Ninh Bình:
“Đóng cửa”, di dời xưởng tái chế nhựa 10 năm sản xuất giữa khu dân cư!
(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí phản ánh bài viết: “Dân “kêu trời” vì xưởng sản xuất đồ nhựa 10 năm nằm giữa khu dân cư”, UBND huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã thành lập Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường tại cơ sở này, sau đó ra quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Tiên - Chủ tịch UBND huyện Nho Quan (Ninh Bình) cho biết, sau khi báo có bài phản ánh về xưởng tái chế, sản xuất dép và ủng nhựa của hộ ông Hoàng Văn Mãn thôn Yên Ninh, xã Yên Quang hoạt động giữa khu dân cư, phát ra tiếng ồn cũng như mùi khét từ nhựa trong quá trình sản xuất, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác về kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường tại cơ sở này.
Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện quá trình sản xuất kinh doanh, hộ ông Hoàng Văn Mãn có nhiều nội dung không tuân thủ theo quy định về bảo vệ môi trường. Cụ thể, hộ ông Mãn đã vi phạm về quy định sử dụng đất khi xây dựng nhà xưởng 600m2 (thuộc thửa đất số 338, tờ bản đồ số 4, bản đồ địa chính xã Yên Quang) trên diện tích đất vườn; Xưởng sản xuất nhựa nằm trong khu dân cư, khoảng cách từ nhà xưởng đến nhà ở của các hộ dân xung quanh dưới 100m, không đảm bảo theo quy định tại Quyết định 3733/2002/QĐ – BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất ủng nhựa với công suất 5.000 đôi/tháng của gia đình ông Mãn không được đăng ký trong đề án (đề án bảo vệ môi trường đơn giản), không báo cáo và được sự cho phép của cấp có thẩm quyền. Công suất sản xuất dép nhựa 40.000 đôi/tháng, tăng gấp đôi so với đăng ký trong đề án; Nguyên liệu sử dụng: Dép nhựa 4.000kg/tháng, bột nhựa trắng 4.000kg/tháng, tăng gấp đôi so với đăng ký trong đề án; Chất ổn định nhựa PVC 500 kg/tháng, dầu hóa dẻo DOP 3.000 lít/tháng không có trong đăng ký của đề án.
Ngoài ra, tại khu vực sơ chế dép nhựa cũ, chủ cơ sở đã lắp đặt đường ống và xây bể thu gom, xử lý khí thải. Nhưng hệ thống này hoạt động không hiệu quả do không có thiết bị hút khí thải dẫn vào đường ống để xử lý.
Ngay sau khi kiểm tra, phát hiện các vi phạm tại cơ sở sản xuất của hộ ông Hoàng Văn Mãn, Tổ công tác đã có báo cáo đề nghị UBND huyện Nho Quan yêu cầu hộ ông Hoàng Văn Mãn tạm dừng hoạt động sản xuất của cơ sở thu mua, tái chế dép nhựa khi chưa thực hiện đủ hồ sơ đánh giá và phân tích chất lượng môi trường (thời gian tạm dừng hoạt động từ ngày 25/10/2017). Giao UBND xã Yên Quang giám sát việc dừng hoạt động của cơ sở sản xuất dép của hộ dân này.
Đối với việc chủ cơ sở tự ý mở rộng quy mô sản xuất, lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất ủng nhựa nhưng không lập kế hoạch bảo vệ môi trường; Đưa một số nguyên liệu, hóa chất không được đăng ký trong đề án bảo vệ môi trường vào sản xuất dép mà không báo cáo giải trình với cơ quan nhà nước; Phát sinh chất thải nguy hại nhưng không lập hồ sơ báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, Tổ công đề nghị UBND huyện Nho Quan xử phạt hành chính.
Những vi phạm nêu trên của hộ ông Hoàng Văn Mãn được chiếu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Thông tư số 26/2015/TT – BTNMT ngày 28/05/2015, quy định về đề án BVMT chi tiết, đề án BVMT đơn giản. Ông Hoàng Văn Mãn đã vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT trong quá trình hoạt động cơ sở thu mua, tái chế và sản xuất dép được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14 của Thông tư 26/2015/TT – BTNMT và Khoản 1, Điều 90 Luật BVMT.
Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết thêm, UBND huyện đã tiến hành xử phạt hành chính cơ sở sản xuất của hộ ông Hoàng Văn Mãn 5,5 triệu đồng, đình chỉ toàn bộ hoạt động. “Huyện đã giao cho UBND xã Yên Quang tìm vị trí đất thích hợp để hộ ông Mãn ký hợp đồng thuê đất, hoàn tất các thủ tục để di dời xưởng sản xuất này, khi hoạt động trở lại đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật” - ông Tiên cho hay.
Trước đó, như báo Dân trí đã phản ánh, cơ sở sản xuất dép nhựa của hộ ông Hoàng Văn Mãn tại xã Yên Phong hoạt động từ năm 2007 chuyên thu mua, tái chế nhựa và sản xuất dép nhựa. Năm 2015, cơ sở này mới thực hiện đề án bảo vệ môi trường và được UBND huyện Nho Quan xác nhận. Từ khi có đề án bảo vệ môi trường đơn giản, hộ ông Mãn đã liên tục mở rộng quy mô sản xuất bằng cách xây dựng nhà xưởng lớn, mua thêm dây chuyền làm dép và ủng nhựa. Cũng từ đó, người dân sống gần cơ sở này liên tục bị “tra tấn” bởi tiếng ồn cũng như mùi nhựa khét từ cơ sở này phát ra.
Nhận được phản ánh của người dân, PV Dân trí đã về ghi nhận thực tế và có thông tin phản ánh trên báo. Huyện Nho Quan sau khi nắm bắt được sự việc đã vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm để đảm bảo đời sống cho nhiều hộ dân sống gần xưởng sản xuất dép, ủng nhựa này.
Thái Bá