Bình Định:
Dự án tái định cư "ngốn" gần 15 tỷ ngân sách, sau 8 năm có 2 hộ dân đến ở!
(Dân trí) - Khu tái định cư (TĐC) thuộc dự án di dãn dân vùng triều cường, ngập lũ có tổng mức đầu tư gần 14,9 tỷ đồng nhưng suốt hơn 8 năm qua chỉ đưa được 2 hộ dân lên ở. Trong khi đó, nhiều hộ không thuộc đối tượng lại đến lấn chiếm đất TĐC.
Khu tái định cư chỉ… 2 hộ dân
Dự án di dãn dân vùng ngập lũ, triều cường Huỳnh Giản (gọi tắt là khu TĐC Huỳnh Giản, thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) có tổng diện tích ban đầu là hơn 5ha. Tổng vốn gần 14,9 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, thuộc chương trình bố trí tái định cư (TĐC) theo Quyết định số 193/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án, do UBND huyện Tuy Phước làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2011 để di dời các hộ dân vùng ngập lũ, thiên tai nguy hiểm lên nơi an toàn, giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản, tạo cuộc sống ổn định cho trên 200 hộ dân chủ yếu thuộc 2 thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam.
Tuy nhiên, do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng và giải quyết các yêu sách của người dân nên dự án tiếp tục bị ách lại. Mãi đến đầu tháng 4/2018 dự án mới được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Thế nhưng đến nay, khu TĐC tiền tỷ này chỉ vỏn vẹn có 2 hộ dân đến ở. Trong khi đó, có hàng chục người dân đến trồng trụ bê tông để “xí phần”, khuôn viên khu TĐC cư thì cỏ cây mọc…
Bà Bùi Thị Mỹ Nghiêm (50 tuổi) là 1 trong 2 hộ buộc phải di dời đến khu TĐC này lắc đầu nói: “Thời điểm gia đình tôi về đây phải mất gần một năm trời phải sống trong cảnh mò mẫm đèn dầu, nước phải đi xin tắm từng bữa, khổ lắm”.
Theo bà Mỹ, sở dĩ khu TĐC không ai ở vì các hộ dân khu vực phải di dời vẫn có nhà ở nên họ nán lại chờ khu TĐC bắt điện, nước. Còn gia đình bà không còn đất ở bất đắc dĩ phải di dời về đây sinh sống.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 12/2018, có 28 hộ dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc tự ý vào khu TĐC Huỳnh Giản trồng trụ bê tông, phân định mốc giới, chia ra 28 lô đất (mỗi lô hơn 100m2) để “xí phần”.
Các hộ dân cho rằng, đây là diện tích họ phải được “thừa hưởng” do trước kia Nhà nước đã thu hồi đất của gia đình họ để xây dựng khu TĐC. Cụ thể, tại cuộc họp vào ngày 17/12/2011 giữa đại diện huyện Tuy Phước và các hộ dân có đất bị thu hồi, ông Trần Hữu Lộc - thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (đã nghỉ hưu) đã cam kết mỗi hộ dân được cấp lại 100m2 đất ở và 1 triệu đồng tiền làm nhà vệ sinh nếu có diện tích đất bị thu hồi từ 300m2 trở lên.
Trước khi phân chia đất, các hộ dân làm giấy báo cáo gửi Ban nhân dân thôn Huỳnh Giản Bắc để công khai cho các cấp lãnh đạo xã, huyện biết.
Lãng phí ngân sách Nhà nước
Theo một cán bộ Địa chính xã Phước Hòa cho biết, khu TĐC Huỳnh Giản, đến nay đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nhưng chưa thể bố trí dân vào ở. Chính quyền xã cũng đã họp dân đưa ra tiêu chí, điều kiện để bố trí các hộ vào khu TĐC. Tuy nhiên, chỉ có người dân thôn Huỳnh Giản Nam đồng ý, còn các hộ dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc không đồng ý. Lý do, nhiệm kỳ Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (đã nghỉ hưu) có hứa trước dân, nếu hộ nào nhường trên 300m2 đất rừng sẽ được bố trí thêm 1 lô đất trong khu TĐC.
Trong khi đó, trả lời phóng viên Dân trí về việc khu TĐC Huỳnh Giản đưa vào sử dụng đã lâu nhưng mới chỉ 2 hộ dân đến ở, ông Huỳnh Thanh Vương - Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết: “Không phải người dân không chịu đến khu TĐC mà hiện tại vẫn còn một số ý kiến bất đồng chưa thống nhất. Vừa rồi xã đã rà soát có 20 hồ sơ đủ điều kiện bố trí TĐC và 5 hồ sơ phát sinh do bị giải tỏa trắng thi công cầu Huỳnh Đông. UBND huyện đã bố trí giao đất cho 5 hộ dân bị giải tỏa trắng, còn lại các hộ chưa thể giao đất vì còn những quan điểm chưa đồng tình nên phải họp dân lại”.
Trao đổi về việc 28 hộ dân tự ý vào khu TĐC lấn chiếm đóng trụ bê tông, ông Vương cho biết thêm, địa phương đã có kế hoạch cưỡng chế cùng với các hộ dân lấn chiếm đất ở tỉnh lộ 639 với Khu Kinh tế Nhơn Hội theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Liên quan đến vụ việc trên, phóng viên trao đổi qua điện thoại nhưng ông Nguyễn Đình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước từ chối cung cấp thông tin liên quan đến dự án này với lý do ông đang bận họp không thể nói được nhiều.
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, hiện tỉnh này xây dựng 19 khu TĐC nhưng đến nay mới khoảng 6 khu TĐC dân ở hoàn thành di dời dân đến nơi ở mới. Số ít còn lại tỷ lệ dân di dời đến khu TĐC mới chỉ đạt khoảng 20-30%. Cá biệt, hiện còn một số khu TĐC đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ 2-3 hộ dân đến ở, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Doãn Công