm giá vé, chỉ doanh nghiệp giảm mà các khu tham quan, du lịch của nhà nước không giảm thì không được. “Làm sao trong hai tháng khôi phục hoạt động du lịch, sau bốn tháng hồi phục, cuối năm trở lại như cũ, như vậy mới triển khai được du lịch quốc tế - phải an toàn người ta mới sang” – ông Vũ Thế Bình khẳng định.

 
Thúc đẩy du lịch nội địa sau đại dịch COVID-19 - 1
Cầu Vàng (Đà Nẵng) thu hút đông đảo du khách trẻ. (Ảnh minh họa: Báo Công thương) 

Phó Tổng giám đốc Hanoitourist Nguyễn Vân cho rằng trong thời điểm này, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thay vì nêu khó khăn phải có hành động cụ thể, sự gắn kết, đoàn kết với nhau để cùng vực dậy ngành du lịch. Các công ty hàng không có thể hợp tác với nhau để đưa ra những mức giá không bị chênh lệch quá nhiều, các khách sạn, công ty du lịch cũng có cân nhắc tương tự. "Chúng ta cần mua chung, bán chung để không gây nhiễu loạn thị trường, tránh gây tâm lý e dè, chờ đợi thời cơ của khách vì thực tế thời gian kích cầu của chúng ta không phải quá dài, mặt khác cũng là để đảm bảo chất lượng và tình hình kinh tế của doanh nghiệp", bà Vân chia sẻ.

Đặc biệt, đại diện Hanoitourist cũng cho biết, ngoài phát triển du lịch biển, cần xúc tiến các thị trường du lịch khác như du lịch lữ hành tại các thành phố. Song song với đó là nâng cao trải nghiệm khách hàng, kích cầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo khi ngành ổn định trở lại.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist cho biết: Từ đầu tháng 5, Saigontourist đã tái khởi động toàn hệ thống các gói kích cầu, liên kết các sản phẩm dịch vụ trong hệ thống và tiên phong phát động du lịch nội địa. Tuy nhiên, thực tế, vẫn có những hạn chế, tâm lý e dè, ngại tập trung du lịch theo nhóm. Trong thời gian sắp tới, Saigontourist sẽ tiếp tục có những chương trình kích cầu, những sản phẩm du lịch chất lượng và cam kết đồng hành với Bộ, với Tổng cục du lịch và các ban liên quan để phục hồi và phát triển ngành.

Không hành động ngay, du lịch nội địa sẽ khó phục hồi

Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề không chỉ với ngành du lịch, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới chính "túi tiền" và tâm lý của du khách. Bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn SunGroup cho biết, nếu không hành động ngay lúc này, thị trường du lịch nội địa sẽ khó phục hồi như kỳ vọng, bù đắp được những thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra cho ngành du lịch, trong khi thị trường outbound (đưa khách ra), inbound (đón khách vào) lại chưa thể dự đoán được thời điểm hồi phục, khi diễn biến COVID-19 trên thế giới vẫn còn khá phức tạp.

Để tạo nên sức bật đột phá cho thị trường du lịch nội địa, bà Trần Thị Nguyện cho rằng, các cơ quan báo chí, truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch để quảng bá cho điểm đến trong nước nhằm khuyến khích, kêu gọi người dân ủng hộ, đi du lịch Việt Nam theo đúng tinh thần khuyến khích tiêu dùng nội địa để phục hồi nền kinh tế mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu.

Ngoài ra, ở thời điểm hiện nay, toàn ngành du lịch phát động triển khai mạnh mẽ Chương trình chào đón du khách trở lại, với những ưu đãi đặc biệt để kích thích chi tiêu trong vòng 2 tháng. Tất cả du khách mỗi khi "check-in" các điểm đến đều nhận được tin nhắn chào mừng, gói ưu đãi hấp dẫn đến từ các đại lý du lịch, cửa hàng ăn uống, mua sắm, tất cả các phương tiện giao thông công cộng, các hãng taxi.

Việc triển khai cần áp dụng mạnh mẽ và trên quy mô cả nước, với tất cả các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch, bao gồm: lữ hành, vận tải, lưu trú, mua sắm.... để tạo nên chuỗi sản phẩm có chất lượng tốt nhất và mức giá rẻ nhất để kích thích tiêu dùng.

Hiện tại, SunGroup đã lên kế hoạch hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp khác để cùng tạo nên sức mạnh vượt bão, đưa ra những chương trình kích cầu sớm và có sức hấp dẫn. Điển hình nhất là khu du lịch Sun World Fansipan Legend tại Sa Pa do SunGroup đầu tư đã phối hợp với UBND thị xã Sa Pa và Hiệp hội Du lịch Sa Pa tung ra chương trình kích cầu du lịch quy mô với mức giá ưu đãi lớn. Theo đó, đồng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành, vận tải, lưu trú, ẩm thực... trên địa bàn thị xã Sa Pa cam kết giảm giá dịch vụ từ 30-60%. Các khu vui chơi giải trí Sun World, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn này cũng đã lần lượt tung ra những chương trình kích cầu cho du khách nội địa.

Nhằm khôi phục thị trường du lịch trong nước, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Với thời gian thực hiện từ ngày 1/6 đến 31/12/2020, Chương trình tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch có dịch vụ chất lượng, giá hợp lý đi kèm những ưu đãi và cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần.

Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc. Được xác định sẽ triển khai thành hai giai đoạn: giai đoạn một từ ngày 15/5 đến 15/7/2020; giai đoạn hai từ ngày 15/7 đến hết năm 2020, Chương trình đưa ra các nguyên tắc kích cầu là phải bảo đảm an toàn cho du khách, giảm giá nhưng không được giảm chất lượng dịch vụ hoặc giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ cho du khách. Các sản phẩm kích cầu cần chú trọng tính mới, độc đáo, giá thành thấp và có thêm những khuyến mãi đa dạng.

Tại các địa phương, ngành du lịch cũng đang nỗ lực mở cửa trở lại các dịch vụ, khu vui chơi giải trí, quảng bá các điểm du lịch của địa phương để thực hiện chiến lược phục hồi nền kinh tế ngay trong và sau đại dịch COVID-19. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, địa phương cùng sự đồng lòng của các doanh nghiệp lữ hành, ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả khả quan trong thời gian tới./.

Theo H.Lê

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam