Kon Tum:
Dự án giãn dân hơn 149 tỷ: Nỗi lo về thiếu nước và nguy cơ sạt lở!
(Dân trí) - Dự án giãn dân nội vùng xã Đắk H’ring (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) được đầu tư hơn 149 tỷ nhằm mục đích quy hoạch bố trí hàng trăm hộ dân xã Đăk H’rinh (huyện Đăk Hà, Kon Tum). Tuy nhiên, tại khu tái định cư mới đã xảy ra nhiều bất cập như thiếu nước, nguy cơ sạt lở khiến dân bất an không dám ở.
Vừa qua đoàn giám sát của Huyện ủy Đăk Hà (Kon Tum) đã có báo cáo về kết quả trong công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư và việc triển khai dự án khu giãn dân nội vùng xã Đăk Long. Cụ thể, năm 2009, khi thủy điện Pleikrông được xây dựng có hàng trăm hộ dân tại thị trấn Đăk Hà (H. Đăk Hà) nằm trong vùng ảnh hưởng. Để người dân ổn định cuộc sống, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt dự án quy hoạch bố trí dân cư xã Đắk H’ring (nay là xã Đăk Long, huyện Đắk Hà) giai đoạn 2009-2015 với diện tích 690ha.
UBND huyện Đắk Hà được giao làm chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư trên 149 tỷ đồng. Kinh phí rút ra từ nguồn ngân sách và bồi thường, hỗ trợ của Tập đoàn điện lực Việt Nam. Dự án kì vọng sẽ đảm bảo đời sống cho 300 hộ dân với 1.500 nhân khẩu. Theo kế hoạch, mỗi hộ sẽ được cấp 2 ha đất sản xuất, 800m2 đất nhà ở và đất vườn.
Tuy nhiên, đến năm 2015, dự án không hoàn thành nên UBND tỉnh Kon Tum cho gia hạn đến hết năm 2018. Đến nay dự án đã kết thúc và mới chỉ thực hiện tái định cư cho 126 hộ (đạt 42% dự án). Thế nhưng kinh phí sử dụng đã hơn 134 tỷ đồng (chiếm 90% kinh phí dự án).
Điều đáng nói, đến nay 126 hộ dân chỉ được cấp bình quân mỗi hộ 0,57ha và 400m2 đất ở. UBND huyện và Ban quản lý dự án không thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân theo Quyết định của UBND tỉnh với số tiền hơn 6,9 tỷ đồng. Ngoài ra những hộ dân đã chuyển đến khu tái định cư này sinh sống phải đối mặt với vấn đề thiếu nước sinh hoạt và sạt lở.
Chị Y Thiếp (37 tuổi, trú làng Long Loi, thị trấn Đăk Hà) cho biết: “Ngôi nhà của tôi đã xây xong tại khu tái định cư. Tuy nhiên, gia đình chưa dám chuyển đến ở vì sợ sạt lở và thiếu nước sinh hoạt. Gia đình chị vẫn ở làng cũ và hàng ngày phải đi tới rẫy tại khu tái định cư để làm. Sau 10 năm nhường đất cho dự án thủy điện, đến nay gia đình chị vẫn chưa ổn định cuộc sống. Diện tích đất sản xuất ít không đủ để đảm bảo cuộc sống. Trong khi đó nguồn nước sinh hoạt rất khan hiếm vì cứ 2 hộ gia đình mới được dùng chung 1 giếng nước.
Tương tự, anh A Bái (trú làng Kon Gru, xã Đăk Mar) cho biết, chúng tôi đã nhường đất đai, nhà cửa cho lòng hồ thủy điện thế nhưng lại không nhận được hỗ trợ, đền bù thỏa đáng. Lên khu tái định cư này, chúng tôi phải sống trong cảnh thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, tình trạng sạt lở đe dọa cuộc sống.
Trước tình hình trên, Đoàn giám sát kiến nghị UBND huyện Đăk Hà cấp hết đất cho người dân thực hiện canh tác, sản xuất; Có phương án đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân; Không để xảy ra tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.
Đồng thời đoàn giám sát cũng đề nghị Ban thường vụ huyện ủy Đăk Hà chỉ đạo UBND huyện có báo cáo đề xuất giải pháp khắc phục những sai phạm trên. Đồng thời kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong quá trình triển khai và thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ bản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Trọng (Trưởng Ban QLXD Cơ bản huyện Đăk Hà kiêm Phó Ban giãn dân của Dự án) cho biết: “Nguồn vốn của dự án được bố trí nhỏ giọt nên đã gây không ít khó khăn khi thực hiện. Tổng dự án 149 tỷ nhưng do thực hiện qua một thời gian dài nên giá đất đền bù tăng lên gấp nhiều lần nên kinh phí cũng bị đẩy lên…”.
“Đối với những vấn đề như sạt lở và thiếu nước sạch tại khu tái định cư thì chúng tôi đã tiến hành khắc phục để người dân yên tâm. Cụ thể, chúng tôi đã tiến hành khoan 2 giếng nước thêm phục vụ vào mùa hạn cho bà con. Đối với việc sạt lở do mưa bão đầu tháng 2 gây ra khiến đất bị lở nên chúng tôi đang tiến hành trồng cỏ để tránh bị xói lở.”, ông Trọng cho biết.
Phạm Hoàng